Dân Việt

Trồng rừng gỗ lớn - hiệu quả nhân đôi

Lê Sỹ Hồng 19/09/2019 19:00 GMT+7
Đến thăm một số xã khó khăn thuộc tỉnh Yên Bái, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Cà Mau, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng keo lai, keo tai tượng, hứa hẹn sẽ mang lại năng suất và giá trị kinh tế cao cho người trồng rừng.

Đây là kết quả đạt được từ mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn do Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với chi cục kiểm lâm các tỉnh triển khai trong giai đoạn 2014 - 2019.

Tăng năng suất và giá trị kinh tế rừng trồng

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, tổng diện tích xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn là 789ha (trong đó có 320ha keo lai, 469ha keo tai tượng) được triển khai tại 62 xã khó khăn thuộc 36 huyện, 453 hộ tham gia dự án.

img

Một mô hình trồng rừng gỗ lớn tại Bắc Giang. Ảnh:  S.H

Mô hình trồng rừng keo lai sử dụng các giống tiến bộ kỹ thuật cho năng suất cao đã được Bộ NNPTNT công nhận là các dòng BV10, BV16, BV32, BV33, BV 73, BV75. Mô hình trồng rừng keo tai tượng sử dụng giống keo tai tượng Úc. Mô hình được lựa chọn tương đối tập trung, gần đường giao thông, gần các khu dân cư; có lập địa tốt, khí hậu thuận lợi, phù hợp với đặc điểm sinh thái của cây keo.

Mô hình thực hiện các giải pháp kỹ thuật đúng theo quy trình được phê duyệt; các chỉ số sinh trưởng về đường kính, chiều cao, trữ lượng, năng suất bình quân/năm của mô hình đều vượt trội so với diện tích rừng trồng trong khu vực.

Đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Điều (ở bản Xoan, xã Xuân Lương huyện Yên Thế, Bắc Giang), ông cho biết, gia đình được giao khoán 10ha đất lâm nghiệp. Sau khi khai thác rừng keo tai tượng trồng từ năm 1995, ông thu được 720 triệu đồng, bình quân chỉ được 9 triệu đồng/ha/năm (chưa trừ chi phí đầu tư ban đầu và chăm sóc), nên tính ra hiệu quả kinh tế rất thấp.

Sau khi nghe cán bộ Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Bắc Giang tư vấn về nội dung dự án, cũng như hiệu quả kinh tế của mô hình thâm canh gỗ lớn với chu kỳ kinh doanh dài hơn, nhưng hiệu quả cao gấp đôi, ông Điều đã mạnh dạn tham gia dự án. Đi thăm khu rừng keo tai tượng do gia đình ông trồng từ tháng 6/2015, chúng tôi thấy mật độ trồng rừng rất thưa so với mật độ trồng rừng gỗ nhỏ, hàng cách hàng 3m, cây cách cây 2,5m, cây sinh trưởng đều, thân thẳng tắp, nhiều cây đã đạt đường kính trên 20cm, chiều cao vút ngọn đạt 15m.

Đến thăm Hợp tác xã Phú Hưng ở xã Hải Phú (Hải Lăng, Quảng Trị), ông Nguyễn Thể - Chủ nhiệm Hợp tác xã phấn khởi khoe, hợp tác xã được giao 278ha đất rừng chủ yếu là trồng thông mã vĩ và keo lai. Để tham gia dự án, sau khi khai thác 10ha keo lai, hợp tác xã để nguyên cành cây, lá cây không cho đốt, thuê máy xúc để múc hố, sau đó trồng cây vào đúng mùa mưa nên tỷ lệ sống cao. Lô rừng này được chăm sóc 2 lần/năm, bón phân mỗi năm 1 lần, mỗi cây bón 0,2kg phân NPK, bón thúc 0,3kg.

Để nhân rộng mô hình, công tác tuyên truyền về hiệu quả kinh tế của mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn cần có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền ở địa phương kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước, cùng các chính sách hỗ trợ đi kèm như bảo hiểm rừng trồng, hỗ trợ tín dụng...

Đến nay, hơn 10ha rừng trồng keo lai 54 tháng tuổi đang độ sinh trưởng và phát triển tốt, cao trung bình khoảng 15m, đường kính khoảng 20cm. Ông Thể cho biết thêm, các diện tích rừng của hợp tác xã đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC), giá gỗ có chứng chỉ hiện nay là 1,5 triệu đồng/tấn, cao hơn gỗ không có chứng chỉ từ 18 - 20%. Khu rừng này, nếu khai thác được khoảng 120 tấn/ha, trị giá 180 triệu đồng/ha, nhưng hợp tác xã cam kết không khai thác, để gỗ lớn với chu kỳ 10 - 12 năm.

Hướng đi mới cho ngành lâm nghiệp

Theo ông Triệu Văn Lực - Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp), keo lai và keo tai tượng là cây lâm nghiệp chính đang được gây trồng phổ biến ở hầu hết các vùng sinh thái trong cả nước. Rừng trồng keo đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ.

Giống keo tai tượng Úc xuất xứ Pongakii có thể đạt năng suất 20 - 25m3/ha/năm, keo lai từ 20 - 30m3/ha/năm, tùy lập địa nơi trồng rừng. Sau chu kỳ 10 - 12 năm, sản lượng ước đạt 220 - 250m3/ha và hầu hết các cây đã đạt đường kính trên 20cm, chiếm 50% trữ lượng. Lúc đó, rừng sẽ được bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến với giá trị từ 1,8 - 2 triệu đồng/m3, tức là khoảng 250 - 300 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân từ 22 - 25 triệu/ha/năm, cao gấp 2 lần giá trị rừng gỗ nhỏ.

Tuy nhiên, đến nay, việc sử dụng giống keo đạt chất lượng vào trồng rừng sản xuất còn nhiều bất cập, người dân vẫn sử dụng nguồn giống không có nguồn gốc xuất xứ, chưa quan tâm đến chứng chỉ nguồn gốc cây giống, do vậy năng suất rừng trồng rất thấp, chỉ đạt 10 - 15m3/ha/năm.

Năm 2019, Việt Nam đã ký đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT và Hiệp định thương mại EVFTA với EU. Gỗ, đồ mộc và đồ gia dụng của Việt Nam đã vào được thị trường khó tính này. Để nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng, bắt buộc người dân phải trồng rừng gỗ lớn và được cấp chứng chỉ FSC.