Thật là thú vị là bởi chúng ta đi sau thế giới cả chục năm và cónhiều thứ hiện rất tốt, ấy vậy mà vẫn có những doanh nhân ở nước ta dám đột phá, dù họ thừa biết phía trước còn đầy chông gai. Chỉ có niềm tin như thế nào đó thì họ mới dám nghĩ và dám làm điều tưởng như viển vông, “đem trứng chọi đá” này.
Nói như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi lễ ra mắt, tôi thấy cũng có ý rất đúng. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ rằng hôm nay đến đây, ông có cảm giác hơn 10 năm mới được nghe mọi người nói về cách tiếp cận mới cho một mạng xã hội và có niềm tin người Việt Nam có thể làm ra những thứ mà thế giới chưa từng làm.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại lễ ra mắt mạng xã hội Lotus.
"Khi nghe Tổng giám đốc VCCorp giới thiệu, tôi nghĩ, người Việt tại sao không nghĩ rằng có rất nhiều Steve Jobs Việt Nam? Mạng xã hội Lotus thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào chúng ta. Chính những người dùng, trải nghiệm Lotus cùng phát triển Lotus với VCCorp. Không có sự sáng tạo nào lớn hơn sự sáng tạo của chính những người dùng và đó chính là sức mạnh của Việt Nam, sức mạnh của chính chúng ta", Bộ trưởng Hùng nói.
Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi nghĩ có lẽ nếu hy vọng rằng mạng xã hội chỉ rặt những chuyện vui, lạc quan, lành mạnh, tích cực... như những người phát triển mạng xã hội Lotus mong muốn, mà không nói chuyện tiêu cực, chuyện ngoài xã hội mà người ta đang bức bối, muốn xoá bỏ, muốn ngăn ngừa... thì e rằng cũng hơi khó phát triển.
Nói như FB Hoang Thi Mai Huong vừa đưa lên trên mạng sáng 17/9 thì tôi thấy có vẻ có lý hơn. Theo tôi nghĩ, khi chị ấy đồ rằng: “Nếu bạn nghĩ rằng bạn sẽ tạo ra một mạng xã hội “tốt”, “tích cực”, “nội dung hay”... thì bạn đã báo trước ngày tàn của nó. Mạng xã hội cũng như xã hội, như cuộc đời... là một đám đông tập hợp đủ loại người và nó phản ánh cái XÃ HỘI ở đó nó tồn tại. Nếu xã hội đầy cướp, hiếp, giết, tham nhũng, scandal thì mạng xã hội cũng sẽ như vậy”.
Vẫn theo chị Mai Huong, “nếu mạng của bạn sẽ chỉ có “nội dung hay” thì bạn sẽ mất người không biết tạo nội dung hay (90% chúng ta)”. Lấy đâu ra 10 triệu người? Chưa kể cái “hay” là một phạm trù rất chủ quan. Đến Hollywood còn chả dám nói toàn làm nội dung hay...”.
Lễ ra mắt mạng xã hội Lotus tối 16/9 tại Hà Nội.
Mạng xã hội bàn những chuyện tiêu cực, gian lận… nhiều khi cũng là nguồn cơn để phát hiện, phanh phui những vụ việc lớn. Như vụ phanh phui và khởi tố, bắt tạm giam những “ông trùm” được coi là chủ mưu thao túng, tạo kịch bản gần như hoàn hảo để mua 95% cổ phần của “cục nợ” rẻ hều là AVG về cho MobiFone nhằm rút ruột Nhà nước trên 7.000 tỷ đồng vừa qua sẽ ra sao, nếu không nói một phần là nhờ mạng xã hội phát giác thì chúng ta mới điều tra được như thế?
Nhiều lúc, chính tôi cũng đã tự hỏi rằng, liệu không có mạng xã hội lên tiếng trong suốt hơn một năm trời thì vụ việc sẽ thế nào, trong khi báo chí chính thống chỉ vì thấy có những con dấu “mật” quái quỷ được cộp vào các văn bản giao dịch kinh tế thuần túy một cách đầy phi lý, nên dù đã thấy từ rất sớm những bất cập và mờ ám trong đó nhưng ngại mà tránh ra.
