Dân Việt

Việt Nam chưa thành “con hổ” châu Á do thiếu đội ngũ công chức tinh hoa?

Hoàng Nhật 19/09/2019 12:00 GMT+7
Trả lời câu hỏi: “Vì sao Việt Nam vẫn chưa trở thành hổ, thành rồng như các nước Đông Bắc Á?”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, do không có đội ngũ công chức hành chính tinh hoa nên không thể vận hành hiệu quả mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, nhằm hiện thực hóa chương trình công nghiệp hóa đất nước. 

img

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Đức Thanh)

Sáng 19/9, Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2019 (VRDF 2019) với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động” đã chính thức diễn ra tại Hà Nội.

Bẫy thu nhập trung bình là thách thức không nhỏ với Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ khi gia nhập nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, Việt Nam luôn thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt trên 6,2%.

Đến hết năm 2018, quy mô GDP đạt trên 250 tỷ USD, thuộc nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, GDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 2.600 USD (nếu tính theo sức mua tương đường - PPP, quy mô GDP đạt trên 720 tỷ USD, bình quân đầu người đạt trên 7.600 USD).

Thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa từng bước được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế với số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới liên tục tăng qua các giai đoạn, trong đó giai đoạn 2011- 2018 đạt hơn 200 tỷ USD. Độ mở của nền kinh tế liên tục tăng, đến năm 2018 bằng 200% GDP.

Cùng với xu thế phát triển của kinh tế thế giới, Việt Nam đã mau chóng thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo; đón bắt, tiếp thu và ứng dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước.

img

Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2019 (VRDF 2019) thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học như TS. Lê Đăng Doanh, bà Phạm Chi Lan.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức.

Đầu tiên, Việt Nam hiện là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, năng suất lao động của nền kinh tế chưa cao; năng lực cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế nói chung và nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu chưa mạnh. Nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường vẫn còn những khiếm khuyết cần phải hoàn thiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn lực và tính bền vững của phát triển. 

Tiếp đó, Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của nhiều công nghệ chưa từng có đang làm thay đổi mạnh cách thức kinh doanh, vận hành nền kinh tế và doanh nghiệp. Các hình thái kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn ngày càng phổ biến. Bối cảnh này mang lại cơ hội và cả thách thức cho những nước đang phát triển như Việt Nam, đòi hỏi các nước phải rất nhanh nhạy trong nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, nếu không sẽ không bắt kịp xu thế phát triển của thời đại.

Bột trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định: “Trong bối cảnh đó, chưa nói đến việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng việc vượt qua bẫy thu nhập trung bình đã là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam. Sẽ không thể thành công nếu không liên tục tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy, chủ động xây dựng cách thức phát triển nền kinh tế, đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách”.

Chưa thể trở thành “con hổ” châu Á do thiếu đội ngũ công chức tinh hoa

Chia sẻ tham luận tới Diễn đàn, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã chia sẻ một số vấn đề đặt ra về hoàn thiện bộ máy nhà nước ở Việt Nam.

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, “Cải cách thể chế, cải cách thể chế và cải cách thể chế” đang là khẩu hiệu hành động được nhiều nhà lãnh đạo đưa ra. Về mặt nhận thức, đây là một thành tựu rất đáng được ghi nhận. Không có được nhận thức như vậy, không thể có đủ quyết tâm chính trị để thúc đẩy những cải cách về cơ bản là khó khăn và cũng đầy rủi ro.

img

TS. Nguyễn Sĩ Dũng (Ảnh: Đức Thanh)

Từ Đại hội VI của Đảng, chúng ta đã thật sự từ bỏ mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung, mà đi theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Đảng và Nhà nước đã đề ra đường lối công nghiệp hóa đất nước, đã công nhận cơ chế thị trường, nhưng vẫn coi trọng vai trò quản lý của Nhà nước.

Như vậy tất cả các phần cấu thành quan trọng của một nhà nước kiến tạo phát triển đều đã được khẳng định trong đường lối phát triển của chúng ta. Có lẽ, chính vì thế, kinh tế nước ta đã có sự phát triển khá ngoạn mục trong thời gian vừa qua. Sau 30 năm đổi mới, quy mô nền kinh tế, cũng như thu nhập bình quân đầu người ở nước ta đã tăng đến hàng chục lần.

Tuy nhiên, một vấn đề được TS. Nguyễn Sĩ Dũng đặt ra là: “Vì sao Việt Nam vẫn chưa trở thành hổ, thành rồng như các nước Đông Bắc Á?”

img

"Ở Việt Nam tướng soái làm Bộ trưởng, giữa cơ quan điều hành và cơ quan chính sách có sự lẫn lộn. Và như vậy ta sẽ thấy một ông Bộ trưởng được gọi là Tư lệnh ngành – tức là người điều hành, không phải người hoạch định chính sách. Đây là sự lẫn lộn giữa chính khách và nhân viên hành chính công vụ. Do lẫn lộn nên không ai chuyên nghiệp được cả".

Theo ông Sĩ Dũng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, nhưng cơ bản nhất là chúng ta đã không thúc đẩy phát triển công nghiệp thông qua các công ty, các tập đoàn tư nhân như ở Nhật Bản và Hàn Quốc, mà thông qua các doanh nghiệp nhà nước.

Một nguyên nhân cơ bản khác được ông Sĩ Dũng chỉ ra là chúng ta đã không có được một bộ máy hành chính, công vụ chuyên nghiệp và tài giỏi để hiện thực hóa chương trình công nghiệp hóa.

“Không có đội ngũ công chức hành chính tinh hoa, không thể vận hành hiệu quả mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Chủ trương cắt giảm bộ máy hiện nay là cơ hội để chúng ta loại bỏ bớt những công chức năng lực hạn chế ra khỏi bộ máy hành chính.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phải lựa chọn cho được những người tài giỏi nhất vào bộ máy hành chính. Truyền thống khoa bảng là điều kiện rất thuận lợi để chúng ta tuyển chọn người tài ở đây. Ngoài ra, tâm lý thích học để làm quan cũng là động lực quan trọng để thu hút người tài vào bộ máy Nhà nước. Vấn đề là phải học thật và thi thật. Phải kiên quyết áp đặt một chế độ khoa bảng và thi tuyển nghiêm khắc nhất vào bộ máy hành chính nhà nước”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhìn nhận.

Thể hiện sự đồng tình với ý kiến được TS. Nguyễn Sĩ Dũng đưa ra, TS. Nguyễn Đình Cung chia sẻ ngắn gọn: “Bộ máy hành chính của chúng ta rất kém. Đây là lúc chúng ta nên tập trung giải quyết các vấn đề cốt lõi, không nên làm lan man”.