Từ ngày 16/5, Hà Nội đã triển khai phương án thí điểm xử lý ô nhiễm, làm sạch sông Tô Lịch (300m đoạn đầu đường Hoàng Quốc Việt) bằng công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản.
Dự án thí điểm ban đầu dự tính trong 2 tháng nhưng phải kéo dài tới 4 tháng vì việc xả nước hồ Tây đã làm ảnh hưởng đến kết quả do các tấm Bioreactor kích hoạt. Ảnh xả nước hồ Tây chụp 10/7.
Trước khi sử dụng công nghệ của Nhật, sông Tô Lịch nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Các chuyên gia Nhật Bản cho hay, khi đặt máy sục khí bio-nano xuống thì 3 ngày sau, mùi hôi của sông Tô Lịch sẽ giảm và sau 2 tháng các chỉ số quan trắc nước sẽ đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.
Nước thải liên tục được đổ xuống sông Tô Lịch
Để giúp người dân có cái nhìn rõ hơn về quá trình hoạt động của các máy sục khí, công ty Cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) còn quây một đoạn rào sắt khoảng 70m2 ở vệ sông Tô Lịch để trình diễn xử lý bùn, nước.
Đây cũng là nơi chuyên gia Nhật đã từng tắm ngày 8/8. Mới đây nhất, ngày 16/9, tại khu vực này được thả cá Koi và cá chép để minh chứng cho việc nước sông Tô Lịch sau khi xử lý bằng công nghệ Nhật Bản đều nằm trong mức tốt, đảm bảo sinh vật như cá phát triển.
Trước ngày hết hạn thử nghiệm, sông Tô Lịch còn bất ngờ được rải một lớp đá trắng xuống đáy.
Theo giải thích của phía JVE, việc làm này giúp các chuyên gia và người dân nhìn rõ hơn độ trong của nước sau khi được công nghệ Nano xử lý.
Sau khi hết hạn thử nghiệm, các đơn vị lấy mẫu nước nơi thí điểm công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản mang đi phân tích, kết quả sẽ có trong vài ngày tới. Kết quả sẽ được gửi tới Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội xem xét và từ đó có quyết định áp dụng rộng rãi công nghệ này hay không.
Khu vực thử nghiệm “bảo bối” của Nhật trên sông Tô Lịch bất ngờ được rải một lớp đá trắng toát dưới đáy...