Dân Việt

“Chưa trận đánh nào chúng ta mất nhiều cán bộ, tướng lĩnh đến thế!”

Quốc Phong 23/09/2019 07:30 GMT+7
Đó là nhận xét của một cử tri tại TP. Đà Nẵng - ông Nguyễn Tấn Đồng, khi Đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng khoá 13 gặp gỡ, tiếp xúc cử tri sáng 20/9.

Đây là chuyện ông nhắc đến đại án Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) và những cá nhân liên quan xảy ra tại Đà Nẵng. “Nhóm lợi ích” đã tha hoá, tham nhũng đến trắng trợn thật khó hình dung. Họ đã xem thường pháp luật, danh dự của chính họ và nhắm mắt làm ngơ để trục lợi cá nhân, khiến Nhà nước thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng.

Rồi ông Đồng cũng nêu câu hỏi: “Cử tri muốn biết vì sao lại để xảy ra sai phạm như thế? Đề nghị Đảng, Nhà nước và Quốc hội phải tìm ra nguyên nhân để khắc phục”.

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng, bức xúc của cử tri là chính đáng và cũng là sự trăn trở của toàn Đảng. Con số 25 cán bộ, tướng lĩnh bị xử lý là rất đau xót...

Ông Nghĩa cũng cho biết, vụ án Vũ “nhôm” sẽ tiếp tục được xử. Trong danh sách 25 cán bộ liên quan, có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao nhất của TP. Đà Nẵng...

Cần nhớ, chỉ riêng tại “thành phố đáng sống” này thì 2 cựu chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến đã tạo điều kiện để Vũ “nhôm” mua rẻ hàng chục bất động sản. Số tiền mà các bị can gây thất thoát của Nhà nước tại Đà Nẵng đã là gần 20.000 tỷ đồng.

Tâm tư của cử tri Đà Nẵng Nguyễn Tấn Đồng bắt đầu từ thực tế của địa phương ông đang sống, và ông so sánh với cuộc đời chinh chiến của mình trong chiến tranh. Có lẽ là ông so với cả 4 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc cộng lại mới là chính xác (chứ không phải như ông nói là “một trận đánh”).

img

Bốn cựu lãnh đạo, cán bộ công an bị khởi tố, phạt tù vì liên quan đến các vụ án của Vũ "nhôm".

Sắc lệnh phong hàm cấp tướng lần đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định  cho 11 vị vào năm 1948. Chỉ 11 vị tướng tài danh và mưu lược lãnh đạo quân đội, cuộc chiến tranh thần thánh chống thực dân Pháp đã kết thúc với thắng lợi cuối cùng tại mặt trận Điện Biên Phủ. Thật kỳ lạ, cả cuộc chiến 9 năm ấy, chỉ 1 vị tướng là Trung tướng Nguyễn Bình - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Nam Bộ hy sinh do bị Pháp phục kích năm 1951 trên đất Campuchia. 

Với biết bao lần phong tướng sau đó, trong quân đội và công an, đến nay đã có cả ngàn vị tướng được phong. Về cơ bản, họ thật xứng đáng nhận vinh dự này và cũng đã hoàn thành xuất sắc trọng trách lớn lao được Tổ quốc trao cho.

Chúng ta còn nhớ, sau hoà bình lập lại năm 1954, khi quân đội ta từ chiến khu Việt Bắc trở về tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ đã không quên căn dặn cán bộ và chiến sĩ nói chung khi đó phải hết sức cảnh giác với “viên đạn bọc đường” khi đất nước hoà bình, họ sẽ về tiếp quản dưới đồng bằng. Lần đó Bác hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Rồi đây, khi các chú trở về thành phố, các chú nhớ gì nhất?

Sau một hồi chờ mọi người trả lời, Người nói: Điều mà Bác muốn dặn các chú là: Nhớ phải đề phòng “đạn bọc đường”. Loại đường này, lúc đầu ai bị bắn dù có trúng cũng không biết đau, lại còn khen ngọt là khác, đến khi ngã ra có hối hận cũng đã muộn.

Ví dụ bây giờ các chú chuẩn bị vào thành phố, các chú sẽ nghĩ rằng lâu nay mình sống gian khổ đã nhiều, bây giờ là lúc hưởng lạc đây! Trong lòng các chú luôn nghĩ đến những thứ của ngon vật lạ, dần dần quên mất tác phong gian khổ, giản dị, như vậy rất dễ dẫn đến tham ô, hủ hóa. Tức là mình đã tự biến hóa thành cái bia rất tốt cho đạn bọc đường!

Ý của Người là cần cảnh giác với những cám dỗ bằng tình,tiền và lối sống tiểu tư sản nói chung. Nếu không cảnh giác với chuyện này thì những cán bộ ưu tú từng xông pha trận mạc vẫn đứng vững hiên ngang, nay có thể dễ dàng “chết” một cách lãng xẹt chỉ vì những thứ đó.

Lời căn dặn quý báu đó của Người thật đúng là sự nhìn xa trông rộng và rất có tác dụng giáo dục cán bộ chiến sỹ nói riêng, toàn Đảng nói chung.

