Dân Việt

Thái Nguyên: Trồng rau sạch vừa ăn vừa bán, thu hơn 1 tỷ đồng/năm

Hà Thanh 30/09/2019 13:10 GMT+7
Với niềm đam mê nông nghiệp, anh Vũ Văn Mạnh (xóm Trại, xã Đông Cao, TX.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) - người sáng lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao đã ươm mầm cho những cánh đồng rau xanh bạt ngàn, không chỉ mang về thu nhập lớn cho gia đình mà còn giúp đỡ nhiều bà con trong vùng có thu nhập ổn định.

Đến thăm cánh đồng rau sạch của gia đình anh Vũ Văn Mạnh và một số hộ thành viên trong HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, PV Dân Việt được thỏa sức ngắm nhìn màu xanh mướt mắt của đủ các loại rau đang vào độ thu hoạch.

Vừa dẫn PV đi thăm khu ruộng trồng rau cải của gia đình, anh Mạnh vừa tâm sự: “Từ khi còn trẻ tôi luôn có đam mê với ngành nông nghiệp bởi vậy năm 1985 tôi đã quyết tâm thi đỗ vào trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Tuy nhiên, do nhà nghèo nên tôi phải bỏ học giữa chừng. Từ đó đến nay chưa khi nào tôi từ bỏ ý định sẽ gắn bó với nông nghiệp. Rồi cơ duyên giúp tôi đến với mô hình trồng rau sạch này cũng rất tình cờ”.

img

Anh Vũ Văn Mạnh dẫn PV Dân Việt đi thăm cánh đồng rau cải xanh mướt của gia đình mình. 

Anh Mạnh chia sẻ, trước đây gia đình anh từng trồng hoa để bán nhưng nhận thấy việc trồng hoa mang lại thu nhập không ổn định nên anh đã từ bỏ. Đến đầu năm 2017, những chuyến tham quan mô hình nông nghiệp ở Đông Anh (Hà Nội) đã thôi thúc anh thực hiện mô hình trồng rau sạch để cung cấp nguồn thực phẩm lớn, an toàn và đảm bảo chất lượng ra thị trường. Không chần chừ, đến tháng 5/2018, hai vợ chồng anh quyết định thành lập HTX rồi bắt tay vào thực hiện mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.

Trước đó, gia đình anh đã trồng rau trên diện tích khoảng 3 sào ruộng. Tuy nhiên từ sau khi thành lập HTX, anh bắt đầu mở rộng quy mô diện tích lên tới một mẫu(3.600m2).

Theo anh Mạnh, khi mới thành lập HTX, anh cũng gặp phải rất nhiều khó khăn do chưa có sự phân công hợp lý trong việc trồng các loại rau giữa những thành viên trong HTX. Sau này để đảm bảo đa dạng các loại rau và việc quản lý được thuận tiện dễ dàng, anh quyết định phân công mỗi hộ sản xuất chuyên về một loại rau nhất định.

img

Những luống rau xanh non mướt mắt với đủ các loại rau như rau cải, rau ngót, rau muống... được trồng trong nhà lưới có giàn che và hệ thống tưới nước tự động đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP.

Hiện tại, HTX của anh có 9 thành viên với diện tích trồng rau trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP là 1ha. Toàn bộ quy trình sản xuất rau cơ bản đều được thực hiện bằng máy móc từ khâu làm đất, lên luống đến tưới tiêu nước. Nhờ vậy đã tiết kiệm được nhiều thời gian, nhân công và sức lao động. Nếu như trước đây một người chỉ có thể làm được khoảng 2 sào rau, thì nay với sự giúp đỡ của máy móc, công nghệ hiện đại mỗi người có thể làm được tới 5 - 6 sào.

img

Chị Trương Thị Hoa - Thành viên tổ hợp tác đang tiến hành chăm sóc rau. 

Anh Mạnh cho biết gia đình anh chỉ chuyên về trồng các loại rau cải. Tuy nhiên khác với nhiều nơi, gia đình anh đã tự chủ động về giống. Việc tự làm rau giống sẽ giúp tiết kiệm nhiều chi phí, đảm bảo được chất lượng giống, không làm mất đi vị ngon của rau cải truyền thống.

