Chuyển dần sang cây trồng có giá trị cao
Từ nhiều năm nay, tại các tỉnh phía Bắc, vụ đông đã được xem là vụ sản xuất chính trong năm và có vị trí đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng của ngành trồng trọt. Năm 2018, nhiều địa phương ở các tỉnh phía Bắc đã tập trung phát triển vụ đông theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, liên kết sản xuất theo chuỗi, sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tiếp tục được duy trì, nhân rộng.
Mô hình trồng rau quả an toàn tại thôn Thanh Đông, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Ảnh: Vinh Duy
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), vụ đông 2018, tổng diện tích gieo trồng toàn vùng miền Bắc đạt trên 384.000ha, giảm 3.800ha so với vụ đông năm 2017 và thấp hơn 20,8ha so với kế hoạch. Năng suất một số loại cây trồng đạt khá cao như: Ngô đạt 44,5 tạ/ha, đậu tương 16,5 tạ/ha, lạc 21,5 tạ/ha…
Mặc dù diện tích và sản lượng vụ đông có giảm so với năm 2017 nhưng giá trị lại tăng lên, là do cơ cấu cây trồng đã có sự chuyển dịch từ một số cây trồng có giá trị thấp sang các cây trồng có giá trị cao hơn như: Nhóm cây dược liệu, nhóm rau ăn củ, ăn quả chất lượng cao; ngô thực phẩm; hoa, cây cảnh… Đặc biệt, các công nghệ sản xuất trong nhà màng, nhà lưới gắn với sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng được áp dụng rộng rãi, góp phần giảm giá thành sản xuất, tăng giá bán, thị trường đầu ra ổn định…
Phát biểu tại hội nghị triển khai vụ đông 2019 diễn ra tại Nghệ An mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đã biểu dương sự nỗ lực của các địa phương trong vụ đông 2018. Theo Thứ trưởng, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời từ Trung ương đến địa phương nên vụ này đạt kết quả tốt, đặc biệt là giá trị hàng hóa của cây vụ đông được nâng lên, xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt hiệu quả, mang tính bền vững.
Thách thức là thời tiết
Về sản xuất vụ đông năm 2019, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết đầu vụ ấm, nửa cuối vụ duy trì trạng thái trung tính. Mưa, bão vẫn là yếu tố khó khăn nhất và sẽ tác động lớn đến kế hoạch sản xuất.
Riêng tại tỉnh Nghệ An, vụ đông năm 2018 tỉnh gieo trồng hơn 33.000ha cây trồng các loại, đạt giá trị hơn 2.500 tỷ đồng. Tuy vậy, trên địa bàn tỉnh hay xảy ra thiên tai, bão lũ nên ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của bà con.
Ông Hoàng Hiếu Nghĩa – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An cho biết, ngoài một số thuận lợi về nhận thức, kinh nghiệm sản xuất của nông dân, một số doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm thì sản xuất vụ đông ở Nghệ An thường chịu ảnh hưởng nhiều bởi bão và mưa lũ; việc tổ chức, chỉ đạo sản xuất vụ đông ở một số địa phương thiếu quyết liệt; đầu ra cho sản phẩm thiếu ổn định nên nhiều người không mặn mà với cây vụ đông.
Để hỗ trợ bà con nông dân, ngoài chính sách cũ, năm 2019, tỉnh Nghệ An sẽ trích kinh phí 5 tỷ đồng hỗ trợ các mô hình sản xuất ngô, rau màu trên đất hai lúa và giống ngô biến đổi gen.
Nhiệm vụ sản xuất vụ đông 2019 là khá nặng, vì vậy yêu cầu các tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ bà con phù hợp, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi nhằm tạo đầu ra thuận lợi cho nông sản…”. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh |
Qua đánh giá những khó khăn, bất thuận của thời tiết; giá vật tư đầu vào…, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng mục tiêu đạt con số thu nhập 30.000 tỷ đồng là không hề dễ dàng.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, vụ đông luôn đầy rẫy khó khăn, đặc biệt là thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, song thuận lợi cũng không ít. Nhiều địa phương đều xác định vụ đông là vụ chính nên đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; việc ứng dụng công nghệ cao, mô hình nhà kính, nhà lưới không ngừng tăng lên, giúp bà con hạn chế các yếu tố bất lợi của thời tiết.
Đặc biệt là hiện nay, các địa phương đang đẩy nhanh thu hoạch lúa mùa (sớm hơn dự kiến 5-7 ngày), giúp giải phóng đất để bà con chủ động gieo trồng cây vụ đông, nhất là nhóm cây ưa ấm như ngô, đậu…
Trên cơ sở đó, Bộ NNPTNT yêu cầu các tỉnh phía Bắc tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hoá, liên kết với doanh nghiệp. Đối với vụ đông, các tỉnh nên bố trí 60% diện tích vụ đông là nhóm cây ưa ấm, 40% cây ưa lạnh; chú ý trồng rải vụ và ưu tiên một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định như: Dưa chuột, bí xanh, cây dược liệu, các loại nấm; đẩy mạnh sản xuất rau ở những vùng quy hoạch, vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến…