Dân Việt

Cậu bé vô gia cư nhặt rác thành nhiếp ảnh gia quốc tế lọt top 30 Forbes

Khánh Lam 23/09/2019 07:00 GMT+7
"Tôi may mắn khi được nhiều người giúp đỡ xuyên suốt chuyến hành trình. Nhưng điều khiến tôi luôn kiên trì đó chính là lòng can đảm, tôi nhận ra rằng mình chẳng có gì để mất, nên tôi chẳng hề sợ hãi và cứ thế mà làm thôi".

img

Vicky Roy - một cậu bé 11 tuổi đứng giữa trạm xe lửa tấp nập ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Cảnh tượng người người đi lại, chạy vội và xô đẩy nhau khiến cậu cảm thấy mệt mỏi. Khi nước mắt đã lăn dài trên gương mặt của cậu bé, trái tim cậu như vỡ òa. Cậu đã bỏ nhà đi xa và không còn cách nào để quay trở lại. Cậu chỉ biết nép mình trong một góc nhỏ, cảm thấy cô độc và sợ hãi...

Những con người ở trạm xe lửa khó có thể nào nghĩ rằng cậu bé vô gia cư ngày nào sau này lại lọt vào top 30 Forbes ở Ấn Độ, top 40 Vogue Ấn Độ và được vinh dự cùng ăn tối với Hoàng Tử Edward tại cung điện Buckingham. Hơn nữa, cậu hiện còn là hội viên nhiếp ảnh của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

"Tôi nhớ lại khoảnh khắc mình bật khóc khi cảm thấy thật cô đơn trong thành phố. Tôi sẽ làm gì và tôi sẽ đi về đâu là những gì mà tôi nghĩ đến. Tôi đã rất sợ hãi" - Vicky nhớ lại. 

img

Vicky được sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Bố anh là thợ may chỉ với đồng lương ít ỏi 25 rupee mỗi ngày. Số tiền đó là quá ít để nuôi sống một gia đình 9 người. Dù bố Vicky ước mơ cho các con được đi học hết lớp 10, nhưng sự nghèo khổ đã khiến ông không thể thực hiện được điều đó. Và thế là, Vicky được gửi đến để sống cùng với ông bà của mình.

"Ở nhà ông bà, mọi thứ đều rất khó khăn. Tôi sẽ bị trừng phạt dù phạm phải một lỗi lầm rất nhỏ. Và sau một thời gian, tôi đã không thể chịu đựng được và bỏ nhà ra đi" - anh kể.

Sau đó, cậu bé Vicky đã tham gia vào đội nhặt rác. "Thoạt đầu mọi thứ trông có vẻ ổn nhưng dần về sau sự việc trở nên tồi tệ dần. Mọi người đánh nhau và có lúc gây ra nhiều nguy hiểm. Vì vậy, sau 6 tháng làm công việc nhặt rác, tôi quyết định rời đi. Lần này, tôi tìm được công việc rửa chén ở một khách sạn nhỏ. Đó cũng chính là lần tôi gặp Sanjay Srivastava, người đã khiến cuộc đời tôi hoàn toàn thay đổi" - Vicky tiếp lời.

img

Sanjay Srivastava - một người tốt bụng, đã giúp đỡ Vicky liên lạc với một tổ chức phi chính phủ được mang tên Salaam Baalak Trust. Cũng như Vicky, Sanjay từng có một khoảng thời gian khó khăn, cho đến khi tổ chức này giúp đỡ và trao cho anh cơ hội cải thiện cuộc sống của mình.

"Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi tôi đến sống tại mái ấm của tổ chức này. Họ làm cho tôi một số giấy tờ, vì lúc đó tôi chẳng có giấy tờ gì cần thiết để có thể nộp vào trường học cả. Tôi được đi học lớp 6 tại một ngôi trường Paharganj. Dù học hành chẳng tốt gì mấy nhưng tôi vẫn cố gắng hoàn thành xong lớp 10. Giáo viên khuyến khích tôi học thêm nghề để có thể trở nên tự lập hơn".

