Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhìn chung, đỉnh lũ năm 2019 xấp xỉ trung bình nhiều năm và thấp hơn 2018. Diễn biến lũ năm nay trái ngược với năm 2018, khi mưa lớn xuất hiện ngay từ đầu mùa. Từ đầu tháng 9, nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ vào sông Cửu Long và lên rất nhanh.
Thực tế, theo người dân tại khu vực thượng nguồn tỉnh Đồng Tháp, An Giang năm nay lũ đến muộn hơn 1,5 tháng so với năm trước, nhưng lên nhanh hơn. Tình cảnh “ít lũ” năm nay khiến người dân trông đứng trông ngồi, tưởng rằng đây sẽ là một năm “không có mùa nước nổi”. Tuy đến thời điểm này, nước trên các cánh đồng vẫn còn thấp so mọi năm, nhưng con nước đã kịp về cho cánh đồng ngập nước, dân đồng bằng khấp khởi vui mừng.
Sau bao ngày ngóng chờ, nước nổi đã về tràn trề trên những cánh đồng xả lũ ở các tỉnh thượng nguồn sông Cửu Long. Các sản vật mùa lũ như cá, cua, lươn, rắn… xôn xao góp mặt ở chợ và các tuyến đường quê. PV Báo Vĩnh Long ghi lại nhịp sống sinh động với những gam màu khác nhau trên chuyến hành trình trải nghiệm mùa nước nổi.
Năm nay lũ “trễ hẹn” hơn 1 tháng, nhưng lên nhanh và đã tràn đồng. Cánh đồng thượng nguồn huyện An Phú (An Giang) chảy qua khu vực rạch Cỏ Lau nước chảy cuồn cuộn.
Trong khi đó, những cánh đồng lúa cuối cùng ở vùng Đồng Tháp Mười đang hối hả thu hoạch.
Cánh đồng huyện Tân Thạnh (Long An) nước đã lên, nhưng còn thấp.
Đã bước qua giai đoạn hoàng kim, nhưng vào mùa nước nổi, những làng nghề đan lờ, lọp vẫn duy trì phục vụ ngư cụ đánh bắt cá cho người dân.
Theo người dân, sản lượng cá mùa nước nổi năm nay giảm rất nhiều so với mọi năm.
Dù vậy, chợ cá đồng Khánh An ở thượng nguồn huyện An Phú đã sôi động hơn hẳn khi nước đổ về.
Hiện mỗi ngày tại đây tiếp nhận hàng trăm ký cá đồng, nhiều nhất là cá linh non, cá chạch, lươn, rắn…
Nước về muộn, sản vật mùa nước nổi về chợ cũng không nhiều.
Những đứa trẻ cùng mẹ cha “săn” sản vật mùa nước nổi.