Dân Việt

Cà Mau: Dân nuôi loài sò này phát tài nhưng lại "khát"nơi thả giống

Phong Phú 15/10/2019 19:15 GMT+7
Trong 16 tổ hợp tác (THT) và 2 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động hiệu quả ở Đông Thới, có đến 5 THT và 1 HTX nuôi sò huyết mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Chính vì thế, nhiều năm qua Đông Thới trở thành vùng cung cấp sò thịt cho thị trường lớn nhất huyện Cái Nước (Cà Mau), ước tính trung bình 1,1 tấn sò thịt/ha mỗi năm. Với sản lượng này, sau khi trừ chi phí người nuôi lãi 180-200 triệu đồng.

Nuôi sò huyết-Nghề đổi đời

Ông Mai Văn Vinh, ấp Kinh Lớn, xã Đông Thới, cho biết, ông có 7 năm kinh nghiệm nuôi sò huyết trên vuông tôm, khi nuôi sò huyết vẫn đồng thời thả nuôi tôm sú, thẻ và cua. “Nghĩa là trên cùng một diện tích ao đầm vẫn nuôi nhiều loài có giá trị kinh tế mà chúng ít ảnh hưởng nhau. Do đó, lợi nhuận hàng năm đem về cao, ít rủi ro”, ông Vinh cho biết.

Ông Vinh nhẩm tính: "Mỗi năm thả chừng 20 kg sò giống loại nhỏ (9-10 ngàn con/kg), đó là phần để dành tích luỹ khi thu hoạch bởi thời gian nuôi sò kéo dài khoảng 8 tháng/vụ. Còn lại cứ mỗi tháng thả thêm ít ngàn tôm giống, vài ngàn con cua để có cua, tôm thu hoạch hàng ngày, đó là phần để xoay xở, chi tiêu".

img

Sò huyết đang là loài nuôi cho thu nhập cao, được người dân ở Đông Thới nuôi đại trà.

Giống như ông Vinh, ông Mai Văn Màng, ấp Kinh Lớn cũng ăn nên làm ra từ nghề nuôi sò huyết kết hợp tôm, cua. Ông Màng cho hay, thu nhập 200-300 triệu đồng mỗi năm từ sò huyết là chuyện không còn xa lạ đối với nhiều hộ dân ở ấp Kinh Lớn này.

Hộ nào cũng thả nuôi, thường thả giống vào khoảng tháng Chạp và ra Giêng, đến tháng 8, tháng 9 thu hoạch. “Theo thời vụ nuôi này thì vụ thả nuôi cua để bán tết hàng năm không bị động. Do đó, tết vừa có cua bán giá cao, vừa thu hoạch sò huyết nên cuộc sống rất ổn”, ông Màng chia sẻ.

Từ năm 2009, khu vực ấp Kinh Lớn đã thành lập THT nuôi sò kết hợp tôm, cua với tên gọi THT Nuôi cua 2/9 với 19 tổ viên. Đây là 1 trong 16 THT hình thành sớm nhất và làm ăn hiệu quả nhất ở Đông Thới. Chủ tịch UBND xã Đông Thới Bùi Hoàng Vũ cho biết, xã hiện có 530 ha mặt nước được bà con tận dụng nuôi sò huyết và cho năng suất ổn định.

Nghề nuôi sò huyết ở xã đã hình thành từ sau chuyển dịch sản xuất (năm 2001-2002), đến khi phát huy hiệu quả cao đã được bà con nhân rộng. Giờ có 4/5 ấp trong xã có hộ nuôi sò huyết thương phẩm, sản lượng cao: Khánh Tư, Nhà Thính B, Mỹ Điền, Kinh Lớn.

“Khát” vùng ươm giống

Sò huyết được bà con mua giống từ vùng khác về thuần lại để thả nuôi trong vuông tôm. Anh Trần Văn Tuấn cho biết, nếu thả giống vào tháng 3 âm lịch thì mua sò giống khu vực Cái Cám (xã Tân Hải, huyện Phú Tân). Thả vào độ tháng 8 thì mua sò khu vực phía Gành Hào, Tân Thuận. Thả cận tết thì mua giống ở khu vực Bạc Liêu, Kiên Giang…

Nghĩa là, tuỳ vào con nước ngoài biển và dòng chảy hình thành các bãi sò giống, khi ấy ngư dân khai thác giống (đủ kích cỡ) để bán lại cho người nuôi. Giá sò giống cũng dao động như giống tôm, cua tuỳ vào kích cỡ con giống.

Với kinh nghiệm lâu năm trong lựa giống và dèo ươm giống sò trước khi thả nuôi, anh Mai Văn Vinh bộc bạch: “Phải lựa con giống đều, sau đó dèo lại cho quen với vùng nước khoảng 2 tháng rồi mới chuyển vào vuông tôm. Nếu thả loại 9-10.000 con giống/kg, sau 2 tháng thuần, sò có thể lớn gấp nhiều lần, khoảng 850 con/kg”.

Tuy nhiên, những hộ nuôi sò huyết lại gặp vấn đề khó, đó là vùng dèo sò giống. Anh Mai Văn Màng cho hay: "Tôi và anh Vinh cùng bắt giống một lượt, tôi dèo giống trong vuông tôm, anh Vinh dèo ở mé sông.

Sau 2 tháng sò giống của anh Vinh tăng trọng gấp 7-8 lần, trong khi sò giống của tôi chỉ tăng gấp đôi. Nói thế để thấy sự chênh lệch rất lớn, bởi dèo khu vực mé sông, nguồn nước luôn động nên sò phát triển mạnh, ít hao hụt, trong khi vuông tôm nước đứng nên sò chậm lớn.

Kinh nghiệm này được những hộ nuôi sò ở Đông Thới kiến nghị đến Chủ tịch UBND xã và lãnh đạo UBND, ngành chức năng huyện Cái Nước. Bởi khi họ dèo sò khu vực mè sông thì lại vi phạm quy định của tỉnh về khơi thông dòng chảy, thông luồng, thông tuyến.

Cuối tháng 7 vừa qua, tại cuộc tiếp xúc giữa cử tri với đại biểu HĐND tỉnh, các hộ nuôi sò đã đề đạt nguyện vọng được xem xét quy hoạch vùng dèo hợp lý và hiệu quả.

Anh Vinh nhẩm tính: "Nếu 1 hộ ở đây chỉ có vài công đất để nuôi tôm, cua thì khó cho thu nhập cao. Nhưng chỉ cần có chỗ dèo sò nơi mé sông, vừa nuôi vừa bán lại thì huê lợi rất lớn.

Ông Bùi Hoàng Vũ cho hay: "Ý kiến của bà con xuất phát từ kinh nghiệm và thực tiễn, tuy nhiên giờ lại phạm vào quy định chung. Do đó, rất cần sự tháo gỡ đặc thù của cơ quan chức năng, có thể xem xét quy hoạch vùng để dèo, thuận lợi nhất là khu vực gần nhà của người nuôi. Hầu hết bà con đều cam kết sẽ đảm bảo vùng dèo không ảnh hưởng lớn đến lưu thông của giao thông thuỷ về đêm, đều có mắc đèn báo hiệu./.