Vừa qua, tại TP.Đà Lạt, xuất hiện thông tin có người nông dân đã tự dỡ bỏ hệ thống nhà kính trên mảnh đất của mình để trồng các loại rau theo cách hữu cơ, tự nhiên. Tại thành phố của thủ phủ nông nghiệp công nghệ cao, diện tích nhà kính dày đặc, mang lại giá trị kinh tế cao thì hành động của anh Tân lại là một việc bất thường.
Chia sẻ với PV Báo NTNN, anh Tân cho biết: “Mình là người sinh ra và lớn lên tại TP.Đà Lạt, trước kia ở đây làm gì có nhà kính, bố mẹ mình vẫn trồng rau nuôi 8 người con ăn học. Thế nhưng hiện tại, diện tích nhà kính gia tăng liên tục khiến cho hệ sinh thái bên trong đó bị mất cân bằng, rối loạn vì thế sinh ra bệnh tật. Người làm nông thấy vậy mới tìm cách cứu chữa, mà đa phần là sử dụng các loại thuốc hóa học, chính vì vậy tình trạng đất bị thoái hóa ngày càng nặng thêm”.
Nhà kính dày đặc trong thành phố Đà Lạt nhìn từ trên cao. Ảnh: P.L
Vì vậy, anh Tân đã cùng một người bạn tại TP.HCM thực hiện ý tưởng dỡ bỏ nhà kính để trồng rau theo cách tự nhiên Anh Tân ví nhà kính như những nhà tù nhốt các loại rau hoa vào trong đó.
“Nó cũng giống như trẻ con vậy thôi, nếu chúng ta chỉ cho con cháu mình ở trong nhà, bổ sung dinh dưỡng mà không cho chúng tiếp xúc với môi trường bên ngoài sẽ khiến chúng không được năng động, đề kháng yếu rồi sinh ra bệnh tật. Cây rau, cây hoa cũng vậy, chúng ta đánh lừa chúng, thay đổi môi trường sống khiến chúng “nổi loạn” - anh Tân nói.
Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh hơn 4.500ha nhà kính, 1.222ha nhà lưới. Tại TP.Đà Lạt có khoảng 2.800ha nhà kính (chiếm hơn 60% tổng diện tích nhà kính toàn tỉnh, bao gồm 1.244ha rau và 1.590ha hoa).
“Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà nhà kính đã mang lại trong sản xuất nông nghiệp tại Lâm Đồng, thế nhưng những tác hại của chúng cũng không hề nhỏ. Đà Lạt là nơi được hưởng nhiều lợi thế từ thiên nhiên, khí hậu, đất đai, nếu chúng ta không trân trọng cũng như tận dụng thì sẽ đánh mất đi chính lợi thế của chúng ta” - anh Tân tâm sự.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lại Thế Hưng - Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT) tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Thực tế, việc tháo dỡ bỏ nhà kính tại địa phương không phải việc mới. Nhiều hộ dân họ thấy việc trồng rau, hoa trong nhà kính không tốt hoặc hiệu quả thì họ sẽ có cách làm khác phù hợp hơn, trồng các loại cây ngoài trời, tùy mỗi người sẽ có cách làm riêng”.
Ông Hưng cũng cho biết, việc trồng rau, hoa sạch trong nhà kính sẽ tốt hơn ngoài trời rất nhiều, cho năng suất cao, giảm giá thành, sử dụng nước và bảo vệ thực vật ít hơn.
Việc anh Tân quay trở lại cách canh tác truyền thống là do cách làm và tư duy của mỗi người. Tuy nhiên, hiện nay thời đại công nghệ 4.0 nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác thì không thể thiếu.