Dân Việt

Rùng mình binh sĩ đồng tính bị lạm dụng tình dục trong quân đội Hàn Quốc

PV 16/09/2019 16:33 GMT+7
Những binh sĩ đồng tính Hàn Quốc từng bị lạm dụng trong thời gian phục vụ trong quân đội đã đứng lên vạch trần tội ác kẻ xấu, kể việc họ bị xâm hại và đối xử bất công như thế nào.

Một trung úy quân đội biết rằng sự nghiệp của mình bị hủy hoại khi nhóm điều tra quân đội tìm đến anh ta vào năm 2017. Những người này yêu cầu anh ta thừa nhận hành vi quan hệ tình dục với một người lính nam khác. Đây là tội hình sự trong quân đội Hàn Quốc.

Khi các điều tra viên yêu cầu anh nói chuyện video với người yêu cũ, trung úy đã thừa nhận mối quan hệ này. Sau đó, họ tịch thu điện thoại của anh và ép anh chỉ ra những người lính đồng tính trong danh bạ điện thoại.

Các điều tra viên thậm chí khiến anh xấu hổ với những câu hỏi dạng như "anh đã quan hệ bằng những tư thế nào?" hay "anh đã phóng tinh vào đâu?".

Siết chặt luật về "quan hệ tình dục không đứng đắn"

Trung úy yêu cầu chỉ tiết lộ họ Kim của anh ta. Anh Kim có thể lãnh án tù nhưng được nhận án treo vì thái độ ăn năn. Anh đã chọn rời khỏi quân đội vì không thấy có tương lai ở đó.

Quân đội Hàn Quốc khẳng định không phân biệt đối xử với những người thuộc nhóm giới tính thiểu số (giới tính thứ ba). Tuy nhiên, anh Kim là một trong số ngày càng nhiều binh sĩ đồng tính (gay) hoặc chuyển giới bị bức hại theo Điều 92-6 Bộ luật Hình sự Quân đội.

Theo một báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế, anh Kim sẽ bị phạt ngay cả khi quan hệ tình dục đồng thuận.

img

Năm 2017, quân đội Hàn Quốc phát động "cuộc đàn áp thẳng tay" những người có "hành vi quan hệ tình dục không đứng đắn". Ảnh: Amnesty International.

Theo Điều 92-6 về "quan hệ tình dục qua đường hậu môn và các hành vi không đứng đắn khác" giữa các nhân viên quân đội có thể bị phạt tù tới 2 năm, cho dù họ có rời khỏi quân đội hay có sự đồng thuận từ các bên.

Nỗ lực của những người ủng hộ LGBT và người chuyển giới nhằm hủy bỏ điều luật trên đã không thành công.

Roseann Rife, Giám đốc nghiên cứu khu vực Đông Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết: "Quân đội Hàn Quốc cần phải dừng đối xử với những người LGBT như kẻ thù".

Báo cáo "Phục tùng trong im lặng" của nhóm này cũng nêu chi tiết về các hành vi lạm dụng tình dục và các hành vi tình dục khác của cấp trên gây ra cho các binh sĩ đồng tính của họ.

"Đã quá trễ để quân đội thừa nhận rằng thiên hướng tình dục của một người hoàn toàn không liên quan đến khả năng phục vụ của họ", ông Rife nói.

Chính phủ Hàn Quốc nói rằng Điều 92-6 không nhằm trừng phạt thiên hướng tình dục của một người. Đúng hơn, nó để ngăn chặn việc lạm dụng tình dục trong quân đội, môi trường gần như hoàn toàn là nam giới.

img

"Hành vi tình dục không đúng đắn" bị quân đội Hàn Quốc cấm để giữ vững kỷ cương. Ảnh: CNN.

Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã nhiều lần ra phán quyết rằng điều luật này hoàn toàn cần thiết để giữ vững kỷ cương, cũng như sức mạnh chiến đấu của các binh sĩ.

Hàn Quốc đã ở trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên trong nhiều thập kỷ. Quân đội gồm khoảng 600.000 binh sĩ. Tất cả đàn ông đủ tiêu chuẩn sức khỏe đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trong 2 năm.

Quân đội không cấm người gay và người chuyển giới làm việc ở đây. Họ không cấm quan hệ đồng giới, điều họ cấm là "hành vi tình dục không đúng đắn".

Các hành vi vi phạm điều 92-6 đã gia tăng. Số binh sĩ bị buộc tội đã tăng từ 2 người một năm trong các năm 2009, lên 14 người năm 2010 và 2012, 28 người năm 2017. Số liệu mới nhất cho thấy 10 binh sĩ đã bị buộc tội trong nửa đầu năm 2018.

Binh sĩ đồng tính bị đối xử bất công

Các cựu chiến binh từ lâu đã báo cáo về sự phân biệt đối xử với người đồng tính trong quân đội, cũng như việc đánh đập, quấy rối, lạm dụng, sỉ nhục và bắt nạt họ. Hầu hết binh sĩ đồng tính đều che giấu thiên hướng tình dục của mình vì họ sợ bị ruồng bỏ và quấy rối.

