Dân Việt

Bán phân bón giả, kém chất lượng, 4 cửa hàng ở Củ Chi bị phạt

Thục Anh 27/09/2019 14:35 GMT+7
4 cửa hàng buôn bán phân vô cơ với hai mẫu phân bón kém chất lượng và một mẫu phân bón giả tại huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) đã bị xử lý vi phạm hành chính trong 8 tháng đầu năm 2019.

Giám sát sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

Trong 8 tháng đầu năm 2019, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Củ Chi, TP.HCM đã kiểm tra 26 cửa hàng (trong tổng số 78 cửa hàng của toàn huyện) kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và giống cây trồng.

Sau khi lấy mẫu, đem phân tích chất lượng gồm 13 mẫu thuốc bảo vệ thực vật, 14 mẫu phân bón, 4 mẫu giống, các cơ quan chức năng phát hiện 4 cửa hàng buôn bán phân vô cơ kém chất lượng. Trong đó có 2 mẫu phân bón kém chất lượng và một mẫu phân bón giả.

Trường hợp mẫu kém chất lượng bị xử phạt vi phạm hành chính trên 14 triệu đồng. Trường hợp mẫu giả được giao cơ quan công an tiếp tục điều tra xử lý.

Đây là một trong những kết quả được UBND huyện thông tin nhân chuyến giám sát liên ngành do Hội Nông dân TP.HCM chủ trì hôm qua (26/9) về điều kiện thực hiện sản xuất kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp, thủy sản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp nông thôn, nông dân trên địa bàn huyện Củ Chi.

img

Người nhà ông Phạm Chí Tâm phân loại rau trước khi chuyển đi tiêu thụ. Ảnh: Thục Anh

Trong 8 tháng đầu năm, Củ Chi cũng đã lấy 190 mẫu rau trong vùng sản xuất đem phân tích kiểm tra chất lượng và chưa phát hiện mẫu rau vượt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Sản xuất an toàn, nông dân khỏe hơn, thu nhập tăng 30-40%

Cũng trong chuyến giám sát liên ngành này, nhiều nông dân chia sẻ, việc trồng trọt, chăn nuôi và chế biến an toàn đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho họ cả về kinh tế lẫn sức khỏe.

Ông Phạm Chí Tâm, chủ hộ nông dân tại ấp Bình Hạ Đông, xã Thái Mỹ cho biết từ ngày trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP (năm 2012, ông bắt đầu có giấy chứng nhận VietGAP), thu nhập từ nông nghiệp của gia đình ông tăng khoảng 30-40%.

Ông Tâm hiện có 5 ha trồng bí xanh, mướp hương và khổ qua. Dù chỉ có 8.000 m2 diện tích sản xuất được công nhận đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, nhưng tất cả diện tích còn lại ông Tâm vẫn áp dụng quy trình VietGAP cho đồng bộ. Các sản phẩm của ông một phần được đưa vào hợp tác xã bán cho siêu thị, một phần bán ngoài chợ đầu mối Hóc Môn.

Nhận xét sau quá trình giám sát, các thành viên của đoàn giám sát cho rằng nông dân hay người kinh doanh vật tư nông nghiệp dù đã có ý thức sản xuất sạch nhưng vẫn còn những việc làm chưa đúng quy định.

Bà Trần Thị Hường, chuyên viên Phòng Khoa học và công nghệ Sở NNPTNT TP.Hồ Chí Minh dẫn chứng, hộ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng thời gian gần đây lại không ghi nhật ký gieo trồng, bón phân… Khi kiểm tra một cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp tại xã Thái Mỹ, bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Trưởng ban An toàn thực phẩm TP thấy rằng cơ sở chỉ có hóa đơn mua bán mà không có hóa đơn thu mua chứng minh nguồn gốc của sản phẩm…

img

Làm theo đúng các quy định về BVTV cũng chính là cách để người nông dân bảo vệ mình.

Là người trực tiếp dẫn đầu đoàn giám sát, bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM cho rằng nông dân là những người đơn giản, ngại thủ tục, còn người kinh doanh các sản phẩm vật tư nông nghiệp ở địa phương đa số nhỏ lẻ và thiếu hiểu biết pháp luật, vì vậy việc tuyên truyền cho người dân làm theo các quy định về sản xuất an toàn là rất quan trọng.

"Cần để họ hiểu rằng làm theo đúng các quy định cũng chính là cách để bảo vệ mình. Đặc biệt nếu hỗ trợ tìm được đầu ra cho các phẩm sạch của họ thì chắc chắn họ sẽ sản xuất sạch.

“Nếu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap mà chỉ có thể bán được ở chợ truyền thống với giá rẻ như cũ thì tâm lý người nông dân thường sẽ bỏ VietGap”, bà Mai nói.