Báo chí chỉ dám theo dõi từ xa, không dũng cảm tấn công trực diện vào vụ bê bối này, vì thực tế cuộc sống của nghề báo cũng đã dạy nhiều bài học quá đắt giá.
Vậy thì mạng xã hội, khi phát hiện ra những tiêu cực, những vụ tham nhũng trong xã hội, nhờ đó mà các cơ quan có trách nhiệm và các cơ quan pháp luật tìm ra chân tướng vụ việc, thu tiền bất minh về cho Nhà nước, thì công một phần cũng là của mạng xã hội kiên trì đeo đuổi đấy chứ!
Vâng, họ đã kiên trì đeo đuổi, phát giác để rồi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhắc nhở Thanh tra Chính phủ phải rốt ráo đẩy nhanh tiến độ hơn sau những tháng ngày tưởng như chìm xuồng.
Đất nước chúng ta đã từng trải qua một cuộc cách mạng về công nghệ thông tin rất đáng tự hào cách đây hơn 2 chục năm. Trước những tư duy bảo thủ, ngại “những cơn gió độc” là Internet tràn về sẽ gây nguy hiểm cho xã hội nên càng thấm thía điều nói trên.
Có một câu chuyện cũ, nhân đây tôi muốn kể lại, để qua đó thấy rằng, không phải chúng ta, các nhà quản lý công nghệ thông tin nước nhà không biết tính chất nguy hại của mạng xã hội, thế nhưng họ vẫn là những người tích cực vận động, thuyết phục các vị lãnh đạo cấp cao nhất chấp nhận để nó du nhập vào Việt Nam trên một tinh thần “chủ động đón gió độc”, bởi họ là những người kỹ trị, biết rằng điều đó là tất yếu, chúng ta cần dũng cảm chủ động đón nhận mà không nên né tránh. Trong cái dở nhiều khi cũng có cái hay là thế.
Cần phải nhắc đến một điều, ở thời điểm sơ khai đó, đất nước ta đã có một lớp cán bộ lãnh đạo ngành viễn thông có trình độ. Họ có tầm nhìn chiến lược, biết đi trước đón đầu khá sớm. Họ đã chấp nhận mở cửa và không ngại phải đụng chạm. Đó là các ông như GS-TSKH Đỗ Trung Tá - nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, TS Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông... cùng gần chục vị khác hoặc là cấp trên của họ như nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh, hoặc như các vị ở một số bộ, ngành có liên quan như GS Viện sĩ Đặng Hữu, TS Phạm Gia Khiêm (khi ông ở vai trò Bộ trưởng Khoa học Công nghệ), TS-Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn (nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Công An)...
Và, tiếp nữa là một lớp các nhà khoa học chuyên sâu thực hiện trực tiếp, xem như những “người Việt trong nước đầu tiên dùng Internet” như ông Trần Bá Thái (Viện Khoa học Việt Nam), TS Vũ Hoàng Liên (VDC), PGS-TS Trương Gia Bình (FPT) và có cả Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (khi ông còn ở một vị trí lãnh đạo thấp trong Công ty Viettel)...
Họ đã có ảnh hưởng to lớn, đồng thuận cao để tạo bước ngoặt trong lịch sử phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam.
Với GS-TSKH Đỗ Trung Tá, vào thời điểm ông đương chức Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông, có một câu chuyện khó quên mà tôi đã được ông kể cho nghe.
Trong một lần tôi được ông mời đến dùng cơm ở một nhà hàng trên phố Tôn Đản (Hà Nội), ông kể, trước sức ép của Internet khi sớm muộn rồi nó cũng vào Việt Nam với những tiêu cực nhỡn tiền khó cản, ông Tá - khi đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng Tổng cục Bưu điện (TCBĐ), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), đã tính chuyện cần sớm báo cáo các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ để lường trước. Đồng thời, đề xuất cho phép đưa Internet vào nước ta, nhưng sẽ khắc phục bằng cách tạo "bức tường lửa" hầu ngăn chặn phần nào những cuộc" xâm lăng" với những nội dung bất lợi này.
