Dân Việt

Tái canh cây tỷ đô cà phê: “Cuộc đua đường trường”

Văn Long 28/09/2019 13:00 GMT+7
Tây Nguyên là vùng có diện tích cà phê lớn nhất cả nước, tập trung chủ yếu ở Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông và Kon Tum, vì vậy các tỉnh này cũng có diện tích tái canh cây cà phê lớn. Việc này luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp từ Trung ương đến địa phương nhằm phát triển cây trồng “tỷ đô”...

Đó là thông tin từ Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Tái canh và phát triển cà phê bền vững” được Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp  Sở NNPTNT Lâm Đồng tổ chức ngày 27/9.

Tái canh mạnh mẽ

Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), diện tích cà phê cả nước đến năm 2018 là gần 690.000ha. Trong đó, vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ có hơn 625.000ha. Riêng tại Tây Nguyên đã có đến 622.000ha với năng suất bình quân cà phê nhân đạt 2,6 tấn/ha.

Tuy nhiên, khu vực Tây Nguyên có tới 86.000ha cà phê vối đã già cỗi, trồng trên 20 năm (chiếm 13,8% tổng diện tích) và gần 40.000ha cà phê dưới 20 năm tuổi năng suất thấp, cần được tái canh, thay thế bằng các giống cà phê mới chất lượng.

img

Diện tích cà phê tái canh của tỉnh Lâm Đồng đến nay đã đạt 54.325ha.  Ảnh: V.L

"Công tác tái canh, ghép cải tạo cà phê  góp phần nâng cao đời sống của đại bộ phận dân cư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo cho nông dân ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc. Đồng thời tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn...”.

Ông Lại Thế Hưng

Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhận định: “Cà phê là cây dài ngày, vì vậy chương trình tái canh giống như cuộc đua đường trường, chúng ta phải phân phối sức lực, đồng hành cùng nhau, kết nối cung cầu, công nghệ để trở thành những hạt nhân trung tâm của chương trình tái canh cà phê bền vững”.

Tính đến cuối năm 2018, diện tích tái canh cà phê cả nước đạt 110.000ha (91% kế hoạch). Tổng diện tích cà phê trồng tái canh và ghép cải tạo tại Tây Nguyên đến năm 2019 là hơn 118.000ha. Trong các địa phương ở vùng này, tỉnh Lâm Đồng có diện tích trồng tái canh và ghép cải tạo cao nhất, hơn 58.000ha (đạt trên 127%, kế hoạch đến 2020 là 45.600ha).

Ông Lại Thế Hưng – Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng) cho biết, cây cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh, vì vậy, để góp phần nâng cao giá trị sản xuất cây cà phê, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện Chương trình tái canh, ghép cải tạo từ năm 2006 - 2012 bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau. Đến nay, riêng tái canh, toàn tỉnh đã thực hiện được 54.325ha.

Cũng theo ông Hưng, trong giai đoạn từ 2013 – 2018, Lâm Đồng đã thực hiện tái canh cải tạo cà phê với vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Trong đó, lớn nhất là nguồn vốn từ các doanh nghiệp hỗ trợ cho các chương trình đào tạo, tập huấn, tư vấn kỹ thuật và nguồn của người dân tự thực hiện với hơn 9.000 tỷ đồng.

Sau 6 năm thực hiện, chương trình đã giúp trẻ hóa vườn cây cà phê già cỗi, diện tích sâu bệnh, năng suất thấp không còn khả năng phục hồi, góp phần đưa năng suất cà phê của tỉnh từ 2,6 tấn/ha năm 2012 tăng lên 3,1 tấn/ha năm 2018.

Phát triển bền vững

Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Đăk Nông cho biết, các giống cà phê cho năng suất cao như TR4, TRS1 được đưa vào sản xuất đại trà đã thay thế dần các giống cũ năng suất thấp. Phương pháp cưa ghép cải tạo được áp dụng trên nhiều vườn cà phê già cỗi, vườn cà phê trái nhỏ, năng suất thấp.

Đáng chú ý, công nghệ tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước cho cà phê hiện đang được nhiều hộ ở các huyện Đăk Mil, Đăk Song, Tuy Đức áp dụng. Công nghệ này giúp bà con giảm từ 70-80% công lao động, giảm 40% lượng nước tưới/ha, tăng hiệu quả kinh tế. Dự kiến, dự án VnSAT đến năm 2020 sẽ hoàn thành hỗ trợ tưới tiết kiệm cho 700ha diện tích tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel.

Trong khi đó, tại tỉnh Gia Lai, tính đến năm 2019, diện tích cà phê sản xuất có chứng nhận quốc tế hạng thấp nhất (chứng chỉ 4C) mới đạt khoảng 10.000ha, chiếm hơn 10% diện tích. Còn các chứng chỉ cao hơn như Utz, Rainforest... vẫn chưa có vườn nào đạt được. Bước đầu, Gia Lai đã hình thành vùng sản xuất tập trung, chuỗi sản xuất cà phê bền vững với 2 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững. 

Theo ông Lương Đức Trí - Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường Tây Nguyên, để cây cà phê phát triển bền vững ở khu vực Tây Nguyên thì trước hết các cơ quan quản lý cũng như các cơ quan ban ngành chức năng cùng chung tay vào cuộc giải quyết những vấn đề khó khăn đã và đang tồn lại trong quá trình sản xuất cây cà phê như rủi ro thiên tai, thời tiết, dịch hại, kỹ thuật canh tác và rủi ro thị trường…

“Trước hết, cần quy hoạch lại diện tích cà phê, hướng dẫn các nông hộ chuyển diện tích ở những vùng đất không phù hợp trồng cây cà phê và không chủ động nguồn nước, đồng thời ở vùng đất dốc từ 15 độ trở lên sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài ra, khuyến cáo các nông hộ, doanh nghiệp ứng dụng tốt hơn nữa kỹ thuật bón phân theo độ phì nhiêu của đất và áp dụng nguyên tắc bón phân 4 đúng để tiết kiệm chi phí. Đồng thời, sử dụng các giống cà phê mới năng suất cao, chịu hạn...” - ông Trí khuyến cáo.