Tại khách sạn Duy Nhất, TP Nha Trang, vừa qua lực lượng Công an tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành bắt giữ một nhóm trên 40 người Trung Quốc vi phạm pháp luật. (Ảnh: C.T)
"Bí ẩn" ở khu vườn Kim An"
Tiếp theo loạt bài “Thấy gì từ việc người Trung Quốc sở hữu đất ở các thành phố biển?”, trong vai khách đi tham quan du lịch, chúng tôi đến khu vườn Kim An nằm trên Quốc lộ 1, thuộc thôn Phú Bình 2, xã Cam Tân (huyện Cam Lâm). Thấy chúng tôi là người Việt Nam, một nhân viên bảo vệ ở đây nhanh chân chạy ra không cho vào và nói khu vực này không cho người Việt Nam vào. Khi PV đặt câu hỏi, nhân viên giải thích khu vực này mở shop bán hàng chỉ dành duy nhất cho người Trung Quốc.
Tiếp tục dạo quanh khu vực này, chúng tôi phát hiện cơ sở được bố trí hệ thống camera chằng chịt và đội ngũ nhân viên rải từ ngoài vào trong. Phía trước của vườn Kim An được bao bọc những cây xoài, cây dừa lớn cao vút và xung quanh được làm hàng rào vững chắc nên người lạ khó có thể lọt vào đây được.
Theo tìm hiểu của PV, vườn Kim An có khoảng 40 gian hàng chuyên bán về mặt hàng đá quý. Cơ sở được xây dựng, trang trí khá bắt mắt và lộng lẫy. Cơ sở vườn Kim An luôn tấp nập lượng khách Trung Quốc và thường đi thành từng đoàn.
Ông L.V.D (một hộ dân sinh sống gần khu vực này) cho biết: “Trước đây, vườn này của một người dân Việt Nam để sản xuất trồng xoài. Sau đó, chủ vườn này bán lại cho người khác để xây dựng cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý. Cơ sở này bắt đầu đi vào hoạt động đầu năm 2019 và thường xuyên xả nước thải sinh hoạt ra bên ngoài”.
Ông L.V.D bức xúc cho biết thêm: “Mùi nước thải này là nỗi ám ảnh của gia đình tôi cũng như một số hộ dân nơi đây. Rất nhiều lần cơ sở này ngang nhiên xả nước thải khiến gia đình bị ảnh hưởng trong sinh hoạt. Tôi đã nhiều lần phản ánh đến UBND xã mà tình trạng vẫn chưa được giải quyết”.
Thời gian gần đây khách Trung Quốc tấp nập đi du lịch tại TP.Nha Trang. (Ảnh: C.T)
Theo quan sát của PV, ngoài cơ sở trên tại huyện Cam Lâm còn có hai cơ sở khác vừa mọc lên được xây dựng hoành tráng và luôn đón duy nhất người Trung Quốc. Tuy nhiên, họ làm gì, kinh doanh gì thì rất ít người dân địa phương biết?
Tương tự tại TP biển Nha Trang, từ Đại lộ Nguyễn Tấn Thành, đoạn UBND xã Phước Đồng đến đường Trần Phú, Hùng Vương… và các khu du lịch trên địa bàn thành phố biển này, không khó để bắt gặp các cơ sở kinh doanh ẩm thực, đồ mỹ nghệ, chăn gối, đồ trang sức… chuyên phục vụ cho người Trung Quốc. Mặc dù vậy, người Việt, du khách Việt hiếm khi được tiếp cận, vào mua bán ở các cơ sở này…
Tràn ngập người Trung Quốc
Ông Võ Ngọc Trung – Chủ tịch UBND xã Cam Tân cho biết, cơ sở Kim An do ông Nguyễn Ngọc Việt làm giám đốc và chuyên kinh doanh buôn bán đá quý cho người Trung Quốc. Cơ sở này đã bị địa phương phát hiện và lập biên bản về hành vi xả nước thải sinh hoạt ra ngoài.
Theo ông Trung, cơ sở Kim An có diện tích trên 1ha, có trên 150 người làm việc tại đây. Tuy nhiên, người Việt Nam làm việc ở đây rất ít, chủ yếu làm bảo vệ và tạp vụ. Trước đó, địa phương cũng đã đình chỉ cơ sở này về hành vi xây dựng nhà lưu trú không có giấy phép. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục làm việc với cơ sở này điểm kiểm tra thông tin về máy phát điện gây tiếng ồn làm ảnh hưởng nhà dân.
Cơ sở Kim An (xã Cam Tân, huyện Cam Lâm) đã bị địa phương lập biên bản về hành vi xả nước thải sinh hoạt ra ngoài.
Trong quá trình tìm hiểu về vấn đề này, ngày 25/9, PV đã liên hệ với lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm và lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện để nắm rõ thêm thông tin về hoạt động của các doanh nghiệp, lao động nước ngoài đang làm việc tại đây.
