"Cởi trói" cho nông nghiệp
Theo ông Vũ Văn Hà - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, trong suốt hơn 33 năm tiến hành cuộc đổi mới, nhờ những cải cách trong quan hệ đất đai, nền nông nghiệp Việt Nam có bước phát triển quan trọng, từng bước bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước, trở thành ngành kinh tế đóng góp ngày càng lớn cho xuất khẩu, không ngừng nâng cao đời sống người dân.
"Rõ ràng, chủ trương tích tụ ruộng đất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp của Đảng và Nhà nước ta là hết sức đúng đắn, thực sự "cởi trói" cho nông nghiệp phát triển, đạt nhiều thành tựu cao với nhiều mô hình và phương thức thực hiện có hiệu quả, đóng góp tích cực cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp của Việt Nam" - ông Hà nói.
Theo ông Hà, đến thời điểm này có thể thấy các hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất khá đa dạng, phong phú, góp phần mở rộng quy mô sản xuất cũng như thúc đẩy hình thành các hình thức tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp.
Việc tích tụ ruộng đất sẽ tạo điều kiện cho hình thành các các cánh đồng lớn. (ảnh tư liệu)
Đơn cử như nhờ việc dồn điền, đổi thửa nên diện tích bình quân một thửa đất sản xuất nông nghiệp tính chung cả nước đã tăng từ 1.619,7m2 (2011) lên 1.843,1m2 (2016), trong đó, đồng bằng Bắc Bộ tăng từ 489m2/thửa lên 604,4m2/thửa... Nhờ vậy, đất sản xuất nông nghiệp bớt nhỏ lẻ, manh mún, mô hình cánh đồng mẫu lớn xuất hiện và ngày càng được nhân rộng ở nhiều địa phương.
Dù đạt được nhiều thành quả, song theo ông Hà, thực tế triển khai tích tụ, tập trung ruộng đất ở nhiều địa phương đã xuất hiện không ít những vướng mắc trong chính sách, cũng như Luật Đất đai... cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời để việc tích tụ ruộng đất được tiến hành mạnh mẽ, đồng bộ, phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn.
GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay: Trên thực tế, tại nhiều địa phương như vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ, tình trạng các hộ nông dân bỏ hoang đất nông nghiệp diễn ra khá phổ biến. Đáng nói, có tình trạng có nơi có đất nhưng không tham gia tập trung đất đai vì e ngại gặp phải rủi ro mất đất.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng chưa tổng kết lại các mô hình tích tụ, tập trung đất đai để đưa ra chính sách, hoàn chỉnh khung pháp luật nhằm đẩy nhanh tiến độ hình thành nông nghiệp quy mô, công nghệ cao, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất sản xuất nông nghiệp đang diễn ra.
Đảo đảm lợi ích cho người dân
Để tạo dựng được nền nông nghiệp hiện đại, GS Đặng Hùng Võ kiến nghị, Nhà nước nên sửa đổi, bổ sung pháp luật đất đai hướng tới tạo động lực cho phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao dựa trên mối quan hệ sản xuất nông nghiệp sao cho nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, tạo công bằng trong tiếp cận đất nông nghiệp và thực hiện quản trị tốt đất nông nghiệp, sao cho bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của các nông hộ nhỏ.
Bên cạnh việc đề xuất Nhà nước tiếp tục sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp với tình hình mới, các địa phương cần phải lo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Đơn cử như Hà Nội hiện nay đã mở được sàn giao dịch nông sản (giống như sàn chứng khoán) có ứng dụng công nghệ thông tin và vận hành như một chuỗi rất hiện đại, khoa học và bài bản, giúp cả doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi". Ông Nguyễn Văn Sửu |
Đồng quan điểm với ông Võ, nhiều đại biểu cũng cho rằng, để việc tích tụ đất đai không làm cho nông dân mất đất, vừa bảo vệ được quyền lợi và lợi ích của các hộ nông dân nhỏ, chúng ta nên khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai đối với trường hợp các hộ nông dân thực sự không còn gắn với sản xuất nông nghiệp. "Mặt khác, cần giám sát chặt chẽ tình trạng nông dân ở thế yếu bị ép buộc chuyển nhượng đất đai cho các bên có thế mạnh..."- GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Hiến kế thêm, GS Đặng Hùng Võ cho rằng: Nhà nước nên có chính sách trợ giúp giao dịch quyền sử dụng đất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trong trường hợp người sử dụng đất muốn giữ nhưng không có ý sử dụng đất.
Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho hay: Hiện nay tại các tỉnh có nhiều hình thức tích tụ, tập trung đất đai nhưng theo tôi, về việc này các địa phương cần phải hết sức thận trọng và nên chọn một hình thức phù hợp nhất với thực tiễn thì mới phát huy hiệu quả.
"Đơn cử như hình thức chính quyền đứng ra thuê đất của dân cho doanh nghiệp tại Hà Nam, tôi thấy chưa thực sự phù hợp, một khi có vấn đề, vướng mắc gì xảy ra rất có thể chính quyền, cán bộ ở địa phương đó sẽ liên quan đến pháp lý và sẽ phải ra tòa để giải quyết" - ông Sửu nói.
Theo ông Sửu, để an toàn và tạo lòng tin cho người dân và doanh nghiệp tham gia vào tích tụ, tập trung đất đai, chính quyền chỉ nên tham gia vào khâu xác nhận khi người dân và doanh nghiệp tại nơi đó tham gia tích tụ đất đai như hiện nay Hà Nội đang triển khai làm rất hiệu quả.