Anh Phong kể, cơ sở uốn tre của gia đình gây dựng và phát triển trong vòng 9 năm trở lại đây. Nguồn vốn đầu tư ban đầu anh Phong bỏ ra là 100 triệu đồng. Trong quá trình phát triển cơ sở uốn tre, anh Phong được Hội ND xã hướng dân tham gia vay thêm vốn từ Quỹ HTND 30 triệu đồng. Có vốn, anh Phong mua thêm tre của nông dân trên địa bàn huyện và ngoài tỉnh.
Nghề uốn thẳng tre mang lại thu nhập cho gia đình anh Phong hàng chục triệu đồng/tháng. Ảnh: Tấn Lập
Dụng cụ để anh Phong uốn tre khá đơn giản. Đó là một bếp than gồm 4 cục than ống, trên bếp bố trí giá đỡ với những vòng thép, tre được luồn qua các vòng thép và hơ trên các bếp. Những người thợ sẽ điều chỉnh, nắn những cây tre cho thẳng. Mỗi lần uốn được từ 6 - 8 cây tre. Qua bàn tay khéo léo của những người thợ, chỉ 5 - 7 phút đã có thể cho ra lò những cây tre thẳng tắp.
Nhu cầu sử dụng tre ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khá cao, tre uốn thẳng được dùng để làm dụng làm thang; đòn tay để cất nhà… Ngư dân các xã vùng biển nhiều người đã tìm đến cơ sở của anh Phong đặt hàng tre uốn thẳng để làm ngư cụ trên tàu bè.
Anh Phong cho biết, trung bình mỗi tháng cơ sở uốn được từ 2 - 3 vạn cây tre. Giá bán tre uốn thành phẩm từ 20.000 - 60.000 đồng/cây, sau khi trừ đi mọi chi phí anh Phong thu lợi khoảng 20 - 30 triệu đồng/tháng. Hiện tại, cơ sở uốn tre thẳng của anh Phong đang tạo công ăn việc làm cho 12 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Anh Nguyễn Văn Hiếu đang làm việc tại cơ sở uốn tre cho biết: “Đã 3 năm gắn bó với nghề uốn tre, tôi thấy công việc đều lại ở gần nhà nên cũng thuận tiện, thu nhập ổn định 7 triệu đồng/tháng. Ngoài thời gian làm việc tại cơ sở uốn tre, tôi còn có thời gian phụ giúp gia đình”.
Anh Phong cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ của Hội ND huyện, xã và nhất là được vay từ nguồn vốn Quỹ HTND nên cơ sở uốn tre của gia đình có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất. Thấy nghề uốn tre mang lại thu nhập ổn định, một số thanh niên đến cơ sở của gia đình tôi học tập mô hình sản xuất, đều được tôi tận tình hướng dẫn…”.