Mái ấm cô nhi
Chúng tôi ghé thăm chùa Phước Quang vào một ngày giữa tháng 7 nắng gắt. Ngôi chùa nhỏ nằm nép mình bên dòng kênh xanh mát thuộc thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây lúc nào cũng rộn tiếng cười đùa của tụi nhỏ. Thấy chúng tôi đến, sư thầy Thích Hạnh Khiết, trụ trì chùa khẽ gật đầu, nở nụ cười từ tốn thay cho lời chào rồi dẫn chúng tôi xuống phòng khách.
Vừa thấy bóng sư thầy đi xuống, bốn, năm đứa trẻ trạc tuổi nhau chạy ùa ra ríu rít gọi ba. Thấy vậy, sư thầy cao giọng "Các con trật tự để ba còn tiếp khách nghe chưa". Dứt lời, thầy quay sang chúng tôi giải thích "Mấy đứa ở đây trước giờ không gọi tôi là thầy, lúc thì chúng gọi ba, lúc thì gọi mẹ, cứ vậy ngót nghét ba chục năm, tôi làm cha của gần 50 đứa trẻ rồi đấy!".
Chùa Phước Quang còn là nơi để thầy Khiết chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.
Hướng mắt về những "đứa con" của mình, sư thầy Hạnh Khiết lần lượt kể về cơ duyên khiến thầy và những đứa trẻ này gặp được nhau. Còn nhớ, đứa trẻ đầu tiên thầy nhận nuôi là Trần Văn Diệu. Đó là một ngày đầu tháng 3 - 1991, trong chuyến đi khám bệnh miễn phí cho các huyện nghèo miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Lúc đó, thầy Khiết mới 33 tuổi, vừa trụ trì chùa Phước Quang được một năm.
Thầy kể, lúc hay tin có một đứa bé mới chào đời nhưng bị bỏ rơi ở bệnh xá, thầy tò mò ghé qua xem. Lúc đó ở bệnh xá có rất đông người, nhưng không ai đứng ra nhận chăm sóc đứa trẻ. Bởi thời ấy ai cũng nghèo, cũng khổ, chẳng ai đủ điều kiện nhận nuôi. Thấy vậy, thầy mạnh dạn xin mang đứa bé về chùa để chăm sóc, đến nay Diệu đã 28 tuổi và đang làm việc cho một ngân hàng tại Gia Lai.
"Có lẽ kể từ đó mà tôi bắt đầu có duyên với những đứa trẻ mồ côi. Đa số người ta đem bé đến bỏ trước cổng chùa, có bé lúc được phát hiện vẫn còn nguyên dây rốn. Nuôi một đứa trẻ sơ sinh lớn lên khỏe mạnh đã khó, nuôi một lúc mấy chục đứa còn khó hơn rất nhiều. Thế nhưng các con đáng thương quá, tôi không đành lòng bỏ mặc. Tính tới nay, tôi đã nhận nuôi tất thảy là 46 em rồi, đứa lớn nhất 28 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 15 tháng tuổi" - thầy Khiết bộc bạch.
Vừa làm cha, vừa làm mẹ của hàng chục đứa trẻ trong suốt gần ba mươi năm qua, sư thầy Thích Hạnh Khiết chẳng mấy khi được nghỉ ngơi. Còn nhớ những ngày đầu tập "làm mẹ", đêm nào thầy cũng chập chờn không ngon giấc, vì còn phải ru ngủ và cho con uống sữa. Những hôm các con ốm đau, quấy khóc, gần như thầy phải thức trắng đêm để vỗ về.
Thấy Khiết nhớ lại, thời điểm mới nhận nuôi các bé, tịnh thất gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Không có đủ tiền mua sữa, thầy phải ôm đứa bé nhất đi xin sữa khắp vùng, còn mấy đứa lớn hơn chút xíu thì nấu nước cơm rồi hòa chung với đường cho uống đỡ. Khốn khó, cơ cực là thế, nhưng thầy vẫn luôn cố gắng dành những gì tốt nhất cho các con, thậm chí, thầy sẵn lòng ăn khoai mì, khoai lang để nhường cơm cho bọn trẻ.
Sư thầy Thích Hạnh Khiết bên cạnh những "đứa con" của mình.
46 đứa trẻ, từ lúc được thầy nhận về nuôi cho đến lúc lớn đều do một tay thầy ôm ấp, chăm sóc và dạy dỗ. Để có tiền lo bỉm sữa cho các con nhỏ, tiền ăn học cho các con lớn hơn, thì ngoài thời gian chăm sóc bọn trẻ, thầy Khiết tranh thủ làm nhang, làm tương và đồ chay để bán cho các Phật tử, kiếm thêm thu nhập. Thầy tâm sự, dù vất vả nhưng chỉ cần nhìn thấy các con cười đùa, sà vào lòng nũng nịu gọi một tiếng "ba ơi..!" là bao nhọc nhằn tan biến.