Nhân Hội nghị Ban chấp hành T.Ư lần 2, khóa 8 (tháng 12/1996) bàn về khoa học công nghệ và giáo dục, đào tạo, GS-TSKH Đỗ Trung Tá đã trình bày kiến nghị đưa Internet vào Việt Nam như một giải pháp ưu tiên cho phát triển khoa học và đào tạo của nước nhà.
Để tạo hậu thuẫn cho chủ trương này, từ trước đó, ông và các cộng sự đã đi gặp gỡ một số vị lãnh đạo trong các Ban Đảng và các Bộ có liên quan để thuyết phục trước khi trình Hội nghị T.Ư. Thời điểm đó, không hẳn câu chuyện Internet đã nhận được đồng thuận cao, bởi ai cũng lo lắng trước "cuộc xâm lăng" nguy hiểm không tiếng súng này chưa biết hậu quả rồi sẽ ra sao...
Chính vì vậy, ông Tá không khỏi "lo lắng" khi trình bày trước Hội nghị Ban chấp hành T.Ư. Để tăng tính thuyết phục, ông đã xin phép bố trí hẳn một phòng máy để thuyết trình với tất cả các vị tham gia Hội nghị T.Ư 2 về xu hướng tất yếu, về thế mạnh, về cái hay của Internet cũng như hậu quả, mặt trái, tai hại mà nó sẽ mang lại với người truy cập trong nước, nhất là các thông tin, luận điệu của các thế lực thù địch, chống lại chế độ; những trang "web đen" rất tác hại, dễ đầu độc lớp trẻ về lối sống, về văn hóa không lành mạnh.
Sau khi nghe trình bày, Tổng bí thư Đỗ Mười đã có những chỉ đạo kịp thời đối với ngành viễn thông.
Ông Đỗ Trung Tá nhớ lại: "Công việc mới đang triển khai khẩn trương chưa được bao lâu thì có một thông tin của nội bộ chúng ta bị rò rỉ ra ngoài và lan nhanh chóng trên mạng, trong khi cuộc họp có nội dung trên kết thúc chưa lâu. Ông cụ (Tổng bí thư Đỗ Mười) gọi gấp tớ đến, chưa kịp hiểu việc gì thì cụ bức xúc nói: Anh Tá ơi, anh vừa bảo với tôi là ta sẽ có "bức tường lửa" gì đó để ngăn chặn những thông tin xấu, vậy anh xây nó bằng gì? Có phải vì anh “đốt” nó bằng... củi nên cháy chậm quá, khiến thông tin mới lọt ra nhanh như vậy không? Nói vậy nhưng cụ vẫn không gay gắt lắm.
Ông Tá cũng cảm nhận được đó là lời nhắc nhở nghiêm túc nhưng đầy khích lệ với một người được Đảng giao trọng trách...
Đến nay, trước sự kiện người Việt Nam thiết lập mạng xã hội mang tên Lotus, chúng ta thấy có một chút gì đó vừa vui vừa băn khoăn. Vui vì đã có những doanh nhân công nghệ thông tin dũng cảm dấn thân vào cuộc chiến mới không cân sức, và băn khoăn là ở chỗ làm sao để trang mạng xã hội nói trên có đông đảo người Việt tham gia, ráng giữ được bản sắc riêng.
Muốn vậy, có lẽ vẫn nên nghĩ tới chuyện để làm thế nào đó “cuộc chơi” sẽ phong phú hơn. Nó phải có tác dụng phản biện xã hội, có tác dụng vạch trần cái xấu trong đời sống xã hội sao cho tốt lên nhưng trên cơ sở phải tôn trọng luật pháp, trong đó có Luật An ninh mạng vừa ra đời.
Có chủ động bằng cách làm như thế thì chúng ta mới hy vọng sẽ có đông người tham gia mạng Lotus. Nếu không nghĩ và chủ động chuyện này theo hướng đó, tôi e là số người tham gia khó đông đảo. Dù cho ai là người Việt, với tinh thần tự hào dân tộc sẵn có, cũng mong muốn được ứng dụng công nghệ nước nhà vào đời sống xã hội.