Từ ngày16/9/2019, theo quyết định của NHNN, lãi suất tái cấp vốn sẽ giảm từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm.
Ngoài ra, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.
Liên quan đến động thái này, CTCP Chứng khoán SSI vừa công bố báo cáo nhận định về Nguyên nhân và tác động của việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành.
Theo SSI, NHNN điều hành chính sách tiền tệ trực tiếp thông qua các chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2),… không phải qua trung gian là lãi suất điều hành như các nước khác nên tác động của việc điều chỉnh lãi suất không quá lớn.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng cung tiền M2 đến hết tháng 6/2019 lần lượt là 7,36% và 7,11%, thấp hơn so với cùng kì 2018 là 7,86%và 8,39%. Nhà điều hành đã có một đợt nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng đủ tiêu chuẩn nhưng hầu hết thấp hơn đề xuất của các ngân hàng thương mại (NHTM).
Bên cạnh đó, theo SSI, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm vẫn là 14% cho thấy, NHNN vẫn đang điều hành cung tiền thận trọng. Điều này là hoàn toàn hợp lí bởi xét trong bối cảnh tổng cầu chậm cải thiện, tăng cung tiền sẽ tăng rủi ro lạm phát, nhập siêu và bong bóng tài sản. Giá dầu tăng đột ngột và thương chiến Mỹ - Trung leo thang là hai cảnh báo nhãn tiền để tiếp tục thận trọng với chính sách tiền tệ.
Chủ trương giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Trong ngắn hạn, SSI cho rằng mặt bằng lãi suất giao dịch trên liên ngân hàng và lợi tức trái phiếu chính phủ các kì hạn ngắn trên thứ cấp là hai đối tượng chịu tác động mạnh nhất từ việc điều chỉnh lãi suất OMO.
Thực tế, trong ngày nhận được thông tin giảm lãi suất điều hành, lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng đã giảm mạnh xuống 2,78%/năm (giảm 20 điểm cơ bản), lợi tức TPCP kì hạn 1 - 3 năm giảm từ 6 -12 điểm cơ bản xuống quanh mức 2,6%/năm.
Xét dài hơn, các lãi suất trên thị trường liên ngân hàng sẽ dao động trong khoảng từ lãi suất tín phiếu đến lãi suất OMO (từ 2,75%/năm đến 4,5%/năm).
Trong điều kiện lí tưởng, giá vốn rẻ hơn trên thị trường liên ngân hàng và môi trường thanh khoản được kì vọng sẽ được giữ dồi dào sẽ tạo cơ sở để các NHTM điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 (thị trường giữa các NHTM với các tổ chức kinh tế và cá nhân).
Tuy vậy, vốn liên ngân hàng chỉ đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn, không dùng để cấp tín dụng và bị hạn chế bởi tỉ lệ 20% so với vốn huy động các tổ chức kinh tế và dân cư nên tính liên thông từ thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) xuống thị trường 1 cần một thời gian dài.
Trước đó, thị trường cũng chứng kiến loạt động thái đáng chú ý như: các NHTM Nhà nước hai lần giảm lãi suất cho vay với các nhóm ngành ưu tiên; NHNN tuyên bố sẽ xử lí nghiêm các NHTM chạy đua tăng lãi suất huy động (có thể cắt giảm tăng trưởng tín dụng); kiểm soát chặt chẽ các hoạt động cho vay bất động sản và đầu tư trái phiếu bất động sản của các NHTM…
Theo SSI, dù tác động của động thái giảm lãi suất của NHNN đến thị trường 1 là hạn chế nhưng do đây là động thái tiếp theo sau chuỗi hành động trên nên nó thể hiện sự tăng cường kiểm soát dòng chảy tín dụng và chủ trương giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Thời gian gần đây, các NHTM yếu thanh khoản đã đẩy lãi suất huy động lên khá cao, nới rộng khoảng cách với lãi suất huy động của nhóm các NHTM Nhà nước và và NHTM cổ phần lớn. Tuy nhiên, với tỉ trọng trên 70% thị phần huy động và cho vay, nhóm NHTM Nhà nước và NHTMCP lớn mới đóng vai trò quyết định trong xu hướng lãi suất chung của thị trường 1.
"Trong bối cảnh có nhiều yếu tố thuận lợi đến từ cả trong nước và quốc tế, các biện pháp kĩ thuật của NHNN nếu có được sự đồng lòng của các NHTM lớn thì mục tiêu giảm lãi suất vẫn có thể đạt được mà chưa cần phải dùng đến biện pháp nới lỏng, bơm tiền vào nền kinh tế", SSI nhận định.
Nhìn ở bình diện lớn hơn, SSI cho rằng để thúc đẩy kinh tế trong giai đoạn hiện nay thì chỉ nỗ lực của NHNN sẽ không đủ. Công cụ tiền tệ đang phải xoay sở trong một không gian hẹp khi vừa phải ổn định vĩ mô, vừa hỗ trợ tăng trưởng.
Trong bối cảnh thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, phát huy tối đa nội lực (với hai giải pháp hàng đầu là giải ngân đầu tư công và thực thi bảo hộ) sẽ vừa tạo được tăng trưởng, vừa tránh được các biến động bất lợi từ bên ngoài.