Dân Việt

Giữa bất ổn thế giới, Ngân hàng Nhà nước có cần giảm thêm lãi suất?

Theo Etime 16/09/2019 19:05 GMT+7
Nhiều chuyên gia cho rằng, động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kể từ ngày hôm nay 16/9 là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh rủi ro kinh tế toàn cầu suy giảm ngày càng tăng và nhiều NHTW các nước khác trên thế giới đã cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, mức giảm 0,25 điểm phần trăm còn khá khiêm tốn. Nhiều chuyên gia kỳ vọng, từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ có thêm các đợt cắt giảm lãi suất điều hành nữa.

Kể từ ngày hôm nay 16/9, các lãi suất điều hành quan trọng của Việt Nam cũng đồng loạt hạ 0,25 điểm phần trăm.

Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm.

Đồng thời, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở cũng giảm lần thứ hai trong năm 2019, xuống còn 4,5%/năm.

Tác động của giảm lãi suất không lớn

Đánh giá về động thái trên, công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng trong bối cảnh rủi ro kinh tế toàn cầu suy giảm ngày càng tăng và nhiều NHTW các nước khác trên thế giới đã cắt giảm lãi suất, NHNN Việt Nam cũng không muốn đứng ngoài xu hướng trên.

Tuy vậy, ở góc độ thực tế, tác động của việc giảm các loại lãi suất trên tại Việt Nam sẽ không quá lớn như ở các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu...

"Việc điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam là đặt mục tiêu trực tiếp về khối lượng cung tiền thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) chứ không như FED hay ECB là điều tiết cung tiền thông qua mục tiêu trung gian là lãi suất", BVSC viết.

"Do vậy, quyết định cắt lãi suất như trên của NHNN mang tính chất định hướng và tâm lý là chủ yếu, còn việc Việt Nam có thật sự nới lỏng hơn chính sách tiền tệ hay không thì phải chờ các số liệu thực tế về tăng trưởng tín dụng và M2 trong thời gian tới", BVSC khẳng định.

Thêm vào đó, các loại lãi suất như tái chiết khấu, tái cấp vốn không phải là nghiệp vụ được sử dụng thường xuyên, chỉ diễn ra khi một số ngân hàng gặp khó khăn lớn về thanh khoản, buộc phải vay vốn từ NHNN khi không vay được thông qua kênh liên ngân hàng. Ngay cả đợt cắt giảm lãi suất tín phiếu hồi tháng 7 mới đây cũng có tác động rất hạn chế đến mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường.

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận, lãi suất điều hành không mấy liên quan đến lãi suất thị trường, bởi các ngân hàng thương mại vay từ NHNN không lớn, đặc biệt là kênh tái cấp vốn hầu như không hoạt động, chỉ cho vay với ngân hàng sắp phá sản.

Theo ông Nghĩa, dù lãi suất điều hành giảm, nhưng số ngân hàng có thể giảm lãi suất không nhiều. Các ngân hàng nhỏ vẫn kỳ vọng NHNN có thể điều chỉnh giảm thêm lãi suất điều hành từ nay đến cuối năm.

Có cần giảm thêm lãi suất?

Sau quyết định giảm lãi suất điều hành thêm 2,25 điểm phần trăm của NHNN, hàng loạt cổ phiếu đã tăng mạnh nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Thị trường bất động sản có cơ hội để tăng cung bất động sản. Thị trường trái phiếu DN cũng sẽ bớt căng thẳng hơn. Ngoài ra, nó cũng giảm tác động vốn trung, dài hạn cho các DN…

Tác động nhãn tiền là có, dù vậy theo nhiều chuyên gia, mức điều chỉnh lãi suất của NHNN lần này vẫn còn khá khiêm tốn.

img

Ngân hàng Nhà nước có nên giảm thêm lãi suất điều hành?

Bàn về vấn đề này, TS.Lê Xuân Nghĩa cho rằng nếu lãi suất điều hành giảm thêm thì mới tác động tích cực tới thị trường, giúp tín dụng tăng lên khoảng 16-17% trong năm nay.

"Hiện tại, nhìn vào thị trường bất động sản và hoạt động huy động trái phiếu doanh nghiệp vừa qua cho thấy tín dụng đang khá căng thẳng.

Thời gian tới NHNN cần cân nhắc giảm thêm lãi suất điều hành, sẽ tác động tích cực đến thị trường và tăng trưởng tín dụng khả quan hơn", ông Nghĩa phân tích.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng mức giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước tối thiểu phải là 0,5 điểm phần trăm, mức 0,25 điểm phần trăm là khá khiêm tốn.

Ông Hiếu cũng không loại trừ khả năng từ nay cho tới cuối năm NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất điều hành nhưng vị này cho rằng, khả năng giảm thêm lần nữa trong năm nay là không cao.

Dưới góc nhìn tích cực hơn, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, đánh giá quyết định giảm lãi suất là phù hợp với định hướng từ đầu năm của NHNN là thận trọng linh hoạt theo sát tình hình diễn biến chung của cả kinh tế trong nước và thế giới. Đứng trước bối cảnh hàng loạt NHTW các nước trên thế giới cũng áp dụng chính sách nới lỏng, việc NHNN quyết định giảm lãi suất điều hành không có gì bất ngờ.

img

Ông Tùng cho rằng, trước mắt, giảm lãi suất điều hành không tác động nhiều đến tình hình kinh doanh của các ngân hàng. Vì các ngân hàng chủ yếu kinh doanh trên thị trường 1. Còn trên thị trường 2, lãi suất cũng đang ổn định và đã giảm về mức hợp lý trước khi có quyết giảm lãi suất điều hành.

“Tuy nhiên, không có lý do gì để NHNN giảm sâu lãi suất gây sốc cho thị trường. Vì suy cho cùng giảm sâu thì nó cũng không có tác động nhiều đến nền kinh tế, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. NHNN không cần phải vội vàng gì điều chỉnh thêm”, ông Tùng nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng Bùi Quang Tín thừa nhận, chưa cần thiết phải điều chỉnh thêm lãi suất điều hành trong khoảng thời gian từ nay cho tới cuối năm.

Ông Tín phân tích, hiện mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang chỉ hơn 3%/năm cho thấy thanh khoản ngân hàng đang ổn định. Trong khi đó, lãi suất huy động trên thị trường 1 chỉ tăng ở kỳ hạn trung, dài hạn và xuất hiện ở ngân hàng nhỏ nên không mang tính đại diện cho cả thị trường.

“Một quy tắc trong điều hành lãi suất là phải bám theo diễn biến của thị trường. Do đó, tôi cho rằng, thời điểm cũng như mức độ điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN là phù hợp”, ông Tín nhấn mạnh thêm.