Chính phủ đã đồng ý tăng viện phí, BHYT sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi bệnh nhân và đảm bảo nguồn chi trả?
- Đây là 2 mục tiêu lớn mà chúng tôi đã đặt ra ngay khi đàm phán với Bộ Y tế về viện phí. Chúng tôi cương quyết phản đối chỉ tăng viện phí mà không tăng chất lượng khám chữa bệnh và Bộ Y tế phải có hành động để thực hiện điều này.
Tăng viện phí, Bảo hiểm xã hội VN sẽ phải chi thêm khoảng 6.000-7.000 tỷ đồng cho người bệnh có bảo hiểm. |
Ngoài ra, Bộ Y tế phải đảm bảo có tăng giá thì sẽ có giảm giá. Lần điều chỉnh này có gần 400 dịch vụ y tế tăng giá nhưng cũng có 5 dịch vụ giảm giá. Ví dụ như dịch vụ chụp CT scan- đây là dịch vụ chẩn đoán hình ảnh bị lạm dụng nhiều nhất (năm 2011 xuất toán hơn 10 tỷ đồng). Mức giá quy định là từ 300.000-1 triệu đồng. Mức 1 triệu đồng là tối đa dành cho dịch vụ có sử dụng thuốc cản quang. Giờ phân định rõ bệnh nhân mức độ nào được chụp cản quang, mức độ nào thì không. Và mức giá cao nhất sẽ giảm chỉ còn 800.000 đồng.
Về đảm bảo nguồn chi trả, theo tính toán năm 2011, BHYT thu được 29.729 tỷ đồng, chi hơn 22.000 tỷ đồng cho 114 triệu lượt người khám chữa bệnh. Sau khi cân đối thu chi dự kiến năm 2011 sẽ có kết dư tương đương với năm 2010 (3.500 tỷ đồng).
Chính phủ đồng ý tăng viện phí, nghĩa là phần chi sẽ tăng khoảng 6.000-7.000 tỷ đồng, trong khi dự kiến thu năm 2012 sẽ là 37.000 tỷ đồng. Như vậy, dù có tăng viện phí thì khả năng kết dư năm 2012 vẫn còn. Ngoài ra, BHYT còn có quỹ dự phòng. Vì vậy, năm 2012 chúng tôi chưa tính tới phương án tăng mức đóng BHYT lên 5% (hiện nay là 4,5% lương tối thiểu).
BHXH sẽ làm gì để giám sát việc lạm dụng BHYT khi viện phí tăng, thưa ông?
- Việc đầu tiên chúng tôi làm sẽ là thay đổi phương pháp giám định, theo đó sẽ chọn một số hồ sơ ngẫu nhiên để kiểm tra sai sót và lấy xác suất sai sót đó tính cho tổng số hồ sơ.
Biện pháp này đã áp dụng thí điểm tại TP.HCM từ 2009. Năm đầu tiên, xác suất sai sót là 2%. TP.HCM có mức chi BHYT hàng năm rất lớn, khoảng 3.000 tỷ đồng, xuất toán (bệnh viện phải trả lại số tiền đã thu sai) 2% ấy, tương đương là 6 tỷ đồng.
Năm sau, các bệnh viện buộc phải làm chặt hơn nên tỷ lệ sai sót chỉ còn 1%. Nếu áp dụng rộng rãi trong cả nước thì chúng ta có thể giảm tới 50% sai sót, lạm dụng khi thanh toán BHYT.
Cuối tháng 2.2012, tăng 400 dịch vụ y tế
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế mà liên Bộ Y tế - Tài chính - Bộ LĐTBXH và Bảo hiểm xã hội Việt Nam soạn thảo và thống nhất. Theo đó, 400 dịch vụ y tế sẽ tăng giá, từ khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 2012. Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của người dân.
Vấn đề mà BHYT đau đầu nhất là lạm dụng xét nghiệm, gây nhiều lãng phí. Viện phí tăng, mức lãng phí này cũng sẽ tăng tương ứng. Vậy BHXH VN sẽ kiểm soát thế nào?
- Thực tế hiện nay có tình trạng, tuyến dưới xét nghiệm ra kết quả khác, tuyến trên xét nghiệm ra kết quả khác vì máy móc, kỹ thuật khác nhau.
Tuy nhiên, để tránh bệnh nhân đi 3 tuyến phải làm 3 xét nghiệm giống nhau gây lãng phí, chúng tôi đã đề xuất ngành y tế có lộ trình thực hiện việc chuẩn xét nghiệm, phải có trung tâm kiểm định, chuẩn hoá phương tiện, nhân lực trong xét nghiệm, tiến tới mỗi xét nghiệm phải có chứng chỉ công nhận chuẩn.
Có chuẩn rồi thì lúc đó người ta mới công nhận kết quả của nhau. Còn BHYT chỉ có thể làm được việc là nếu xét nghiệm quá trần thanh toán thì xuất toán và can thiệp về mặt chính sách để các bệnh viện có trách nhiệm hơn với các chỉ định xét nghiệm.
Xin cảm ơn ông!
Lê Huyền - Minh Nguyệt (thực hiện)