Dù có đến gần 50 "đứa con", nhưng tới tận bây giờ sư thầy Thích Hạnh Khiết vẫn nhớ rất rõ ngày, giờ và hoàn cảnh lúc bị bỏ rơi của từng đứa trẻ. Chẳng hạn như chuyện về cậu bé Trường Phát mắc bệnh động kinh bị bỏ rơi tận hai lần, hay cậu bé Chuột lúc được phát hiện trước cổng chùa vẫn còn chưa cắt dây rốn, chỉ nặng vỏn vẹn 1,8kg... Từng câu chuyện về những đứa con của mình được thầy kể lại với giọng điệu từ tốn, xen lẫn chút xót xa
Thương cho hoàn cảnh của các em, sư thầy Hạnh Khiết luôn cố gắng lo cho các em một cuộc sống tươm tất, được ăn học đàng hoàng. Khi những đứa con của mình muốn dựng vợ, gả chồng, thầy cũng đứng ra lo liệu. Đến nay, trong số 46 em được sư thầy Hạnh Khiết nhận nuôi, rất nhiều em đã trưởng thành và yên bề gia thất. Trong đó có 12 giáo viên, 4 y, bác sĩ, nhiều người trở thành kĩ sư, kế toán và làm việc tại các công ty lớn. Ngoài ra, hiện sư thầy đang nuôi dạy 10 đứa trẻ mồ côi tại chùa.
Nuôi nấng ngần ấy đứa trẻ nên người và thành đạt không phải là điều dễ dàng. Thế nhưng, niềm hạnh phúc lớn lao của sư thầy Thích Hạnh Khiết cho tới bây giờ vẫn chỉ là các con được khỏe mạnh, bình an, dịp lễ tết lại cùng nhau tụ họp, sum vầy tại tịnh thất.
Trọn đời mang tâm niệm cứu người
Ngoài việc nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi, thầy Khiết còn cưu mang những cụ già neo đơn, những người có hoàn cảnh đáng thương, không người thân thích.
Bà Đào Thị Kim Oanh là một trong số những hoàn cảnh bất hạnh mà thầy Khiết đang cưu mang, giúp đỡ. Cuộc đời bà trải qua rất nhiều biến cố, chồng và 4 người con của bà đều mất sớm vì bạo bệnh. Lần lượt chứng kiến từng người thân yêu nhất ra đi, cú sốc này chưa qua lại phải đón nhận cú sốc khác. Sau khi chồng con mất, bà lại phát hiện mình bị viêm tủy, hai chân bại liệt không thể đi đứng được. Bệnh tật, không người thân, bà may mắn được thầy Hạnh Khiết nhận về chùa cưu mang, chăm sóc.
"Tôi biết ơn thầy không biết nói sao cho đủ. Tôi bệnh tật, không thể làm gì được, thầy chăm lo cho tôi rất ân cần và chu đáo. Nếu không có thầy, không biết tôi phải sống tiếp như thế nào. Ở đời khó kiếm được ai có lòng từ bi giống như thầy Khiết lắm" - bà Oanh xúc động nói.
Gần 30 năm qua, sư thầy Thích Hạnh Khiết đã làm cha của gần 50 đưa trẻ mồ côi.
Không những vậy, ngôi chùa đơn sơ này còn là bệnh xá nhỏ khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Theo lời thầy Khiết, ngày nào cũng có người đến xin khám, chữa bệnh, có hôm cao điểm lên đến vài chục người. Những bệnh nhân nào nhẹ, thầy khám rồi cho thuốc mang về uống. Còn những người bệnh nặng hơn, thầy giữ lại chùa để tiện theo dõi và điều trị.
"Chỉ cần có một chút thời gian rảnh là tôi lại làm thuốc nam, thuốc đông y và nghiên cứu sách y học để có thể cứu được nhiều bệnh nhân hơn. Việc khám, chữa bệnh và ăn uống của bệnh nhân tại tịnh thất đều hoàn toàn miễn phí, tôi chi mong sao có sức để giúp được nhiều người hơn, còn lợi ích cá nhân tôi chưa bao giờ màng" - thầy Khiết trải lòng.
Tấm lòng hướng thiện của sư thầy Thích Hạnh Khiết chưa dừng lại ở đó, định kì hàng tháng, thầy còn tổ chức nấu cơm chay cấp phát cho bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh. Đặc biệt, thầy còn là Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học tịnh thất Phước Quang. Để hỗ trợ các học sinh nghèo hiếu học ở địa phương, mỗi năm chùa đều đứng ra kêu gọi quyên góp, nuôi heo đất gây quỹ để có kinh phí lập quỹ học bổng khuyến học cho các em.
Dành hơn nửa đời người để làm phúc và cứu người, sư thầy Thích Hạnh Khiết luôn tâm niệm "Dù cho xây 9 bậc phù đồ cũng chưa bằng cứu được một mạng người. Cái vui của họ là cái vui của mình, cái có của họ là cái có của mình, cái no đủ của họ là no đủ của chính mình. Vậy nên mình tạo điều kiện cho họ có cuộc sống hạnh phúc thì hạnh phúc của họ cũng chính là hạnh phúc của mình".