Dân Việt

Cá tra bị đưa vào danh sách đỏ: WWF tự hạ uy tín

08/12/2010 17:53 GMT+7
(Dân Việt) - Trong cuộc họp báo hôm qua, 7-12, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản VN (VASEP) có phản ứng như trên trước việc Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đưa cá tra vào danh sách đỏ.

Thông tin mà WWF thu thập là lạc hậu

Khẳng định với báo chí trong nước và quốc tế, ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực VASEP cho biết, cá tra và các sản phẩm chế biến từ cá tra nuôi của VN ngày càng được ưa chuộng trên thị trường thế giới. Bằng chứng là, sản xuất và xuất khẩu cá tra tăng trưởng ngày càng mạnh và hiện đang cung cấp 95% nguồn cá tra thương phẩm cho thị trường thế giới.

 img
Thu hoạch cá tra được nuôi theo tiêu chuẩn thế giới tại Long An.

Cá tra VN đã xuất khẩu tới 124 quốc gia, vùng lãnh thổ. 10 tháng đầu năm 2010, lượng cá tra xuất khẩu đạt 528.501 tấn, trị giá 1,15 tỷ USD. Riêng thị trường EU tiêu thụ 184.000 tấn, chiếm 36% tổng giá trị cá tra xuất khẩu.

Người tiêu dùng châu Âu, đặc biệt giới thu nhập trung bình và thấp rất ưa chuộng vì giá cả phải chăng, chất lượng đảm bảo, thịt cá ngon. Ông Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, WWF đưa cá tra nuôi VN vào danh sách đỏ chính là đánh vào "dạ dày" của tầng lớp thu nhập trung bình và thấp trong bối cảnh thực phẩm khan hiếm và giá cả leo thang như hiện nay.

Ngoài ra, ông Dũng cũng cho rằng, nếu WWF nêu lý do về quy trình nuôi trồng không đảm bảo, thì đây là những thông tin rất lạc hậu, thiếu chính xác về thực tế nuôi cá tra hiện nay. Vừa qua, Chính phủ đã xây dựng và ban hành đề án sản xuất và tiêu thụ cá tra đến năm 2020. Hiện VASEP đang phối hợp cùng Bộ NN&PTNT xây dựng nghị định quản lý về cá tra. Như vậy, cá tra VN được phát triển bền vững, từ người nuôi đến cơ sở pháp lý được quản lý bởi Chính phủ.

Sẽ đòi lại công bằng cho cá tra VN

Trong cuốn “Cẩm nang Hướng dẫn tiêu dùng thủy sản” năm 2010-2011 của WWF, cá tra được đưa vào danh sách đỏ với lý do chủ yếu là môi trường nuôi cũng như việc sử dụng thức ăn, hóa chất và thuốc thú y trong nuôi cá tra "có vấn đề". Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng: “Bộ NN&PTNT đã kiểm tra, lấy mẫu thường xuyên để kiểm tra suốt nhiều năm qua.

Chưa phát hiện trường hợp nào từ vùng nuôi hay nhà máy chế biến ra sông gây tác hại cho môi trường. Phần lớn đã và đang đáp ứng chuẩn thế giới”. Thủ tướng Chính phủ từng triệu tập hội nghị cá tra vào tháng 3 vừa rồi nhằm nhanh chóng đưa đề án sản xuất và tiêu thụ cá tra đến 2020 vào cuộc sống.

Bên cạnh đó cả DN, người nuôi và chính phủ đều đang tạo ra những cơ sở pháp lý cao nhất để phát triển cá tra bền bững. “Đây là các lý do chúng tôi phản đối việc đưa cá tra vào danh sách đỏ. Việc WWF đưa cá tra vào danh sách đỏ là tự hạ uy tín của chính tổ chức này” - ông Dũng cho biết thêm.

VASEP cho biết, trước động thái trên của WWF, một số công ty buôn bán thực phẩm hàng đầu ở Mỹ, châu Phi, Australia, Nam Phi… đã lên tiếng phản đối và bảo vệ cá tra Việt Nam. Ông Howard Johnson, Hiệp hội Nghề cá bền vững (Anh) đã kêu gọi người tiêu dùng toàn cầu không từ bỏ cá tra như một số tổ chức khác trên thế giới đã làm thời gian qua.

Ngày 19-11, thông tin cá tra đưa vào "danh sách đỏ", ngày 20-12, hai tập đoàn lớn của Anh đã lên tiếng phản đối việc này, và họ cho đó là việc làm "hàm hồ và không có cơ sở". Tôi chắc chắn rằng, người buôn bán thủy sản và người tiêu dùng sẽ lên tiếng phản ứng về đánh giá không đúng này, ông Dũng cho hay.

Theo VASEP, ở những xã hội tiêu dùng hiện đại, lớn như châu Âu, Mỹ... người tiêu dùng dựa rất lớn vào các cẩm nang tiêu dùng của các tổ chức thân thiện với môi trường. Bởi vậy, ông Dũng đề nghị WWF khẩn trương xem xét lại các tiêu chí đánh giá của họ và công khai bộ tiêu chí đánh giá về cá tra VN cho toàn cầu biết.

WWF tại VN lên tiếng

Theo WWF VN, 3 tổ chức phi chính phủ bao gồm WWF, Hội Bảo tồn Sinh vật Biển (MSC) và Quỹ Biển Bắc (NSF) cùng tham gia phát triển phương pháp đánh giá cá tra, phần đánh giá thực địa do một tư vấn độc lập thực hiện.

WWF Việt Nam không tham gia tiến trình này. WWF Việt Nam đang tích cực làm việc với VASEP và các đồng nghiệp tại một số quốc gia châu Âu để làm rõ các tiêu chí và phương pháp đánh giá đã sử dụng để đảm bảo rằng các phản hồi cần thiết sẽ được cung cấp trong thời gian sớm nhất.