Kỳ vọng vào năng lượng tái tạo
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Ngọc Linh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Ban Tuyên Giáo Trung Ương) cho biết: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực trên toàn thế giới, Việt Nam cũng phải đối diện bài toán tìm nguồn năng lượng mới. Vì thế năng lượng tái tạo chính là nguồn năng lượng của tương lai gần, có thể dần thay thế các nguồn điện truyền thống.
Toàn cảnh buổi khai mạc Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2019
Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để thúc đẩy sản xuất và thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ trong thời gian 2 năm, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện quốc gia tăng nhanh từ không đáng kể lên hơn 9% với 2 nguồn chủ yếu là điện gió và điện mặt trời. Đó là những thay đổi tích cực thể hiện sự nỗ lực cần được ghi nhận của người dân và chính phủ để giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng truyền thống nhằm bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững của Việt Nam”.
Ông Phạm Ngọc Linh, Vụ Trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Ban Tuyên Giáo Trung Ương) phát biểu khai mạc
Ông Phạm Ngọc Linh bày tỏ kì vọng năng lượng tái tạo là tương lai của hệ thống điện, từng bước hoàn thiện quá trình chuyển dịch từ nguồn nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo để việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ đóng góp trực tiếp cho sự vận hành, phát triển của ngành điện mà còn mang lại những ảnh hướng tích cực đến đời sống – xã hội và sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.
"Tôi hi vọng với những ý kiến phát biểu, thảo luận của các đại biểu tham dự tại Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2019, chúng ta có thể tìm ra được những giải pháp hoàn chỉnh, hiệu quả hơn để ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam sẽ có bước phát triển đột phá trong thời gian tới”, ông Linh cho hay.
Nhiều thách thức
Tuần lễ năng lượng tái tạo 2019 tập trung vào chủ đề Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam: cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm từ quốc tế. Chương trình năm nay hướng tới mục tiêu tạo diễn đàn trao đổi thông tin, đối thoại đa bên để đưa ra các đề xuất giải pháp đóng góp vào quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng và mang lại lợi ích lớn nhất cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Trong chuỗi sự kiện tại Hà Nội sẽ diễn ra các buổi tọa đàm, hội thảo về những vấn đề như: Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam; hội thảo chuyên đề Huy động đồng lợi ích của các giải pháp giảm thiểu tác động Biến đổi khí hậu từ Năng lượng tái tạo; tọa đàm Tài chính Xanh cho năng lượng tái tạo trong ngành công nghiệp tại Việt Nam. Cùng với đó hội thảo "Chuyển dịch năng lượng bền vững: Cơ hội và thách thức cho đồng bằng sông Cửu Long" được tổ chức vào ngày 20/9 tại TP Long Xuyên tỉnh An Giang.
Các đại biểu đề xuất giải pháp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam
Theo báo cáo của VSEA, trong vòng một năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt với kỷ lục về công suất điện mặt trời đưa vào vận hành, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, quá trình phát triển “thần tốc” này cũng đang đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, sử dụng đất, cơ chế giá điện, nguồn nhân lực/ việc làm và nguồn tài chính…
Để Việt Nam có thể vượt qua những thách thức này, rất cần sự chung tay, ủng hộ và nỗ lực hành động của các bên từ các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chính quyền và cộng đồng địa phương đến các tổ chức phát triển hay khối tài chính, ngân hàng.
Ông Lê Hải Đăng, Đại diện Ban chiến lược, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh,Việt Nam đặt mục tiêu tổng nguồn điện quốc gia được cung cấp từ năng lượng tái tạo năm 2020 đạt 7% và tăng lên 10% năm 2030. Tuy nhiên tới tháng 7/2019 điện mặt trời đạt công suất 4.543 MW và điện gió 626,8 MW (chiếm 9% tổng nguồn điện và vượt hơn 2%, sớm hơn so với kế hoạch).
Hiện nguồn năng lượng sản xuất điện của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào phần lớn 3 nhà máy thuỷ điện, nhưng đang có nhiều khó khăn do nước trên hệ thống sông Đà đã khai thác đến 90%. Nguồn điện hiện đang trông chờ vào các nhà máy nhiệt điện than để bù lại, dù gây ô nhiễm môi trường rất lớn.
Ông Lê Hải Đăng, Đại diện Ban chiến lược, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng năng lượng tái tạo tham gia vào hệ thống điện quốc gia dẫn tới sự dịch chuyển lớn.
Theo ông Đăng, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn khi phát triển điện gió, điện mặt trời ở góc độ kỹ thuật do phải điều chỉnh tần số hệ thống điện cả nước, tốc độ tăng trưởng phụ tải cao trong khi chất lượng điện năng từ năng lượng tái tạo chưa tốt, giá thành của điện tái tạo còn cao hơn so với điện truyền thống.
“Là quốc gia có tiềm năng năng lượng tái tạo đa dạng và dồi dào, Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích khi chuyển dịch sớm sang phát triển năng lượng sạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng hiệu quả và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm, bảo vệ khí hậu, sức khỏe cộng đồng, tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo, tạo cơ hội thu hút đầu tư và tạo việc làm cho các địa phương phát triển kinh tế, thúc đẩy sự tham gia và sáng tạo của người dân, doanh nghiệp tư nhân vào thị trường năng lượng sạch. Do đó để đảm bảo chuyển dịch năng lượng công bằng, hài hòa lợi ích của các bên, chúng ta cần tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin, giải pháp, bài học kinh nghiệm giữa các quốc gia, địa phương và hợp tác cùng hành động tháo gỡ khó khăn, mở đường đưa năng lượng sạch tới từng ngôi nhà Việt”. – Bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) – Cơ quan điều phối VSEA. |