Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, trung bình mỗi năm Việt Nam có 3 sự cố tràn dầu, trong giai đoạn 2005 - 2014, Việt Nam là một trong 5 quốc gia có số lượng sự cố tràn dầu nhiều nhất. Hàng năm, lượng dầu trôi dạt vào bờ biển Việt Nam thường xuyên với khối lượng lớn nhưng, các cơ quan chức năng vẫn không xác định được nguyên nhân để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường biển nước ta.
Dù đã nỗ lực xây dựng khung pháp lý, ban hành một loạt các văn bản quy định về ứng phó sự cố tràn dầu, song, hầu hết các văn bản quy định chi tiết về ứng phó sự cố này đều chưa được ban hành.
Làm thế nào để ứng phó với sự cố tràn dầu trên biển?
Cụ thể, quy định hướng dẫn xây dựng quy trình kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu các cấp; Quy định về quy trình sử dụng chất phân tán; Quy trình phục hồi và cải thiện môi trường do sự cố tràn dầu; Quy định về thẩm quyền và quy trình lập phương án ứng phó sự cố tràn dầu đối với phương tiện thủy nội địa vận tải xăng, dầu; Quy định quy trình đòi bồi thường thiệt hại do tràn dầu...
Theo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, hiện, kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp quốc gia chưa được phê duyệt. Theo đó, các địa phương đều lúng túng trong việc hướng dẫn các cơ sở xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, việc khắc phục ô nhiễm môi trường sau sự cố tràn dầu rất hạn chế, trên 70% sự cố tràn dầu tại vùng biển Việt Nam chưa được bồi thường.
“Về hợp tác quốc tế, Việt Nam đã có thỏa thuận về cơ chế hợp tác trong ASEAN nhưng các hoạt động hợp tác vẫn chưa được triển khai thực hiện”, lãnh đạo Cục Hàng hải cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Cục Hàng hải, Việt Nam là thành viên của các công ước có liên quan như: Công ước quốc tế về ngăn chặn ô nhiễm môi trường từ tàu (MARPOL), Công ước và Nghị định thư về trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại ô nhiễm dầu (CLC 92). Tuy nhiên, Công ước quốc tế về hợp tác, chuẩn bị và ứng phó sự cố tràn dầu (OPRC) là điều ước quốc tế quan trọng nhất về chuẩn bị và ứng phó sự cố tràn dầu thì Việt Nam chưa là thành viên.
Từ đó, chúng ta thiếu cơ hội trao đổi kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật tiên tiến, không nhận được sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên trong những trường hợp ứng phó sự cố tràn dầu nghiêm trọng. Không tham gia hệ thống thông tin, giám sát toàn cầu về ứng phó sự cố tràn dầu để tiếp nhận thông tin kịp thời về nguy cơ, nguyên nhân dẫn đến sự cố tràn dầu.
Sự cố tràn dầu được xem là sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Việt Nam cần thống nhất các quy định liên quan, xác định rõ cơ quan quản lý nhà nước làm đầu mối tham vấn, hoạch định chiến lược trong xây dựng chính sách, đầu tư nguồn lực cho công tác ứng phó sự cố tràn dầu. Đồng thời, cần sớm xem xét tham gia công ước OPRC để tranh thủ sự hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác với các quốc gia thành viên, giải quyết sự cố tràn dầu hiệu quả hơn.