Không đảm bảo quyền lợi cho nông dân
Về sự việc xảy ra với 21 hộ dân ở xóm Chiến Thắng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), luật sư Nguyễn Đức Quang - Đoàn luật sư Hà Nội - đã phân tích rõ ràng những sai phạm của các cơ quan chức năng của huyện Đại Từ.
Người dân xóm Chiến Thắng vẫn đang mong mỏi được đền bù, hỗ trợ công bằng. |
Luật sư Quang minh chứng: "Ngày 25.7.2002, sau khi UBND tỉnh Thái Nguyên có Quyết định số 2196/QĐ-UB về việc thu hồi đất của các hộ dân xóm Chiến Thắng giao cho Xí nghiệp Than Núi Hồng thuê, Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng (HĐĐBGPMB) đã không tiến hành các công việc của mình như: Phát tờ khai cho nhân dân, hướng dẫn nhân dân kê khai đất và các tài sản trên đất cũng như không thực hiện việc kiểm kê, kiểm tra thực tế bị thiệt hại so sánh với tờ khai của người bị thiệt hại có sự chứng kiến của chủ đầu tư theo Nghị định 22/1998.
Do đó, HĐĐBGPMB cũng không lập phương án đền bù trình UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt. Người dân chỉ được nhận bản dự toán phương án đền bù do Xí nghiệp Than Núi Hồng lập. Trong dự toán này, việc đền bù thiệt hại về đất và hỗ trợ cho người dân cũng không thỏa đáng, không đúng trình tự quy định của pháp luật".
Luật sư Quang cho biết thêm: "Mặc dù không có phương án đền bù do HĐĐBGPMB trình phê duyệt theo quy định của pháp luật, nhưng UBND tỉnh Thái Nguyên vẫn ký một loạt quyết định phê duyệt dự toán đền bù GPMB, phê duyệt dự toán hỗ trợ đền bù GPMB và phê duyệt dự toán bồi thường GPMB đợt 4 dự án.
Tuy các hộ dân không được kê khai đất và tài sản của mình, không thấy HĐĐBGPMB kiểm kê lại đất, không biết giá đền bù, nhưng lại được UBND huyện Đại Từ, HĐĐBGPMB huyện Đại Từ và chủ đầu tư mời đến nhận tiền đền bù. Đây là điều bất hợp lý và không đảm bảo quyền lợi của người dân bị thu hồi đất".
Chủ đầu tư quanh co
Chiều 7.2, PV Dân Việt đã có buổi trao đổi với ông Dương Đình Tứ - Phó Giám đốc Công ty Than Núi Hồng. Về sự việc trên, ông Tứ khẳng định Công ty đã làm đúng trình tự theo quy định của pháp luật. Thế nhưng khi chúng tôi yêu cầu được cung cấp bản phương án đền bù cho các hộ dân bị thu hồi đất thì cả ông Tứ và bà Tô Thị Oanh - Trưởng phòng Đầu tư xây dựng của Công ty - đều lục tủ hồ sơ tìm rất lâu mà không đưa ra được. Sau nhiều thời gian tìm kiếm, ông Tứ cho biết chỉ có phương án ổn định đời sống và sản xuất cho các hộ dân.
Ông Tứ cũng cho chúng tôi xem một loạt các biên bản kiểm kê đất bị thu hồi của 20 hộ dân khiếu kiện nhưng đều thiếu chữ ký của các chủ hộ. Ông Tứ khẳng định: "Nghị định 22/1998 quy định nếu chủ hộ không đồng ý ký thì chỉ cần HĐĐBGPMB và đại diện chính quyền ký vào là có hiệu lực".
Tuy nhiên trên thực tế, Nghị định 22 lại quy định phải có sự tham gia của người bị thiệt hại. Trong số các tài liệu ông Tứ cung cấp cho chúng tôi còn có Quyết định số 3785/QĐ-UB của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc thành lập Hội đồng đền bù, GPMB. Quyết định này có chữ ký của ông Đàm Thanh Nghị - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhưng lại không có con dấu và lạ lùng là văn bản này vẫn có hiệu lực thực thi.
Bà Tô Thị Oanh cho biết, Công ty đã tiếp nhận 173 lao động là con em bà con nông dân mất ruộng trong toàn bộ dự án. Với những hộ chưa nhận đền bù thì chỉ khi nào nhận tiền thì công ty mới tiếp nhận nhân sự. Bà Oanh cho biết thêm, Công ty cũng đã hoàn thổ một diện tích đất nông nghiệp sau khi khai thác và bàn giao cho UBND xã để phân chia lại cho bà con nông dân canh tác.
Về vấn đề này, ông Đặng Văn Bào - đại diện cho 20 hộ dân xóm Chiến Thắng - cho biết: "Công ty cam kết là hộ gia đình nào cứ mất 2 sào đất nông nghiệp thì được nhận 1 lao động vào làm công nhân. Tuy nhiên, nhiều gia đình mất đến 7 - 8 sào nhưng cũng chỉ được tiếp nhận 1 lao động. Và việc tiếp nhận này phải thực hiện ngay để đảm bảo cuộc sống cho những người mất ruộng chứ không thể đợi đến khi họ nhận tiền".
Về diện tích đất mà công ty đã hoàn thổ, ông Bào cho biết chất lượng đất rất xấu, lại không có nước tưới tiêu nên chẳng xóm nào chịu nhận. Sự việc kéo dài suốt 10 năm và đến nay chưa thấy hồi kết thúc. Tuy nhiên cái bóng của đói nghèo thì đã thấy hiển hiện ở những nông dân mất ruộng...
Nhóm PV