Cũng vì thế, có thể có một số rất ít cán bộ vẫn cứ mắc phải, thế nhưng Đảng, Nhà nước ta tuyệt nhiên không phải xử lý các vị tướng hoặc cán bộ cấp cao nào trong bộ máy kiểu như trước đóChủ tịch Hồ Chí Minh từng phải xử đại tá Trần Dụ Châu ở mức án tử hình, khi ông ta là Cục trưởng Cục Quân nhu thuộc Tổng cục Cung cấp (Bộ Quốc phòng) trong thời kỳ chống Pháp vì lối sống ăn chơi sa đoạ do tham ô mà có. 

Theo tìm hiểu của tôi, trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược tiếp đó, đất nước ta tiếp tục có thêm vài chục vị tướng được phong (vào năm 1958). Trong số đó có nhiều vị được tăng cường vào chiến trường miền Nam ác liệt, thế nhưng cũng rất hy hữu có vị tướng nào hy sinh.

Nếu tôi nhớ không nhầm thì có lẽ chỉ có đại tá Đặng Tính - nguyên Chính uỷ Binh đoàn Trường Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân (là đại tá từ năm 1958) hy sinh trong chiến tranh ở thời điểm rất đặc biệt. Ông hy sinh năm 1973 khi trên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và được biết, ông là người đã nằm trong diện được phong hàm trung tướng vượt cấp thời điểm đó. Thật đáng tiếc vì ông vẫn chưa có vinh hạnh ấy thì đã ngã xuống.

Trong suốt mấy cuộc kháng chiến và bảo vệ biên giới ở Tây Nam và ở phía Bắc, dù các tướng lĩnh của chúng ta phải xông pha trận mạc vô cùng gian nguy, có mặt ở các Bộ Tư lệnh Mặt trận tiền phương để trực tiếp chỉ huy chiến đấu hết sức kiên cường và dũng cảm. Thế mà cũng chỉ có 1 người hy sinh, là thiếu tướng Kim Tuấn - Anh hùng LLVTND, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, khi ông tham gia chỉ huy chiến đấu tại mặt trận Campuchia.

Tôi nói điều này để thấy số cán bộ cấp tướng của ta hy sinh là rất hiếm. 

Ấy thế mà Vũ “nhôm”, từ một anh thợ sản xuất nhôm kính cách đây chục năm, không hiểu được ưu ái của ai mà trở thành cán bộ cao cấp với quân hàm thượng tá tình báo công an, để rồi trở thành “sát thủ” “hạ gục” không biết bao nhiêu tướng tá trong ngành và hàng chục cán bộ lãnh đạo cấp cao khác của Đà Nẵng (sắp tới còn ở TP.HCM) cũng bởi thứ “đạn bọc đường”. 

img

2 cựu Thứ trưởng, tướng công an Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành nhận án tù cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến các vụ án Vũ "nhôm".

Thời gian qua, không chỉ có mỗi Vũ “nhôm”là “sát thủ” hạ gục nhiều vị tướng mà còn khá nhiều vụ khác cũng có các tướng “ngã ngựa” kiểu tương tự, như vụ Phan Sào Nam thao túng, mua chuộc tướng tá công an để tổ chức mạng lưới đánh bạc qua mạng. 

Sào Nam là mắt xích quan trọng sáng lập, vận hành đường dây đánh bạc cả chục nghìn tỷ đồng và được hai tướng công an, người thì là Tổng cục trưởng Cảnh sát phòng chống tội phạm, người thì là Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao bảo kê. Họ đã giúp cho công ty của Phan Sào Nam cùng với Công ty CNC của Nguyễn Văn Dương và Hoàng Thành Trung hợp tác để phát triển game đánh bạc Rikvip...

Đó là trong ngành công an. Còn trong quân đội? Chúng ta đã thấy một loạt lãnh đạo cấp tướng của một số quân chủng như Phòng không Không quân, Hải quân đã bị kỷ luật cảnh cáo vì dính dáng đến chuyện đất cát quốc phòng bị chuyển nhượng sai nguyên tắc, gây thất thoát công sản vô cùng nguy hại. Trong số các tướng này, có một số vị đã từng là uỷ viên Trung ương Đảng.

Phải chăng, khi còn ở chiến trường ác liệt họ là những người lính rất dũng cảm trong chiến đấu, nhưng sau này, khi hoà bình, họ được tin tưởng giao trọng trách to lớn thì lại không giữ được mình cũng chỉ do vi phạm về phẩm chất, đánh mất danh dự một cách rất đáng trách.  

Từ những chuyện cụ thể nói trên,chúng ta càng cảm nhận lời Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo cán bộ chiến sĩ khi chiến thắng thực dân Pháp xâm lược trở về quê hương xây dựng đất nước năm xưa thật sâu sắc nhường nào. Đạn quân thù chưa chắc đã khiến họ ngã xuống trong chiến đấu, nhưng “đạn bọc đường” trong thời bình thì thật đáng sợ vô cùng nếu chúng ta không tu dưỡng và rèn luyện không ngừng. Mất cán bộ tốt, có năng lực, được thử thách vì những sự sa ngã đáng tiếc như kể trên thì quả là điều thật đáng lo nếu Đảng muốn đất nước phát triển, thịnh vượng.