Thế nhưng, đổi lại là sự thoái thác trả lời, đùn đẩy trách nhiệm. Tương tự, khi PV liên lạc qua điện thoại liên hệ với lãnh đạo Sở Công Thương, Sở LĐTBXH tỉnh và các ngành chức năng để đặt lịch làm việc, tìm hiểu vấn đề thì câu trả lời chỉ là sự “im lặng”.
Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, tính từ đầu năm đến dịp 30/4/2019, du khách Trung Quốc đạt 834.000 lượt, tăng 39,2% so với cùng kỳ. Du khách đến từ Nga đạt 169.240 lượt, giảm 6,7% so với cùng kỳ; khách Hàn Quốc đạt 56.428 lượt, tăng 211,4% so với cùng kỳ. |
Trao đổi với PV, ông Lưu Tiến Sĩ – Phó trưởng công an xã Phước Đồng cho biết, trên địa bàn của xã hiện có khoảng 300 lao động là người Trung quốc đang làm việc và 15 doanh nghiệp, Công ty là người Việt Nam chuyên kinh doanh sản phẩm vàng bạc đá quý, nệm, chăn gối, đồ mỹ nghệ… cho người Trung Quốc.
Trong năm 2019, lực lượng Công an TP.Nha Trang đã phối hợp với Công an tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành bắt khám xét nhóm người Trung Quốc ở tại Khách sạn Duy Nhất nằm trên đường Nguyễn Tất Thành (xã Phước Đồng, Nha Trang). Tại đây, lực lượng chức năng đã thu giữ một số máy móc của nhóm người trên. Đồng thời, điều tra nhóm người Trung Quốc này có liên quan đến hoạt động lừa đảo tội phạm công nghệ cao.
Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, thị trường khách quốc tế tiếp tục tăng trưởng, khách du lịch đến từ Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách quốc tế đến Khánh Hòa. Tính đến 30/4/2019, du khách Trung Quốc đạt 834.000 lượt, tăng 39,2% so với cùng kỳ. Du khách đến từ Nga đạt 169.240 lượt, giảm 6,7% so với cùng kỳ; khách Hàn Quốc đạt 56.428 lượt, tăng 211,4% so với cùng kỳ; số lượng du khách Malaysia đạt 17.026 lượt, tăng 2% so với cùng kỳ.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, thời gian qua, sở đã tổ chức tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có yêu cầu các DN muốn kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phải xin giấy phép. Đồng thời, sở đã có văn bản gửi các cấp chính quyền đề nghị phối hợp quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng các đơn vị chưa có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa vẫn xảy ra…
Bà Thanh khẳng định, thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tăng cường phối hợp với biên phòng, Bến tàu du lịch Cầu Đá… để kiểm tra, xử lý các DN, cá nhân tổ chức tour trái phép theo Nghị định 45/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.
Không thể chủ quan
Quay trở lại vụ việc 21 lô đất ven sân bay Nước Mặn thuộc sở hữu của 2 doanh nghiệp có người Trung Quốc cổ phần, đoàn công tác của Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã có buổi kiểm tra và làm việc với Đà Nẵng.
Qua kiểm tra Tổng cục Quản lý đất đai xác nhận việc cấp giấy chứng nhận cho hai doanh nghiệp có người Trung Quốc tham gia là đúng với Luật Đất đai. Tuy nhiên, cơ quan thuộc Bộ TNMT đề nghị Sở TNMT TP.Đà Nẵng tiếp tục rà soát các hồ sơ đất đai có liên quan đến cá nhân, tổ chức nước ngoài.
"Các lô đất đã thuộc sở hữu người nước ngoài, mà đa phần là Trung Quốc. Họ kinh doanh làm ăn không sao nhưng họ lấy quyền doanh nghiệp ra để xây dựng công trình làm ảnh hưởng an ninh quốc phòng thì sẽ thế nào?”, thiếu tướng Hùng lo lắng. |
Tại TP.Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cũng yêu cầu Sở TNMT rà soát, kiểm tra các lô đất ven biển. Đồng thời, yêu cầu Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng kiểm tra việc quy hoạch và cấp phép xây dựng liên quan đến 20 lô đất ven sân bay Nước Mặn cũng như các lô đất ven biển Đà Nẵng.
Thông tin ban đầu từ Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho hay, trong 20 lô đất thuộc sở hữu của công ty VN.Holiday, vào năm 2015 đơn vị này đã cấp phép xây dựng một khách sạn với quy mô 16 tầng ở trên 2 lô đất 20-21-22 ven sân bay Nước Mặn. Trước khi cấp phép khách sạn này, TP.Đà Nẵng đã lấy ý kiến của Cục Tác chiến-Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên, đầu năm 2016, sau khi có nhiều thông tin liên quan đến việc người Trung Quốc thông qua người Việt thâu tóm đất ở các vị trí “nhạy cảm”, Bộ Quốc phòng đã yêu cầu các địa phương hạn chế việc cấp phép cao tầng ở những khu này.
