Người tiên phong trồng “rau mầm, rau baby”
Khu trồng rau của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà đang duy trì trồng hai dòng sản phẩm chính là rau mầm và rau baby (loại rau có kích thước ngắn, thân bé, được trồng bằng kỹ thuật canh tác như trồng những loại rau thông thường, nhưng phải thu hoạch sớm hơn một nửa thời gian).
Thu hoạch rau mầm tại Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà. Ảnh: M.N
Là người đi tiên phong trong việc trồng “rau mầm, rau baby” trở thành một trào lưu mới ở miền Bắc, chị Bùi Thị Thanh Hà - Chủ nhiệm HTX Sản xuất và Dịch vụ Nông nghiệp Thanh Hà chia sẻ: “Vốn xuất thân từ kỹ sư nông nghiệp, khi bắt tay vào khởi nghiệp 7 năm về trước, vợ chồng tôi đã ấp ủ chọn một cửa ngách để đi, đó là rau baby. Lúc mới bắt tay vào làm, do thiếu vốn, vợ chồng phải vay mượn khắp đôi bên nội ngoại, người quen. Vì thiếu đất, hai vợ chồng cũng phải gom góp từ các hộ nông dân trong làng với hợp đồng ký theo thời gian 10-20 năm rồi làm thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng. Thiếu khách hàng, chúng tôi lại phải ngược xuôi tự đi chào hàng, tiếp thị. Cũng may, mô hình mới này được chính quyền các cấp, từ xã, huyện đến thành phố quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ”.
Chị Hà cho biết thêm, rau trưởng thành là rau đã phát triển 80-90% khả năng sinh trưởng, còn rau baby thường chỉ mới đạt khoảng 40-50%. Chính vì vậy, rau không chỉ ngon, nhiều dinh dưỡng, gần như không có xơ, bã, không phải nhặt bỏ phần cọng già, mà chỉ rửa rồi dùng luôn nên đỡ tốn thời gian sơ chế (Khi thu hoạch, công nhân của HTX cũng thực hiện luôn khâu sơ chế).
Đối tượng hướng đến của rau baby là các khách hàng cần chế độ dinh dưỡng cao như trẻ em, người già, người ốm, cũng như các bà nội trợ bận rộn.
Mô hình nhỏ, hiệu quả cao
HTX có diện tích đất gần 1,2ha với các nhà lưới, nhà màng, kho lạnh, khu sơ chế, bảo quản… đảm bảo quy trình sản xuất khép kín.
HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, sơ chế rau và được Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp, (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) cấp chứng nhận VietGAP. |
Muốn có sản phẩm sạch, trước hết phải có hạt giống đảm bảo. Đối với các loại rau mầm, họ chọn giá thể là than bùn để loại bỏ tối đa các độc tố. Còn với những loại rau trồng trực tiếp xuống đất, khâu làm đất cũng được chăm chút kỹ lưỡng.
Giữa các vụ, phải có thời gian cho đất nghỉ từ 10 - 15 ngày để tránh các mầm bệnh còn tồn tại bên trong có nguy cơ lây lan cho vụ sau. Cơ sở không sử dụng phân hóa học, mà dùng giá thể của rau mầm sau khi thu hoạch, cũng như các rễ, sản phẩm thừa đem ngâm ủ thành phân để bón bổ sung dinh dưỡng cho đất.
Nguồn nước cũng được bảo đảm thật sạch sẽ trước khi được đưa vào hệ thống tưới tự động với các cảm biến thông minh giúp điều chỉnh liều lượng phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của rau.
“Chính nhờ tuân thủ những công đoạn nghiêm ngặt, từ rau mầm đến rau baby ở đây đều có thể ăn ngay tại ruộng” - chị Thanh Hà chia sẻ.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín - bà Uông Thị Phượng, HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, sơ chế rau và được Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) cấp chứng nhận VietGAP.
Trung bình, HTX thu về gần 4 tỷ đồng/năm. Đây là mức doanh thu rất cao đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện nay. Mặt khác, mô hình này phù hợp với sản xuất nông nghiệp ven đô với diện tích nhỏ, lợi thế thị trường tiêu thụ tốt...