Năm 2017, thời điểm anh Kim bị thẩm vấn, quân đội đã phát động một "cuộc đàn áp thẳng tay" căn cứ theo điều 92-6. Họ tịch thu điện thoại của các binh sĩ mà không cần lệnh và bắt họ khai ra những người lính mà họ quan hệ tình dục, theo Trung tâm Nhân quyền Quân đội, nhóm dân sự có trụ sở tại thủ đô Seoul.

9 binh sĩ đã bị truy tố, trong đó 8 người bị kết án và một đại úy nhận án tù treo. Một số người đang kháng cáo. Tuy nhiên, không ai phải ngồi tù.

14 binh sĩ khác bị điều tra trong "cuộc thanh trừng" nhưng không bị truy tố. Một số người, trong đó có anh Kim, đã kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp rằng Điều 92-6 vi hiến.

Cuộc đàn áp năm 2017 đã gây ra sự phẫn nộ ở Hàn Quốc, nơi quyền của những người thuộc nhóm giới tính thiểu số không được coi trọng.

Người đồng tính dễ bị lạm dụng tình dục

Những năm gần đây, người đồng tính dễ được phát hiện hơn ở Hàn Quốc. Cùng với đó, các nhóm theo đạo Kitô giáo bảo thủ đã leo thang biểu tình chống lại người đồng tính luyến ái ở các thành phố lớn. Họ gọi những binh sĩ gay là mối đe dọa cho tình trạng sẵn sàng chiến đấu của quân đội.

Chính các nhóm này đã làm thất bại nỗ lực thông qua luật chống phân biệt đối xử của quốc hội, điều được Liên Hợp Quốc kêu gọi ở Hàn Quốc. Điều này sẽ mang lại cho nhóm giới tính thiểu số những biện pháp bảo vệ tương tự như các nhóm thiểu số khác.

Báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế đã mô tả chi tiết thái độ từ chống người đồng tính chuyển thành lạm dụng thể chất và tình dục họ trong quân đội như thế nào.

img

Những người đồng tính không những bị phản đối, mà còn bị lạm dụng thể chất và tình dục trong quân đội. Ảnh: CNN.

Một cựu quân nhân nói với nhóm nhân quyền rằng anh ta bị ép quan hệ tình dục bằng miệng và hậu môn với một người lính đồng tính khác vì bị cấp trên chế giễu.

"Anh có muốn quan hệ tình dục với một người đàn ông giống như phụ nữ không?", báo cáo cho biết.

Trong khi những người khác bị lạm dụng tình dục vì "không đủ nam tính" khi có dáng đi ẻo là và giọng nói lảnh lót.

Người đồng tính được "quan tâm đặc biệt"

Tổ chức Ân xá cho biết họ đã phỏng vấn 21 cựu quân nhân, binh sĩ và lính tương lai, hầu hết họ sử dụng biệt danh. Trong đó, có Jeram Yunghun Kang chịu dùng tên thật trong cuộc phỏng vấn với New York Times.

Anh Kang vào quân đội năm 2008. Anh bị những người lính khác quấy rối bằng cách sờ soạng, hôn lên cổ và kéo quần lót xuống.

Sau khi tâm sự với một sĩ quan rằng mình bị đồng tính và nhờ giúp đỡ, chỉ huy tiểu đoàn của anh đã bắt anh đứng trước toàn đơn vị và hỏi rằng "anh đã dụ dỗ ai đêm qua?".

Từ hôm đó, Kang phải đeo chiếc huy hiệu "mặt cười" trên ngực để đánh dấu là "một người lính được quan tâm đặc biệt".

img

Một binh sĩ ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: New York Times.

"Tôi phải tắm một mình", anh Kang nói qua điện thoại từ London. "Tôi bị coi là bẩn thỉu, một người không rõ là nam hay nữ không nên khỏa thân trước những người đàn ông khác".

Cuối cùng, Kang được gửi đến một phòng tâm thần trong quân đội, nơi anh bị ép phải uống thuốc chống trầm cảm hai lần một ngày.

Các nhân viên ở đó khuyên Kang giả điên để lấy giấy chứng nhận "không đủ tiêu chuẩn phục vụ trong quân đội" và được trục xuất.

Anh đã từ chối và cố tự tử hai lần. Sau đó, anh bị giam trong phòng biệt giam, tay chân bị trói vào giường.

"Khi bị trói trong căn phòng không có âm thanh hay ánh sáng lọt vào, tôi cảm thấy rằng không có nơi nào để đi ở Hàn Quốc", anh Kang nói.

Sau 116 ngày trong bệnh viện, anh Kang đã bị trục xuất khỏi quân đội năm 2009 vì lý do tâm thần.

Mẹ của Kang, người nuôi nấng anh một mình, đã bán nhà để anh có thể đến London sống và học tập trong một môi trường dễ tiếp nhận hơn.

Kể từ khi sang Anh vào năm 2016, anh đã tự xuất bản một cuốn sách. Bây giờ, khi visa du học của anh sắp hết hạn, Kang sợ phải về nước.

"Tôi đã rời Hàn Quốc như thể tôi đang chạy trốn", anh nói. "Tôi sợ quay trở lại đó. Tôi cảm thấy mình là người đi lánh nạn".