Khách sạn 16 tầng của công ty VN.Holiday (bên cạnh khách sạn Hồng Phúc) đã xây xong sát bên tường rào sân bay Nước Mặn. (Ảnh: Đình Thiên)
Bên cạnh đó, Thành ủy Đà Nẵng cũng yêu cầu quận Ngũ Hành Sơn và quận Sơn Trà không cho phép ghép thửa và xây dựng công trình cao tầng ở ven biển có vị trí nhạy cảm. Đồng thời, các chủ sử dụng đất có nhu cầu xây dựng trên khu đất từ hai lô liền kề trở lên phải được Sở Xây dựng xem xét phương án kiến trúc từng trường hợp cụ thể trước khi thực hiện các bước xây dựng cơ bản tiếp theo.
Vào tháng 2/2016, Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng đã ra văn bản yêu cầu ông Trần Minh Phi (trú quận Ngũ Hành Sơn) dừng ngay việc thi công đối với công trình tại lô đất 19 – B4.3, vệt biệt thự dọc tường rào sân bay Nước Mặn vì có dấu hiệu người Trung Quốc đứng sau chi phối. Vào thời điểm này, Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cũng thu hồi giấy phép xây dựng lô đất 20, 21, 22 – B4.3, bên cạnh tường rào sân bay Nước Mặn.
Đó là câu chuyện cách đây hơn 3 năm, còn qua khảo sát thực tế của phóng viên Dân Việt, đến nay công trình khách sạn 16 tầng của công ty VN.Holiday đã xây dựng xong tầng 16. Công trình này đang trong quá trình hoàn thiện.
Ngoài ra, khu vực sân bay Nước Mặn hiện nay đã mọc nhan nhản các nhà hàng, khách sạn có treo biển hiệu tiếng Trung Quốc. Ở đây chủ yếu kinh doanh món ăn của Trung Quốc, buôn bán trầm hương... Thông tin người Trung Quốc thâu tóm đất ven biển Đà Nẵng đã có nhiều năm nay và khiến dư luận rất quan tâm trong đó các cán bộ lão thành không ít lần lên tiếng.
Thiếu tướng Trần Minh Hùng trong cuộc trò chuyện với PV Dân Việt. (Ảnh: Đ.T)
Trao đổi với PV về vấn đề nêu trên, thiếu tướng Trần Minh Hùng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5 đưa ra ngay kiến nghị: “Các địa phương phải đưa ra danh sách cụ thể các khu vực nhạy cảm, có nguy cơ ảnh hưởng an ninh quốc gia để các bộ, ban, ngành, ban hành chính sách cấm mua bán chuyện nhượng cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài. Việc này phải làm ngay mới loại trừ triệt để được việc các cá nhân tổ chức nước ngoài sở hữu đất ở các vị trí nhạy cảm để sử dụng vào những mục đích không lường trước được”.
Thiếu tướng Hùng cho rằng, phải làm như trên bởi tình trạng người nước ngoài đang tìm mọi cách bỏ tiền, nhờ người Việt Nam đứng tên mua đất là thực tế không thể phủ nhận và rất đáng quan ngại.
“Tôi đã lên tiếng rất nhiều lần khi Đà Nẵng thông tin ở các cuộc gặp mặt tướng lĩnh cao cấp nghỉ hưu. Tại sao lại để tồn tại tình trạng người nước ngoài nói chung hay người Trung Quốc nhờ người Việt đứng tên mua đất rồi người Việt Nam lại góp vốn bằng các lô đất vào doanh nghiệp mà người Trung Quốc có cổ phần? Đi lòng vòng một lúc, người Việt Nam lại chuyển nhượng hết cổ phần cho người nước ngoài. Cuối cùng, các lô đất đã thuộc sở hữu người nước ngoài, mà đa phần là Trung Quốc. Họ kinh doanh làm ăn không sao nhưng họ lấy quyền doanh nghiệp ra để xây dựng công trình làm ảnh hưởng an ninh quốc phòng thì sẽ thế nào?”, thiếu tướng Hùng lo lắng.
Về trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương, bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, việc cấp phép đầu tư thuộc thẩm quyền của Sở KHĐT còn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Sở TNMT, cấp quận quản lý về an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn khẳng định việc theo dõi quản lý các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài như Hàn Quốc, Trung Quốc... luôn chặt chẽ, không chủ quan.
“Qua kiểm tra của cơ quan công an và các cơ quan khác, đến nay chúng tôi chưa phát hiện việc các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài vi phạm. Họ cũng rất phối hợp với chính quyền như công ty Silver Shore đang gấp rút hoàn thành lối xuống biển theo văn bản của quận và chỉ đạo của UBND thành phố. Ngoài ra, các công ty nhỏ lẻ khác đến nay cũng chưa có sai phạm gì.Tuy nhiên, công tác quản lý cá nhân và tổ chức nước ngoài hoạt động trên địa bàn rất chặt chẽ, không hề chủ quan...”, bà Thi cho biết. |
(Còn nữa)