Doanh nghiệp mong ngóng Thông tư “Made in VietNam”
Trong thời gian vừa qua, sau khi xảy ra nhiều vụ việc, nghi vấn liên quan đến hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ (Khải Silk, Asanzo,…), nhiều hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề bày tỏ hy vọng các cơ quan chức năng, nhà hoạch định chính sách sớm đưa ra tiêu chuẩn đối với hàng tiêu dùng nội địa.
Mới đây, Tổ công tác của Thủ tướng đã có buổi làm việc với các hiệp hội ngành hàng nhằm lắng nghe các kiến nghị về đẩy mạnh phòng chống gian lận thương mại, xuất xứ. Bên cạnh đó, tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Tại buổi làm việc, đại diện các hiệp hội ngành hàng khẳng định trong thời gian qua, các cơ quan cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động xuất nhập khẩu. Đối với những mặt hàng dấu hiệu gian lận thương mại, xuất xứ phải điều tra và xử lý nghiêm.
Cần sớm ban hành quy định xác định nguồn gốc xuất xứ, tránh tình trạng lợi dụng thương hiệu Việt Nam để trục lợi.
Ngoài ra, đại diện các Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Da giày, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản… cũng kiến nghị Bộ Công Thương sớm hoàn thiện hơn dự thảo quy định về "Made in Việt Nam". Qua đó, ban hàn tiêu chí rõ ràng, cụ thể để làm cơ sở xác định hàng hóa xuất xứ tại Việt Nam.
Mặt khác, các đại biểu cũng đánh giá, tiêu thụ điện năng là một yếu tố rất quan trọng để xác định một cơ sở có sản xuất thực tế hay chỉ nhập hàng về rồi dán tem mác, cũng là một yếu tố chứng minh năng lực sản xuất của cơ sở đó đến đâu.
Ngoài ra, tiêu chuẩn, quy định về hàng “Made in VietNam” cũng phải phù hợp với thị trường quốc tế, tránh tình trạng cả thế giới công nhận nhưng tự Việt Nam phủ nhận là hàng của mình.
“Cơ quan soạn thảo cần lưu ý tới khả năng sẽ có những mặt hàng của chúng ta đạt tiêu chí xuất xứ Việt Nam theo quy định của nước ngoài, nhưng lại không đạt tiêu chí theo quy định đang được Bộ Công Thương xây dựng.” Hiệp hội Thép Việt Nam cảnh báo.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, những bất cập trong quy định về cách ghi nhãn hàng hiện tại khiến hàng nghìn doanh nghiệp rơi vào tình cảnh “không lối thoát”. Do đó, cần sớm sửa đổi các quy định sẵn có, ban hành các tiêu chuẩn, hướng dẫn cụ thể cách xác định nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
“Theo tôi, vấn đề bất cập từ nghị định 43 nằm trong các quy định về hàng hóa sản xuất, chế biến, lắp ráp tại Việt Nam không được hướng dẫn kỹ. Thông tư mới đi giải thích cho quy định bất cập bao nhiêu năm nay nhưng theo tôi mới chỉ đạt một nửa, vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng giá trị gia tăng để ở mức 30 hay 50% không quan trọng, vấn đề mấu chốt là luật đã bắt buộc phải ghi nhãn hàng thì phải giải thích cụ thể. Hiện tại, quy định lại cho doanh nghiệp tự lựa chọn nhưng khi có vấn đề lại không biết phân xử thế nào, điều này ảnh hưởng đến việc sống còn của gần nửa triệu doanh nghiệp trên cả nước.” Luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ.
Sẽ không sử dụng cụm từ hàng “xuất xứ Việt Nam”
Mới đây, các lãnh đạo Bộ Công Thương có buổi trao đổi với các doanh nghiệp, đại diện các hiệp hội, ngành hàng dự thảo thông tư "Quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam".
Tại buổi trao đổi, ông Trần Quốc Khánh, thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết thông tư này không cho phép doanh nghiệp ghi lên bao bì sản phẩm cụm từ "xuất xứ Việt Nam" vì đây là khái niệm rất dễ gây nhầm lẫn.
"Một sản phẩm đáp ứng xuất xứ chưa chắc là một sản phẩm được xem là sản xuất tại Việt Nam, chưa kể nhiều trường hợp dù nước ngoài đã thừa nhận là sản phẩm "xuất xứ Việt Nam" nhưng chưa chắc đã là sản phẩm sản xuất tại Việt Nam theo đúng quy định của thông tư này", ông Khánh nói.
Chưa có cách xác định nguồn gốc xuất xứ hàng hóa cụ thể, vụ việc nghi vấn tập đoàn Asanzo gian lận khó có hồi kết.
Ngoài ra, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương thông tin thêm, thông tư này áp dụng cho hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam nên ngôn ngữ thể hiện bắt buộc phải là tiếng Việt.
Thay vì sử dụng cụm từ "Made in Vietnam", các doanh nghiệp phải sử dụng một trong các thuật ngữ như sản phẩm của Việt Nam, sản phẩm Việt Nam, hàng hóa của Việt Nam, hàng Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam...
Tuy nhiên, việc chỉ được sử dụng duy nhất một trong số các thuật ngữ được đưa ra trong thông tư khiến nhiều đại diện doanh nghiệp lo ngại vì nhiều trường hợp không thể hiện được hết ý nghĩa. Bên cạnh đó, vấn đề phát sinh thủ tục hành chính cũng được các doanh nghiệp hết sức quan tâm.
Ông Nguyễn Văn Dưng, chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM, bày tỏ lo ngại: “Việc nhập khẩu vàng, dập thành vàng miếng, đóng logo thương hiệu liệu có được xem là hàng Việt Nam? Hay việc sản xuất, chế tác vàng nhập khẩu bởi các người chế tác Việt Nam thì được quy định ra sao nếu thông tư này áp dụng?”
Bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM cho biết thêm, thông tư sẽ có tác động tích cực đối với doanh nghiệp Việt, giúp hàng hóa rõ ràng, minh bạch. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng phải đảm bảo không phát sinh thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Ngoài ra, các chuyên gia, cũng đánh giá, dự thảo thông tư vẫn chưa chặt chẽ, cần lấy thêm ý kiến, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng doanh nghiệp “ghi cũng chết, không ghi cũng chết”.