Dân Việt

Lạng Sơn: Vườn cam "thập cẩm" 3 miền hội tụ, quả sai trĩu cành

Mộc Trà 24/09/2019 13:05 GMT+7
Từ nhiều năm nay, ông Hoàng Kỳ Cuộc (SN 1958), thôn Ao Đẫu, xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) luôn cần mẫn chăm sóc vườn cam "thập cẩm" với nhiều giống cam ngon, từ cam đường Canh, cam Vinh, cam xoàn miền Nam...Ai cũng khen ông Cuộc trồng cam mát tay bởi cây nào cây nấy quả sai trĩu cành...

Được “mục sở thị” khu vườn trồng "thập cẩm" các giống cam rộng rãi ngay sau căn nhà kiên cố của ông Cuộc, PV Dân Việt mới tận mắt thấy cây nào, cây nấy quả sai lúc lỉu. Vào vườn cam đường Canh này, nhiều người không khỏi choáng ngợp trước hình ảnh hàng trăm cây cam sai trĩu rủ xuống đất Ông Cuộc bảo, vườn cam nhà ông đẹp nhất là khi quả chín, trông từ xa đỏ cả một vùng đồi.

img

Vườn cam đường canh sai lúc lỉu của gia đình ông Cuộc đang giai đoạn căng bóng sắp chín vàng cho thu hoạch.

Dạo một vòng quanh khu vườn đồi rộng hơn 2ha trồng các loại cây ăn quả, chúng tôi trở về ngôi nhà ngay giữa trung tâm vườn. Pha ấm trà nóng mời khách, ông Cuộc kể cho PV Dân Việt nghe về những năm tháng gian khổ ở chiến trường. Năm 1976, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ khi ấy lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu chống chiến tranh biên giới phía Bắc. Đến năm 1986, ông xuất ngũ trở về quê hương.

Ông Cuộc kể: Vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông, hiểu nỗi vất vả của công việc đồng áng, ruộng vườn nên ông luôn trân trọng công sức thành quả người nông dân. “Khi mới trở về địa phương, cuộc sống gia đình tôi rất vất vả, chỉ có mấy sào ruộng làm đủ ăn, không có thu nhập ổn định. Không cam chịu đói nghèo, tôi luôn trăn trở, nỗ lực tìm tòi, học hỏi để phát triển kinh tế gia đình”, ông Cuộc tâm sự.

img

Mặc dù đã ngoài 60 nhưng ông Cuộc vẫn rất khỏe và nhanh nhẹn nhờ cuộc sống vui vẻ, hằng ngày lấy vườn tược làm niềm vui.

Năm 2008, ông đã bàn với vợ con và quyết định phá toàn bộ diện tích cây vải không còn hiệu quả kinh tế để trồng hơn 300 cây mít bản địa. Sau một thời gian trồng, chăm sóc, cây mít phát triển tốt và rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở đây, hằng năm bán quả cũng có thu nhập vài chục triệu đồng.

Năm 2017, có người đến gặp ông tìm mua mít cây có thân to, tán rộng để mang về trồng làm bóng mát. Sau 1 hồi suy nghĩ, ông đã quyết bán hơn 200 cây mít thu về 800 triệu đồng, hiện ông Cuộc chỉ còn 100 gốc mít để bán quả mỗi năm.

img

Ngoài diện tích trồng cam đường canh, thì hiện tại vườn nhà ông Cuộc còn trồng bưởi diễn, cam xoàn..

Dù đã ngoài 60 nhưng tay chân ông vẫn rất thoăn thoắt, nhanh nhẹn cùng với đó là ý chí vượt khó làm giàu không bao giờ nản. Nhận thấy diện tích vườn đồi của gia đình còn nhiều, qua học hỏi từ bạn bè, người thân, ông biết cây cam đường Canh cho hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2012, ông đến huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên mua 600 gốc cam đường Canh về trồng. Với sự cần cù, chịu khó học hỏi, vườn cam đường Canh của gia đình ông phát triển tốt, sau 3 năm cây bắt đầu cho thu hoạch, mỗi năm gia đình ông đều thu được khoảng 5 tấn quả, thu nhập trên 100 triệu đồng.

Riêng năm 2018, nhờ những kinh nghiệm tích lũy được, vườn cam đường Canh của gia đình ông rất sai quả và cho thu hoạch được trên 10 tấn quả. Với giá bán từ 25.000- 30.000 đồng/kg, gia đình ông Cuộc có thu nhập khoảng 300 triệu đồng.

Theo kinh nghiệm trồng cam đường Canh của gia đình, ông Cuộc chia sẻ: Cam đường Canh là loại cây ăn quả khó tính nên người trồng phải chăm sóc rất công phu, áp dụng quy trình chăm sóc nghiêm ngặt. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất để cây ra được hoa là phải nắm bắt, theo dõi thời tiết. Trước khi trời rét đậm cần xử lý diệt một phần rễ và khoanh gốc cam Canh. Lúc cây đậu quả non lại phải khoanh, tiện gốc một lần nữa để giữ quả…

img

Vườn cam xoàn hơn 1.000 gốc năm nay mới bắt đầu bói quả của gia đình ông Cuộc.

“Ban đầu lúc mới trồng, tôi cũng gặp không ít khó khăn và chán nản vì cây bệnh và chết nhiều. Nhưng sau khi đi học hỏi kinh nghiệm của các chủ vườn đã trồng, chăm sóc thành công cây cam đường Canh trên đất đồi Lục Ngạn (Bắc Giang), qua các lớp tập huấn kết hợp với việc đúc rút kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc, tôi mới làm chủ được kỹ thuật chăm sóc cây cam đường Canh”, lão nông cho hay.

Ông chia sẻ: “Sau mỗi vụ thu hoạch quả vào dịp Tết, tôi phải cắt tỉa cành khô đi, để lại những cành khỏe mạnh để năm sau cây cho quả tiếp và tiếp tục bón phân thúc,  phân hữu cơ, tạo điều kiện cho cây bù đắp lại chất dinh dưỡng sau một thời gian dài nuôi quả”. Hiện tại khu đồi hơn 2ha của gia đình ông Cuộc đang có hơn 500 gốc cam đường Canh đang chuẩn bị cho thu hoạch và hơn 1.000 gốc cam xoàn-giống cam ngon có gốc gác tận miền Tây mới bắt đầu bói quả.

img

Vườn cam đủ các loại từ cam canh, cam vinh, cam xoàn.. đều sai quả lúc lỉu.

Vườn cam đường Canh của ông cây nào cây nấy đều sai trĩu quả, nên ông phải mua cây làm gậy chống cho cây, tránh gãy cành. Nhiều người “trót lạc” vào vườn cam đường Canh của ông là chẳng muốn vể bởi vẻ đẹp của vườn cây xanh mướt, trĩu quả nơi đây.

Ngoài ra, gia đình ông Cuộc hiện còn có 200 gốc nhãn đã cho thu hoạch năm thứ ba, mỗi năm thu về gần 10 triệu đồng. Năm 2017, gia đình ông đầu tư mua đất bùn ao để cải tạo diện tích đất vừa trồng cây mít và 300 cây bưởi Diễn, bưởi da xanh, hồng xiêm…

Phát huy phẩm phất bộ đội Cụ Hồ, ông Cuộc đã không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên xây dựng mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương.