“Ai lên thăm xứ mây mù/Chớ quên hương nếp Đồng Mu đem về”. Câu đồng dao của đồng bào Nùng ở Xuân Trường (Bảo Lạc, Cao Bằng) đã giới thiệu phần nào về đặc sản gạo nếp hương ở miền biên cương xa ngái.
Giống nếp này hạt to và tròn, trăm ngàn hạt đều như nhau và có mùi thơm rất lạ. Nếp hương có mùi thơm từ khi còn là hạt thóc. Đến khi xát thành gạo, mùi thơm quyến rũ vẫn đọng lại trong từng hạt trắng ngần. Cơm nấu bằng thứ gạo quý hiếm này để đến 2-3 ngày vẫn dẻo, thơm. Đặc biệt, xôi nấu bằng nếp hương thì khách đi qua gầm sàn đã ngửi thấy mùi thơm đặc trưng.
Gặt lúa nếp hương Đồng Mu. |
Đồng bào Nùng có thói quen, trước mùa gặt, họ chọn những bông lúa to, hạt mẩy về làm cốm, đồ xôi rồi mổ gà, vịt làm lễ cúng thần linh, tạ ơn trời đất đã ban tặng cho bản làng giống lúa thơm ngon nổi tiếng và để cầu cho mùa vụ tốt tươi. Ngày lễ, tết, nhà nào cũng làm vài hũ rượu cần để mời bà con trong bản, trong xã đến chung vui. Rượu cần làm bằng nếp hương Đồng Mu thì không thứ rượu nào sánh nổi.
Người già trong các bản bảo rằng, giống lúa nếp này có mặt ở Đồng Mu từ xa xưa lắm. Đó là khi những người Nùng đầu tiên được thần linh ban cho một gùi thóc quý và phán rằng phải tìm được mảnh đất thích hợp, thóc quý mới mọc thành cây lúa và cho nhiều hạt gạo dẻo thơm.
Vâng lời thần dạy, tộc người Nùng đã đi khắp vùng này, vùng khác, đến đâu thấy đất tốt cũng gieo trồng thử, nhưng nơi thì hạt lúa không nảy mầm, chỗ thì lúa không trổ bông hoặc có hạt thì gạo chẳng dẻo thơm như lời truyền dạy.
Một ngày kia, bà con tới đất Bảo Lạc, gặp thung lũng Đồng Mu tươi tốt lại có dòng nước mát trong và ngọt lịm nên quyết định ở lại vỡ ruộng trồng lúa. Quả nhiên thóc tiên gieo xuống rất nhanh nảy mầm, tươi tốt, cuối vụ bông nào cũng to như cái đuôi trâu, gạo sau giã trắng trong và thơm phức, nếu cho vào chõ gỗ mà đồ thì dẻo thơm lạ kỳ.
Vinh Minh