Cụ thể, ngày 27/9 Dân Việt đã đăng tải bài viết Bình Định: 140ha rừng bị “tàn sát” không thương tiếc. Ngay trong ngày, UBND tỉnh Bình Định đã có ý kiến giao Ban quản lý khu kinh tế tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin và có biện pháp chấn chỉnh tình trạng nêu trên (nếu có).
Một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho biết, địa phương rất bất bình khi rừng bị tàn phá như hiện nay. UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu Công an tỉnh vào cuộc điều tra làm rõ ai phá, người dân hay doanh nghiệp và sẽ xử lý nghiêm.
“Một số diện tích rừng thông mà bị cháy ở Dự án phong điện Phương Mai 1 tỉnh đã giao Cơ quan công an tiến hành điều tra làm rõ, ai đốt, ai làm việc đó. Thực tế diện tích này nằm trong Khu Kinh tế đã được chuyển đổi. Chúng tôi đã giao mặt bằng này cho nhà đầu tư để thực hiện dự án, nhà đầu tư có trách nhiệm quản lý.
Tuy nhiên lý do gì thì chúng tôi đang điều tra làm rõ nguyên nhân. Nếu như nhà đầu tư cố tình thì chúng tôi xử lý, nếu để cho người dân hoặc kẻ xấu vào đốt chúng tôi cũng phải xử lý, làm cho rõ”, vị này cho hay.
Khu rừng bị đốt, cưa tận gốc... khiến nhiều người dân ở Bình Định bức xúc.
Phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định Phan Viết Hùng - đơn vị quản lý nhà nước, được giao quản lý Dự án phong điện Phương Mai 1 cho hay, đã có công văn đề nghị Công an tỉnh Bình Định vào cuộc điều tra nguyên nhân rừng bị phá, cháy. Diện tích ở đây chủ yếu được quy hoạch để làm phong điện, phục vụ du lịch và khai thác năng lượng tái tạo. Theo quy hoạch, ở đây chỉ cho phép chặt, hạ 1 số diện tích rừng đủ để trồng trụ điện gió lên thôi, không được phá trắng.
Hiện trường vụ việc cho thấy, cả khu rừng rộng bạt ngàn giờ bị đốt cháy, những vệt đen hoang tàn trải dài, ước tính có đến hàng trăm ngàn cây dương cổ thụ, đường kính từ 10cm – 50cm, có thể từ 5 đến 40 năm tuổi bị cưa phẳng sát gốc. Có thể, đây là một vụ “thủ tiêu” rừng có tổ chức, bài bản rất chuyên nghiệp. Một nguồn tin cho biết, số lượng cây rừng bị cưa hạ khoảng 100.000 cây, ước tính bán gỗ cũng khoảng 6 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ.
Gốc cây bị "kẻ xấu" cưa tận gốc... mang ra khỏi hiện trường.
Thế nhưng, các đơn vị bảo vệ rừng, quản lý nhà nước, chính quyền… không nắm bắt kịp thời để ngăn chặn là hết sức vô lý. Liên quan đến vụ phá rừng quy mô lớn nói trên, một đại diện Công an tỉnh Bình Định nhận định rằng, vụ phá rừng này rất phức tạp, chưa có tiền lệ, các đối tượng huy động phá rừng rất quy mô. Nếu đây là rừng phòng hộ thì xét theo mức độ nghiêm trọng trên, có thể khởi tố và xử lý trách nhiệm hình sự ngay. Tuy nhiên, năm 2015, rừng đã được chuyển đổi chức năng không còn rừng phòng hộ.
Vụ việc rừng bị tàn phá cần được làm rõ, đưa ra ánh sáng.
Trước đó, theo phản ánh của người dân ở xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), lâu nay rừng dương khoảng 250ha có vai trò rất quan trọng, trực tiếp giữ chức năng phòng hộ che chắn thiên tai, bão cát cho trên 500 hộ dân với 2.000 nhân khẩu, hiện đã bị phá trắng gần 60%. Diện tích bị phá lên đến khoảng 140ha, nằm ở khu vực đã được chính quyền tỉnh Bình Định giao cho Công ty CP Phong điện Phương Mai đầu tư Dự án phong điện Phương Mai 1.