Dân Việt

Cô “xe ôm” không lương chắp cánh ước mơ cho trẻ em bất hạnh

Hà Vy 21/09/2019 07:00 GMT+7
Sáu năm qua, ở vùng quê Quảng Nam có một người phụ nữ tình nguyện bỏ thời gian đưa đón con của người dưng là những học sinh nghèo không có phương tiện đi lại đến trường, mặc cho thời tiết mưa dầm hay nắng gắt. Người phụ nữ ấy là chị Nguyễn Thị Hồng Hải (35 tuổi, trú thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam).

Chuyện thường ngày chị Hải làm đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen...

Đưa, đón con người dưng

Ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Hải nằm trên tuyến đường bê tông nhỏ, gần sát chân núi Làng. Ngày mới bắt đầu, từ lúc 5 giờ sáng, chị Hải đã phải tất bật công việc gia đình bởi khi tiếng chuông đồng hồ báo hiệu 6 giờ là chị lại lên xe đến nhà hàng xóm thay đồng phục, chở cháu Nguyễn Thị Thủy, một đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn đến trường.

Kể về việc làm của mình, chị Hải tâm sự, năm học 2013 - 2014, khi còn là kế toán Trường Mẫu giáo Tây Hồ (thôn Đại Quý, xã Tam Lộc), trong một lần thực hiện phân công của nhà trường về điều tra phổ cập giáo dục, chị Hải tình cờ phát hiện trường hợp của hai anh em sinh đôi Nguyễn Đỗ Thiết, Nguyễn Đỗ Trình (trú cùng thôn) có hoàn cảnh rất khó khăn, ba mẹ các em phải đi làm ăn xa, 2 cháu phải nương tựa bà nội.

img

Đằng sau những chuyến xe là những câu chuyện cảm động và hành trình động viên, chia sẻ với các em của cô Hải.

Dù đã đủ tuổi nhưng do không có phương tiện đi lại nên 2 cháu không thể đến trường như những bạn bè cùng trang lứa. Với mong muốn góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cho những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã, giúp các cháu đến trường mỗi ngày để có tuổi thơ như các bạn nên chị Hải đã nuôi ý định làm “cô xe ôm” đưa đón các em mỗi ngày.

“Lúc đến điều tra phổ cập, nghe bà nội của Thiết, Trình nói ba mẹ các cháu đi làm ăn xa, ở nhà lại không có phương tiện nên đành cho các cháu ở nhà. Nhà trường cũng không biết làm cách nào để các cháu đến lớp. Lúc đó tôi nghĩ, mình cũng có điều kiện, nhà cũng không cách xa mấy hay là mình chở các cháu đi học hằng ngày để các cháu biết được con chữ, có được tuổi thơ như các bạn”, chị Hải nói.

Nghĩ là làm, ngay sau đó, chị Hải đã về nhà bàn với gia đình. Được sự đồng ý của chồng, con, chị Hải tiếp tục tới gia đình của 2 cháu Thiết, Trình để thuyết phục gia đình cho chị Hải đưa đón. Sau nhiều lần động viên, giải thích và hứa sẽ đảm bảo việc chở các cháu đi, cuối cùng gia đình hai cháu đồng ý.

Hàng ngày chị Hải đều dậy từ sáng sớm chăm lo cho con của mình, tranh thủ việc nhà rồi đến nhà các cháu Thiết, Trình chở 2 cháu đến lớp. Công việc đều đặn từ sáng đến tối, từ ngày này sang tháng nọ, kể cả khi chị mang thai, sinh nở, ốm đau cũng cố gắng đảm bảo cho 2 cháu đến lớp, không nghỉ ngày nào.

Không chỉ Thiết, Trình, những năm học sau đó, 2014-2015, chị Hải còn tiếp tục đưa đón cháu Vương Quốc Bảo đến lớp do ba mẹ không có phương tiện đi lại; năm học 2015-2016 đến 2016-2017 chị Hải nhận đưa đón cháu Nguyễn Ngọc Thanh Hằng, Nguyễn Ngọc Mỹ Hạnh, do ba mẹ các cháu đã ly hôn, phải sống với bà ngoại, gia đình thuộc diện hộ nghèo; năm học 2017 - 2018, chị tiếp tục đón thêm cháu Nguyễn Thị Thủy, trẻ mồ côi phải sống với bà ngoại. Từ năm học 2019-2020, khi chuyển qua công tác tại Trường Tiểu học Lê Lợi (thôn Đại Đồng, xã Tam Lộc), chị vẫn tiếp tục đưa đón cháu Thủy khi cháu bước chân vào lớp 1.

“Thấy hoàn cảnh của cháu nào khó khăn, không có điều kiện đến trường, tôi đưa đón các cháu, đến khi nào cháu lớn lên, vào cấp 1, tự đi xe đạp được thì tôi tiếp tục đón em khác. Trong thời gian sắp tới, tôi sẽ tiếp tục đưa đón thêm cháu Nguyễn Ngọc Mỹ Hạnh (năm nay vào lớp 3, Trường Tiểu học Lê Lợi) do điểm trường thôn đã quá tải”, chị Hải nói.

