Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn do vướng mắc 1% khối lượng công việc dẫn tới nhiều lần lỡ hẹn chưa có ngày vận hành, nguyên nhân dẫn tới những hệ luỵ này, đã được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc sử dụng vốn, quản lý của Bộ GTVT đang gây ra nhiều trang cãi.
Trước những sai phạm được KTNN chỉ ra, Ban QLDA đường sắt (Bộ GTVT) thông tin, dự án lỡ kế hoạch chạy tàu vào tháng 4/2019 là do vướng mắc về 1% khối lượng công việc không hoàn thành. Trong 1% khối lượng công việc này chủ yếu là hoàn thiện mỹ quan và lắp đặt nốt thiết bị ở 1 số đơn thể khu Depot.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông còn 1% khối lượng công việc chưa hoàn thành.
Trong đó, các hạng mục công trình xây dựng đã hoàn thành đang được chỉnh trang hoàn thiện mỹ quan; hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công; thủ tục nghiệm thu. Đưa về công trường các phương tiện phục vụ vận hành, duy tu bảo dưỡng, cứu hộ...
Ngoài ra, dự án vẫn còn phải lắp đặt hoàn chỉnh một số thiết bị còn thiếu hoặc thay thế các thiết bị có sai sót, hư hỏng do vận chuyển trước đây phải khắc phục (một số máy chủ hệ thống phụ trợ của hạng mục thông tin, bán vé tự động, máy móc dụng cụ cho sửa chữa, duy tu bảo dưỡng đoàn tàu).
Cùng với đó, thử nghiệm, đánh giá an toàn phục vụ nghiệm thu các hạng mục thiết bị chuyên ngành. Đồng thời, vận hành thử toàn hệ thống để kiểm chứng hoạt động của thiết bị và đánh giá độ sẵn sàng của hệ thống, nhân sự vận hành. Nhìn chung 1% khối lượng công việc khá phức tạp và mất nhiều thời gian, phải thử nghiệm và thực hiện căn chỉnh.
Ban QLDA đường sắt cho biết, đã yêu cầu tổng thầu khẩn trương, tập trung thực hiện với yêu cầu chất lượng, an toàn là trên hết, không được để xảy ra sai sót. Đặc biệt, là các thử nghiệm, đánh giá an toàn đoàn tàu, hệ thống điều khiển chạy tàu tự động.
Được biết, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng đã có văn bản phản hồi về những kết luận của KTNN và gửi văn bản tới Thủ tướng về những vấn đề trên.
Cụ thể Bộ GTVT không đồng tình với kết luận của KTNN chỉ ra, dự án có tổng mức đầu tư là 18.001 tỉ đồng (sau điều chỉnh) tăng từ mức phê duyệt ban đầu là 8.769 tỉ đồng, tăng 205% mà Bộ GTVT không báo cáo Thủ tướng, không trình Quốc hội là sai Luật Đầu tư công và Nghị quyết 49 của Quốc hội. Luật Đầu tư công quy định các dự án công sử dụng 10 ngàn tỉ đồng vốn trở lên, thuộc dự án trọng điểm quốc gia là phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và Thủ tướng ra quyết định. Nhất là khi dự án kéo dài thực hiện dự án từ 1 năm trở lên (thực tế đã kéo dài hơn 5 năm và đến nay chưa thể đi vào khai thác) Chính phủ phải báo cáo Quốc hội.
Đối với kết luận trên, Bộ GTVT cho rằng, đã thực hiện đúng các quy định của luật. Trong quá trình thực hiện dự án, Bộ GTVT đã hai lần thay mặt Thủ tướng báo cáo tại Quốc hội về dự án tại các kỳ họp cuối năm 2015 và 2018. Đồng thời, thừa nhận việc cho phép Ban quản lý dự án giao cho nhà thầu phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự án là không đúng quy định như KTNN đã chỉ ra, dự toán sai khối lượng, sai đơn giá và các chế độ khác.
Về việc dự án chậm thực hiện 5 năm so với kế hoạch, vượt tổng mức đầu tư quá lớn và chủ đầu tư tạo điều kiện cho nhà thầu Trung Quốc chỉ định thực hiện 13.751 tỉ đồng (chiếm 77%) tổng mức đầu tư, Bộ GTVT cũng thừa nhận đã vi phạm quy định, nếu thực hiện các kết luận nêu trên thì công trình vẫn chưa thể biết ngày đi vào vận hành...