Ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, Tổng công ty Bảo hiểm PVI (PVI) là doanh nghiệp bảo hiểm có cấp đơn bảo hiểm cháy, nổ cho Rạng Đông.
Công ty Rạng Đông được bồi thường bảo hiểm cháy nổ khoảng 150 tỷ đồng
Theo ước tính, số tiền bảo hiểm là 450 tỷ đồng, ước số tiền bồi thường thuộc phạm vi bảo hiểm khoảng 150 tỷ đồng. Con số này cũng đương đương với mức thiệt hại mà Công ty Rạng Đông đã ước tính sau vụ cháy. Trong đó sản phẩm đèn huỳnh quang là 480.000 chiếc, đèn tròn 2 triệu chiếc và bóng đèn HQ compact 1,6 triệu chiếc.
Công ty Rạng Đông có thể được bảo hiểm bồi thường 150 tỷ đồng sau thiệt hại vụ cháy
Hiện nay, PVI đang phối hợp với các bên có liên quan để xác định thiệt hại, thu thập chứng từ, tài liệu có liên quan để làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật.
Được biết, đám cháy nhà kho Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông (số 87-89 phố Hạ Đình, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) bùng phát lúc 18h ngày 28/8, kéo dài suốt 5 tiếng.
Nguyên nhân của vụ cháy được xác định do sự cố điện ở bảng mạch điện tử của bóng đèn chiếu sáng đèn Led tại vị trí cách vách tôn phía Đông Bắc khoảng 7m và cách vách tôn phía Tây bắc 3,4m bên trong tầng 2 của kho bán thành phẩm, làm cháy các chi tiết bên trong của bóng đèn Led, sau đó cháy lan ra xung quanh, dẫn đến vụ cháy nói trên.
Ai bồi thường cho người dân?
Về vấn đề bảo hiểm cháy nổ tại Công ty Rạng Đông, luật sư Bùi Quốc Tuấn, đoàn luật sư TP.HCM, cho biết theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 23/2018/NĐ-CP, cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở trong danh mục nguy hiểm về cháy, nổ phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp của công ty Rạng Đông, nếu công ty này mua bảo hiểm cháy nổ của PVI thì PVI sẽ có trách nhiệm chi trả cho Rạng Đông những khoản thiệt hại liên quan đến vụ cháy nằm trong điều khoản và giá trị của hợp đồng bảo hiểm giữa 2 bên. Theo như con số đưa ra ở trên là khoảng 150 tỷ đồng.
Đây cũng không phải là trường hợp đầu tiên được chi trả bảo hiểm cháy nổ, trước đó đã có không ít công ty nhận được bồi thường bảo hiểm cháy nổ. Đơn cử như, Bảo hiểm Bảo Minh đã phải chi trả 243 tỷ đồng cho vụ hỏa hoạn xảy ra tại kho chứa nguyên liệu thuốc lá của Công ty cổ phần Ngân Sơn (NST) vào ngày 19/8/2015 tại Khu công nghiệp Tiên Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Vụ cháy đã làm tổn thất khoảng 4.000 tấn nguyên liệu thuốc lá, thành phẩm lá đã tách cuống, ước tính theo giá gốc là 313 tỷ đồng; kho lạnh thành phẩm và kho nguyên liệu bị hư hại kết cấu thiệt hại 3,7 tỷ đồng…
Hay như vụ cháy của Công ty Meiko Eletrics Việt Nam tại Hà Nội năm 2012, doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường 520 tỷ đồng. Vụ cháy ở Công ty Thaco Trường Hải tại Quảng Nam năm 2016 đã bồi thường khoảng 340 tỷ đồng; vụ cháy ở Công ty Kwong Lung Meko đầu năm 2017 tại Cần Thơ ước bồi thường khoảng 396 tỷ đồng...
Luật sư Bùi Quốc Tuấn, đoàn luật sư TP.HCM
Không được bồi thường, dân có thể khởi kiện Rạng Đông?
Nhà máy Rạng Đông cháy, doanh nghiệp được bồi thường thiệt hại, vậy còn những người dân sống xung quanh đấy, trong bán kính 1km cũng chịu tổn thất lớn về sức khoẻ, ô nhiễm môi trường, chi phí di cư đi nơi khác lánh nạn, thậm chí cả là những ảnh hưởng sau này về sức khoẻ thì ai sẽ đứng ra bồi thường cho họ?
Theo luật sư Tuấn, có 2 trường hợp: Thứ nhất, nếu như hợp đồng bảo hiểm giữa PVI và công ty Rạng Đông là loại hợp đồng bảo hiểm cho bên thứ 3 (thiệt hại ngoài hợp đồng), ở đây bao gồm toàn bộ người dân xung quanh, tài sản xung quanh, tài sản và người đi lại quanh khu vực vụ cháy của công ty Rạng Đông bị thiệt hại về thân thể, tính mạng, tài sản có liên quan…
Trong trường hợp này, những thiệt hại về người và tài sản đối với bên thứ ba, công ty bảo hiểm (PVI) sẽ thay mặt doanh nghiệp để bồi thường cho bên thứ ba về thịêt hại thực tế phát sinh.
Trước đó, trong vụ cháy Chung cư Carina vào tháng 3/2018, ngoài nhà bảo hiểm PVI bảo hiểm 3 hạng mục cho khu chung cư thì PTI cũng đã chi trả bồi thường cho 5 khách hàng tham gia mua bảo hiểm với số tiền hơn 100 triệu đồng/khách hàng trong vòng vài ngày sau khi xảy ra vụ cháy. Đây là một ví dụ điển hình.
Nhiều người dân "thiệt hại" sau vụ cháy
Trường hợp thứ 2, hợp đồng bảo hiểm giữa Công ty Rạng Đông và PVI không đề cập tới bên thứ 3, có nghĩa là PVI sẽ không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh do gây thiệt hại về tài sản và tính mạng, sức khỏe của người thứ ba liên đới do vụ cháy gây ra.
Trong trường hợp này, người dân có thể tập hợp những thiệt hại do vụ cháy gây ra vào yêu cầu công ty Rạng Đông bồi thường. “Nếu công ty Rạng Đông không bồi thường, người dân hoàn toàn có thể khởi kiện”, vị luật sư này cho hay.
Còn theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm, riêng với những trường hợp người dân chứng minh được thiệt hại về sức khỏe cũng như tài sản vụ cháy gây ra nếu mua bảo hiểm khác cho các tài sản như bảo hiểm nhà, bảo hiểm xe và bảo hiểm sức khỏe thì sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả số tiền bồi thường cho các thiệt hại liên quan đến tổn thất, mà chưa cần chờ đến kết luận điều tra của cơ quan chức năng.
Vì theo quy định của các hợp đồng bảo hiểm, những tổn thất xảy ra từ nguyên nhân khách quan sẽ thuộc phạm vi bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất này. Sau khi bồi thường cho khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ nhận “thế quyền” của khách hàng để đi đòi bồi thường từ các công ty hoặc cá nhân gây ra thiệt hại.