Anh cũng chia sẻ, trồng rau cải thì khâu làm đất là vô cùng quan trọng. Trước khi làm đất phải tiến hành vãi vôi rồi cày lên, sau đó lại trộn một lần vôi vào đất rồi khoảng 3 ngày đảo lại, cho đến 7 ngày thì gieo giống.

Còn về phân bón, gia đình anh cũng tự sản xuất bằng việc mua phân gà về ủ với chế phẩm sinh học. Theo anh Mạnh, phân sẽ chỉ bón một lần duy nhất xuống dưới lòng đất sau khi làm đất và trước khi gieo hạt. Để phòng tránh sâu bệnh thì cần phun thuốc bảo vệ thực vật trước khi tiến hành làm đất. Thuốc trừ sâu sinh học để phun rau cải được gia đình anh Mạnh chế từ các loại thảo mộc như ớt, tỏi, gừng, rượu nên hoàn toàn không gây độc hại mà vẫn có hiệu quả trong việc diệt trừ sâu bệnh. Thông thường một lứa rau cải sẽ cần ba lần phun thuốc trừ sâu sinh học.

Đến công đoạn gieo hạt, để tránh mất công tỉa rau ở giai đoạn sau, trước khi gieo cần ngâm hạt trong nước cho hạt nở to rồi sau đó trộn với bột đá để đỡ dính tay khi gieo và tiết kiệm hạt giống. Đối với rau cải, thông thường trồng khoảng 9 lứa/năm. Thời gian để thu hoạch rau tính từ khi gieo giống mất khoảng 25 – 30 ngày tùy theo tình hình thời tiết.

img

Khu sản xuất rau giống của gia đình anh Vũ Văn Mạnh và các thành viên HTX giúp tiết kiệm nhiều chi phí cũng như đảm bảo được chất lượng giống.

img

Khâu làm đất là vô cùng quan trọng.

Theo anh Mạnh, để làm được rau sạch thì việc dùng thuốc bảo vệ thực vật không quan trọng bằng việc sử dụng nguồn nước sạch để tưới cho rau. Bởi vậy nguồn nước sử dụng cho cánh đồng rau của gia đình anh hiện tại đều là nguồn nước sạch bơm từ các giếng khoan tại chỗ, đã được kiểm nghiệm kỹ càng.

Ở thời điểm hiện tại, trung bình mỗi ngày gia đình anh Mạnh xuất bán ra thị trường Hà Nội và 2 trường học trên địa bàn xã từ 8 – 9 tạ rau cải, trong đó đơn vị thu mua đến tận ruộng lấy với giá 12.000đ đồng/kg. Tính thu nhập bình quân của gia đình anh Mạnh đạt 150 triệu đồng/tháng và doanh thu mỗi năm lên tới 1,2 tỷ đồng.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao do anh Mạnh sáng lập không chỉ bao tiêu sản phẩm cho tất cả các thành viên trong hợp tác với mức giá ký kết ổn định, mà còn thực hiện việc sản xuất rau giống bán ra thị trường với giá trị kinh tế cao. Ngoài giúp cho kinh tế gia đình anh Mạnh luôn ổn định, HTX rau sạch còn tạo công việc thường xuyên cho 4 lao động tại địa phương với mức lương từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.

img

Anh Mạnh đi kiểm tra chất lượng rau giống của gia đình mình.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đinh Văn Cường – Chủ tịch UBND xã Đông Cao cho biết: Năm 2016, thị xã Phổ Yên đã quy hoạch mô hình trồng rau an toàn trên diện tích 30ha ở xã Đông Cao. Sau một thời gian triển khai, đến nay đã thực hiện được 6,3ha theo tiêu chuẩn VietGAP với 33 hộ tham gia ở hai xóm Soi và xóm Trại.

Đến thời điểm này mô hình rau an toàn ở xã Đông Cao đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây là mô hình đem lại hiệu quả và thu nhập cao cho người dân gấp 5 lần so với trồng lúa. Ngoài trồng rau, HTX còn sản xuất rau giống bán ra thị trường với giá trị cao hơn nhiều lần sản xuất rau thương phẩm. Hiện nay xã đang tập trung mở rộng vùng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietgGAP để có thể cung cấp ra thị trường với số lượng lớn.