Dù đã học qua nhiều nghề như nấu ăn, may vá và các nghề kỹ thuật khác, nhưng Vicky vẫn chưa tìm được nghề nghiệp mà mình yêu thích.

Vào năm 2000, Vicky có 2 cậu bạn được trao cơ hội đi Indonesia để học nhiếp ảnh, thế là anh quyết định theo đuổi khóa học đó. "Để khuyến khích, tổ chức này đã tặng tôi một chiếc máy ảnh và 3 cuộn phim mỗi tháng. Vào thời điểm đó, đây thực sự là một món quà có giá trị. Việc mang theo chiếc máy ảnh khiến tôi cảm thấy mình quan trọng và được chú ý đến nhiều hơn. Bạn bè bắt đầu mời tôi ăn và tôi sẽ chụp hình cho họ. Và sau tất cả, tôi nhận ra rằng mình thực sự yêu thích việc chụp ảnh đến mức nào" - Vicky kể.

img

Sau vài năm, cậu bé Vicky đã rời khỏi tổ chức phi chính phủ, vì người quá 18 tuổi không thể ở lại mái ấm được nữa. Tuy nhiên, tổ chức vẫn giúp đỡ Vicky phát triển sự nghiệp nhiếp ảnh của mình. Họ tạo điều kiện cho cậu được đi thực tập cùng Anay Mann - một nhiếp ảnh gia ở thủ đô New Delhi.

"Ông ấy trả lương cho tôi 3000 rupee mỗi tháng, một chiếc xe đạp và một điện thoại. Ông làm việc với những người cao cấp, vì thế mà tôi có cơ hội được đi khắp Ấn Độ cùng ông. Tôi thật may mắn khi có được người thầy như Anay, ông đã dạy cho tôi rất nhiều, từ kỹ thuật nhiếp ảnh cho đến việc cư xử sao cho chuyên nghiệp. Ông ấy quả là một người thầy tuyệt vời!" - chàng trai 32 tuổi cho hay.

Trong lúc trau dồi thêm kiến thức và kinh nghiệm khi theo học thầy Anay, Vicky vẫn có những ước mơ ấp ủ cho riêng mình.

Và giấc mơ ấy đã thành hiện thực vào năm 2007, khi anh có cho mình buổi triển lãm đầu tiên được mang tên "Ước mơ đường phố" ở thủ đô New Delhi. Đây như một tấm gương phản chiếu chuyến hành trình đầy cảm hứng của Vicky, buổi triển lãm như là bước ngoặt trong cuộc đời anh. "Tôi cảm thấy bất ngờ khi buổi triển lãm diễn ra thành công và được đón nhận bởi nhiều nhiếp ảnh gia khác. Điều đó đã mở cho tôi được nhiều cánh cửa hơn".

Nhiều cơ hội khác đã đến với Vicky. Kể từ đó, anh mở thêm được nhiều cuộc triển lãm khác dọc khắp Ấn Độ và các quốc gia như: Anh, Mỹ, Singapore, Đức, Sri Lanka và Nga. "Học đi đôi với hành. Tôi thật may mắn khi được nhiều người giúp đỡ xuyên suốt chuyến hành trình này. Nhưng điều đã khiến tôi luôn kiên trì đó chính là lòng can đảm, tôi nhận ra rằng mình chẳng có gì để mất cả, nên tôi chẳng hề sợ hãi và cứ thế mà làm thôi".

Sau nhiều năm kiên trì và bền bỉ để đạt được nhiều thành tựu mang tầm quốc tế, Vicky vẫn không tự nhận mình là một nhiếp ảnh gia thành công. Anh cho biết rằng mình sẽ luôn học hỏi để trau dồi kỹ năng nhiếp ảnh. Giờ đây, anh đã có thể lo lắng cho gia đình của mình

"Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được gặp lại gia đình sau nhiều năm. Tôi đã có thể tặng cho mẹ một ngôi nhà nhân Ngày của Mẹ. Đó chính là điều đặc biệt!" - Vicky cho hay.