Có 3 doanh nghiệp đã vi phạm thiết kế đầu tư công suất nhà máy “không phù hợp với Giấy chứng nhận đầu tư”. Đó là chi nhánh Công ty Chinfon – nhà máy nghiền clinke Hiệp Phước (Giấy phép đầu tư do Ban quản lý khu công nghiệp – khu chế xuất TP.HCM (Hepza) cấp năm 2010, là 500.000 tấn/năm, nhưng năm 2017, cơ quan chức năng phát hiện công suất 784.000 tấn/nam – vượt 284.000 tấn/năm).
Kế đó là chi nhánh Công ty cổ phần xi măng Thăng Long: Dây chuyền thiết kế đăng ký 1,25 triệu tấn/năm, nhưng thực tế thiết kế lên tới 1,4 triệu tấn/năm (vượt 150.000 tấn/năm).
Đơn vị thứ ba là Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam – nhà máy Hiệp Phước. Siam có 2 dây chuyền thiết kế 500.000 tấn/năm (nhận chuyển nhượng từ Công ty Cotec từ năm 2008). Tuy nhiên, Siam đã nâng thiết kế lên tới 950.000 tấn/năm.
Theo UBND TP.HCM, qua thanh tra các nhà máy xi măng của Thanh tra Bộ Xây dựng, cũng phát hiện có 2 doanh nghiệp đã mắc vi phạm pháp lý về môi trường.
Trạm nghiền clinke tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM, của Công ty xi măng Chinfon. Ảnh: H.HTại Công ty xi măng Chinfon – chi nhánh TP.HCM, Hepza cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường (năm 2005) cho 3 dòng sản phẩm của công suất 500.000 tấn/năm. Nhưng, khi công ty nâng công suất lên 784.000 tấn/năm, thì không điều chỉnh cấp phép lại về tiêu chuẩn môi trường.
Tương tự, tại Công ty xi măng Siam City Cement Việt Nam, khi tự nâng công suất từ 500.000 tấn/năm lên 950.000 tấn/năm; Siam cũng không điều chỉnh giấy phép đăng ký về tiêu chuẩn môi trường.
Ngoài các chỉ đạo thực hiện xử lý các vi phạm hành chính của các “ông lớn” xi măng nói trên, UBND TP.HCM yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về chất lượng sản phẩm, hàng hoá xi măng được sản xuất, lưu thông và đưa vào sử dụng trong các công trình xây dựng trên địa bàn; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật khi phát hiện hành vi vi phạm.