Nói điểm ưu là vì trước đó, cũng chính quan chức của Bộ GTVT khăng khăng giữ quan điểm rằng doanh nghiệp (DN) trong nước không “mặn mà”, nói đúng hơn là không đủ khả năng để tham gia đầu tư, chỉ DN nước ngoài, mà nói thẳng luôn là DN Trung Quốc. Cân phân mà nói thì trong chuyện làm ăn, chẳng có DN của nước nào là tuyệt đối chuẩn, tốt, làm đâu ra đấy. DN của Trung Quốc cũng vậy, họ muốn tồn tại và phát triển thì cũng phải làm cho tốt, uy tín.
Nhưng sở dĩ dư luận phản ứng mạnh mẽ với quan điểm trước đây của ngành GTVT, là bởi ở nước ta từ trước đến nay, DN Trung Quốc thắng thầu rất nhiều công trình quan trọng, vốn lớn, nhưng rồi nhiều công trình để lại vô vàn hệ lụy, mà hệ lụy nhất là đội vốn, chậm trễ và có vấn đề về chất lượng.
Dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: TEDI
DN Trung Quốc thắng thầu vì giá rẻ là chính, nhưng khi vào hồi kết của các công trình thì cái sự rẻ ấy chẳng thấm vào đâu so với việc đội vốn. Trong khi đó, có những DN trong nước đã chứng minh được khả năng thi công chất lượng, thậm chí công khai “thách đấu”, nhưng cơ hội rất khó đến tay chỉ vì… vốn nhỏ.
Nhưng lần này, với 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, DN trong nước sẽ có cơ hội “thi triển công phu” - điều mà cách đây chưa lâu còn là chuyện xa vời. Dù vậy, với những thông tin đã phát đi từ Bộ GTVT thì vẫn có thể hiểu là nếu đã đấu thầu rộng rãi trong nước mà rốt cuộc vẫn không lựa chọn nhà đầu tư nào trong nước, hoặc là có nhưng không gánh vác đủ, thì tình thế vẫn có thể xoay chiều, vì công trình vẫn phải làm.
Nói thế để thấy, dù đã ghi được điểm ưu hiếm hoi sau rất nhiều điểm liệt, thì chính Bộ GTVT cũng cần cố gắng hơn nữa để tạo điều kiện cho các DN trong nước được thực sự tham gia ứng thí một cách minh bạch và sòng phẳng.
Minh bạch và sòng phẳng là điều vốn không dễ, nhất là trong lĩnh vực giao thông xưa nay ở nước ta. Muốn thế thì Bộ GTVT, với vai trò và chức năng của mình, rất cần tham mưu để đưa ra các chính sách cần và đủ thông thoáng để các DN trong nước có cơ hội tối đa để tham gia.
Lấy ví dụ là vốn, các DN đã nói rõ tỉ lệ vốn để tham gia là một cửa ải đối với họ, nhưng họ có đủ khả năng thi công chất lượng. Vậy thì đâu là bài toán của Bộ GTVT để “Vừng ơi mở cửa” cho họ? Bởi rốt cuộc thì đổ vào công trình là tiền của dân, của nước, chứ không phải của DN nào cả. Rồi thì dư luận không biết thực hư đến đâu về những doanh nghiệp sân sau, về những tỉ lệ phần trăm đương nhiên “lại quả”...
Những việc đó không phải là những bài toán quá khó, song thực sự thì không hoàn toàn dễ hóa giải. Nhưng đấy chính là những cơ hội để Bộ GTVT lấy lại niềm tin trong dư luận. Vấn đề còn lại là sau khi đã rất mạnh dạn trong việc “điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước”, về ý chí là đã rất tốt, thì về thực tiễn sẽ thế nào? Xin trông chờ vào chính hành động cụ thể của Bộ GTVT, mà trực tiếp là vị tư lệnh của ngành - ông Nguyễn Văn Thể!