Trong chặng đường thiện nguyện của mình, chồng chị, anh Bùi Minh Cảnh (40 tuổi) cũng góp một phần không nhỏ. Nhờ sự động viên của chồng và giúp đỡ chị đưa đón những đứa trẻ những lúc chị ốm đau, bệnh tật, sinh nở mà hành trình thiện nguyện của chị mới kéo dài được đến ngày hôm nay, đảm bảo cho cả chặng đường về sau của các cháu.

Gặp anh Cảnh trong lúc đang chăm con cho chị Hải chở đứa trẻ khác đi học, anh Cảnh vẫn cười tươi, “đây cũng là việc từ cái tâm của mình nên mình rất ủng hộ vợ. Làm việc thiện không phải xuất phát từ điều gì hết, không phải để lấy danh tiếng, thể hiện cái này cái kia mà phải xuất phát từ cái tâm của mình, tình thương giữa con người với con người. Nhiều lúc mình vợ mình ốm đau thì mình vẫn đến giúp các cháu đi học”, anh Cảnh bày tỏ.

img

Không chỉ đưa đón mà chị Hải còn quan tâm, lo lắng cho các em giống như một người mẹ quan tâm con của mình.

"Không có cô Hải chắc cháu tui dốt"

Tôi theo chị Hải đến nhà cháu Nguyễn Thị Thủy. Chị Hải cho biết, hoàn cảnh của cháu Thủy rất đáng thương, chỉ sau khi ba mẹ cưới nhau không lâu ba cháu đã bỏ đi, mẹ cháu mang bầu phải một mình lo lắng, chăm sóc. Khi Thủy mới 17 tháng tuổi, mẹ cháu bị tai nạn đuối nước, để cháu ở lại cùng với người bà lớn tuổi, thuộc diện cận nghèo.

Khi cháu được 30 tháng tuổi, bà ngoại của cháu lại phát hiện bị bệnh tim không thể chạy chữa, chỉ uống thuốc cầm cự qua ngày. Hai bà cháu sống nhờ ở căn nhà do người cậu cháu để lại. Càng ngày sức khỏe bà ngoại Thủy càng yếu đi, bệnh tình thường tái phát nên bà không thể đi đâu được. Dù cho đủ tuổi đến trường thì cũng không biết phải làm sao.

Nhận thấy hoàn cảnh của Thủy khó khăn, chị Hải đã động viên gia đình cho cháu đi học, hằng ngày chị sẽ đưa đón cháu đến lớp. Tuy nhiên vì sợ không có tiền đóng học phí, tiền mua sách vở, áo quần cho em gia đình đã lưỡng lự. Nhưng với sự thuyết phục của chị Hải, cuối cùng gia đình đã đồng ý.

“Thấy hoàn cảnh của cháu như thế, nếu cháu không được tiếp cận với môi trường giáo dục sớm thì cháu sẽ tự ti, dẫn đến trầm cảm bởi cháu không được tiếp xúc với nhiều người, chỉ có 2 bà cháu nên tôi đã tự nguyện đưa đón cháu đến trường mỗi ngày”, chị Hải kể.

Từ đó đến nay, đã 3 năm trôi qua, chị Hải cứ sáng sớm lại chăm lo cho cháu, đưa cháu đến trường, tối đến lại đưa cháu về nhà, bất kể mưa hay nắng. Ngoài ra, do hoàn cảnh, tính tình Thủy khá nhút nhát và e dè nên trên mỗi chuyến xe hàng ngày, chị đều tâm sự, chia sẻ với Thủy để cháu ngày càng cởi mở và hòa đồng hơn.

“Tui già yếu, lại bị bệnh tim, may mắn cho con bé là có cô Hải đưa đón nó đi học hằng ngày chứ tui chẳng biết cậy nhờ vào ai hết. Nếu không có cô Hải chở đi, chắc cháu tui dốt”, bà Nguyễn Thị Xuân, bà ngoại Thủy nói.

img

Từ sáng sớm, cô Hải lại đến nhà Thủy để chuẩn bị áo quần, cặp sách đưa đón em đến trường.

Không chỉ đưa Thủy đến trường, chị Hải còn kêu gọi các nhà hảo tâm vận động cho Thủy được số tiền 4 triệu đồng, cùng quần áo sách vở giúp cháu Thủy đi học. Chị còn tham mưu với lãnh đạo nhà trường vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên đóng góp mỗi tháng để hỗ trợ tiền ăn cho Thủy và một em học sinh khác cũng có hoàn cảnh tương tự.

Thầy Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi nhận xét, việc cô Hải tình nguyện đưa đón các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường, kêu gọi giúp đỡ cho các em trong nhiều năm liền là việc làm rất khó khăn để duy trì, không phải ai cũng làm được. Việc làm này có tính lan tỏa đến toàn xã hội, là một tấm gương trong phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

“Nhờ việc làm của cô Hải mà nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến lớp. Nhà trường cũng ghi nhận, bản thân tôi là một lãnh đạo cũng học hỏi được từ việc làm của cô, cũng rất trân trọng. Nhà trường cũng kêu gọi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường tiếp tục có những việc làm thiết thực để giúp ích cho địa phương và góp phần nhỏ cho việc giúp đỡ cho những trẻ em có hoàn cảnh bất hạnh để càng ngày càng lan rộng hơn”, thầy Thạch nhận xét.