Xuất khẩu ngành hàng công nghệ phải phụ thuộc doanh nghiệp nước ngoài.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt gần 170 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8 ước đạt 24,5 tỷ USD, tăng 6,6% so với tháng 7.
Đặc biệt trong tổng kim ngạch xuất khẩu trên, có 26 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm gần 90% tổng kim ngạch,5 mặt hàng đạt giá trị trên 10 tỷ USD, chiếm gần 59%.
Cũng trong 8 tháng đầu năm, ước tính cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 3,4 tỷ USD, trong đó riêng tháng 8 xuất siêu 1,7 tỷ USD. Mặc dù đạt được những chỉ số khả quan trong 8 tháng đầu năm, tuy nhiên, ngành xuất khẩu vẫn tồn tại không ít mối lo.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, mức xuất siêu này phần lớn là của nhóm hàng điện thoại và linh kiện. Tháng 8/2019, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đã tăng tới 37,8% do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Galaxy Note 10.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt gần 170 tỷ trong 8 tháng đầu năm 2019.
Do đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này lên 33 tỷ USD trong 8 tháng, tăng 4,3% so với cùng kỳ và chiếm 19,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trên thực tế, đây là câu chuyện vẫn thường xảy ra vào thời điểm cố định trong năm. Thông thường, vào thời điểm ra mắt các sản phẩm mới hàng năm, Samsung, nhà đầu tư nước ngoài có đóng góp lớn nhất cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ đẩy mạnh xuất khẩu dòng smartphone mới.
Điều này có nghĩa, sau giai đoạn tăng cường xuất khẩu Galaxy Note 10, thì rất có thể, tăng trưởng xuất khẩu của mặt hàng điện thoại và linh kiện sẽ sụt giảm. Ảnh hưởng tới tăng trưởng xuất khẩu chung đối với nền kinh tế của cả nước.
Qua đó, có thể thấy, dù mức xuất siêu 1,7 tỷ USD hay 3,4 tỷ USD cũng rất đáng ghi nhận, song nếu so với mức đạt được của năm ngoái, thì vẫn thua một bậc. Điều này phần nào cho thấy, tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay không được như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần đề cập đến nỗi lo nền kinh tế phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài, một doanh nghiệp hay một mặt hàng nào đó. Hiện trạng ngành xuất khẩu có thể chưa đến mức như vậy, tuy nhiên, dấu hiệu phụ thuộc không phải là không có và là điều đáng lo ngại.
Nông sản xuất khẩu ngày càng nhiều “chông gai”
Bên cạnh các ngành hàng có chỉ số xuất khẩu tăng trưởng các mặt hàng trong nhóm nông, lâm nghiệp, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2018.
Điển hình như một trong những mặt hàng xuất khẩu truyền thống chủ lực của nước ta là gạo có xu hướng giảm đáng kể. Bên cạnh gạo, một số mặt hàng nông sản khác cũng giảm như xuất khẩu thủy sản giảm 2,6%; rau quả giảm 6%; hạt điều giảm 9,4%...
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá, Trung Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam, tuy nhiên lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm mạnh trong thời gian qua.
Nguyên nhân của tình trạng này là do năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu nước ta còn yếu và dễ bị tổn thương khi có biến cố kinh tế. Mặt khác, hiện hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta phụ thuộc nhiều vào các thị trường lớn, như Trung Quốc, do đó, khi các thị trường này có thay đổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.
Thị trường lớn Trung Quốc ngày càng khắt khe khiến nông sản xuất khẩu Việt Nam gặp khó.
"Nền kinh tế thế giới đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại, kéo theo đó là nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm và giá cả cũng giảm theo. Trong khi đó, chủ nghĩa bảo hộ thương mại lên cao làm ảnh hưởng xấu đến tất cả các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Thêm vào đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng đã và đang tạo ra nhiều rủi ro khó lường đối với xuất khẩu" - chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Ông Long phân tích thêm, từ 1/9, Ủy ban châu Âu sẽ bắt buộc áp dụng yêu cầu kiểm dịch thực vật chặt chẽ đối với nhiều loại nông sản nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam. Điều này sẽ tạo ra rào cản rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu không ứng phó tốt, sản lượng nông sản xuất vào thị trường này có thể sẽ giảm sâu hơn nữa.
“Theo số liệu của cơ quan hải quan, lượng gạo xuất sang Trung Quốc giảm tới 65,7% trong 7 tháng đầu năm và sẽ còn tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới do những rào cản kỹ thuật mới mà chính phủ Trung Quốc áp đặt.
Ngoài nông sản, một số mặt hàng truyền thống khác có giá trị giảm so với cùng kỳ năm 2018 như điện thoại và linh kiện giảm 5,9%; sắt thép giảm 4,4%... Xuất khẩu thép cũng đang ngày một khó khăn hơn bởi các hàng rào phòng vệ thương mại, sản phẩm thép phải gánh chịu mức thuế khá cao từ các thị trường có kim ngạch cao như Ấn Độ, Mỹ..." - ông Long chia sẻ.
Để tháo gỡ khó khăn về thị trường cho các ngành hàng xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do và tiếp cận thị trường khi cơ hội đang rộng mở.
“Trong bối cảnh thế giới đang căng thẳng thương mại như hiện nay doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi những thông tin, động thái về thị trường và các yếu tố khác liên quan để có kế hoạch điều chỉnh sản xuất, kinh doanh cho hợp lý. Đặc biệt, phải nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định và cam kết khi xuất khẩu.” bà Trang nói.
Ngoài ra, theo các chuyên gia đánh giá, về phía cơ quan nhà nước, cần tiếp tục cải cách, thay đổi chính sách phù hợp, ứng phó hiệu quả với diễn biến phức tạp của nền kinh tế thế giới... Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn tình trạng hàng nước ngoài gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu nhằm lẩn tránh thuế.