Dân Việt

Từ vụ tài xế Grab bị giết: Chuyên gia “mách nước” nhận diện và đối phó với khách nghi là cướp

Nguyễn Đức 30/09/2019 18:55 GMT+7
Các đối tượng thường tìm “con mồi” dễ cướp, tấn công như lái xe ôm truyền thống, lái xe công nghệ…

Mới đây, sự việc nam sinh viên năm nhất chạy xe ôm công nghệ bị sát hại và được tìm thấy thi thể tại bãi đất hoang phường Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) khiến dư luận vô cùng phẫn nộ và bàng hoàng. Sau sự việc trên, nhiều tài xế lo lắng và rùng mình khi nhớ lại những tình huống nguy hiểm khi đi chở khách.

Bỏ chạy buổi tối vì sợ nguy hiểm rình rập

Phạm Văn Vũ (20 tuổi), lái xe ôm công nghệ, hiện đang học ở một trường đại học ở quận Hà Đông,TP. Hà Nội. Hằng ngày, ngoài việc học ở trường, Vũ thường chạy thêm Grab để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

img

Hiện trường vụ việc nam sinh viên năm nhất chạy xe ôm công nghệ bị sát hại.

Vũ kể, em đã không ít lần bị khách quỵt tiền và gặp phải những tình huống nguy hiểm. Tuy nhiên, đối với Vũ, chuyện khách quỵt tiền không đáng sợ bằng việc chở các khách hàng có biểu hiện “lạ”. Vũ kể cho hay, vào khoảng hơn 21h tối cuối tháng 6/2019, cậu nhận chở khách yêu cầu đi từ khu vực đường Trường Chinh đến khu vực nhà dân ở gầm cầu Thanh Trì, quận Hoàng Mai.

“Trong lúc chở, có khách liên tục gọi điện nói chuyện với một người khác bằng giọng tục tĩu, rồi liên tục hỏi “mang hàng chưa”, “nó không nghe thì xử nó”. Lúc này em bắt đầu thấy lo và nghĩ đến khu vực trả khách là nơi hoang vắng, giáp sông Hồng em lại càng sợ hơn. Khi đi đến đoạn đường đông dân cư ở phố Lĩnh Nam em đã lấy lý do nhà có việc gấp nên không chở tiếp được. Nhưng vị khách không đồng ý, đòi chở đến tận nơi mới trả lại tiền. Thấy khách tỏ vẻ nóng giận khó chịu nên em đành chịu, chấp nhận mất tiền và đi về tay trắng", Vũ kể lại.

Tương tự một trường hợp khác, ông Vũ Bình (45 tuổi), ở Nam Định, có thâm niên hơn 5 năm hành nghề xe ôm ở Bến xe Giáp Bát, Hà Nội. Coi nghề xe ôm là nghề chính nuôi sống bản thân và gia đình nên ông Bình chăm chỉ chạy từ sáng đến đêm với về phòng trọ nghỉ.

Ông Bình cho hay, ban ngày, nhận thấy những vị khách có biểu hiện bất thường như mặt tái xanh, môi thâm ông sẽ từ chối chở. Bởi ông cho rằng, những người này có biểu hiện nghiện và ngáo đá. Đối với buổi đêm, trước khi nhận cuốc chở, ông Bình đều hỏi khách xem là họ đến khu vực nào. Nếu thấy, khách nói đến những nơi ít dân cư, hoang vắng ông sẽ chủ động từ chối chở khách ngay.

“Có trường hợp một vị khách khiến tôi kinh hãi đến giờ, đó là vào khoảng giữa tháng 2/2019. Lúc này, khoảng hơn 8h tối, tôi đang chờ đón khách ở Bến xe Giáp Bát thì một nam thanh niên tầm gần 30 tuổi bảo tôi chở xuống khu vực huyện Thường Tín. Tôi thoả thuận giá với vị khách và cả hai lên xe đi nói chuyện rất vui vẻ. Khi chở vị khách này qua trung tâm huyện, tới một đoạn đường vắng, không có điện đường thì vị khách bất ngờ yêu cầu tôi dừng lại nghe cuộc điện thoại. Sau khi nghe điện thoại xong, vị khách này vỗ vai tôi gằn giọng nói là bản thân đang bị nghiện, không có tiền. Ông có tiền thì cho anh ta ít coi như làm phước. Lúc này tôi sợ quá, trong túi còn gần 200 nghìn đồng rút ra đưa cho anh ta và sau đó lên xe lao đi thẳng. Số tiền ít nên tôi không vào trình báo công an. Nhưng kể từ đó đến nay, tôi cũng không chở khách đêm, chỉ chở khách đến khoảng 7h tối là về phòng nghỉ”, ông Bình kể.

Không chở khách đến những nơi hoang vắng, hẻo lánh

Phó GS.TS, Đỗ Cảnh Thìn,Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho biết, khi cần tiền, các đối tượng thường tìm “con mồi” dễ cướp, tấn công như lái xe ôm truyền thống, lái xe công nghệ.

img

Phạm Văn Vũ lái xe ôm công nghệ tâm sự về những rủi ro, nguy hiểm của nghề

Và thông thường các đối tượng đi cướp sẽ dẫn dụ các “con mồi” đến những nơi hoang vắng, nghĩa trang, cách đồng, bờ đê, xa khu dân cư, ít người qua lại… sau đó chọn cơ hội thuận lợi để thực hiện hành vi phạm tội.

Do vậy, ông Thìn khuyến cáo các lái xe ôm cần hết sức cẩn trọng, phòng ngừa với tội phạm cướp tài sản và đặc biệt lưu ý: không dừng, đỗ, đón, trả khách ở những nơi hẻo lánh, vắng người qua lại, hoặc những địa chỉ bản thân không thông thuộc đường.

Khi đi đón khách cần chú ý những đặc điểm về trang phục, đầu tóc, dụng cụ mang theo để cảnh giác và đưa ra quyết định nên chở hay không nên chở.

Cần cảnh giác với những đối tượng hào phóng, lái xe bảo bao nhiêu tiền thì đi bấy nhiêu, thậm chí là còn cho thêm tiền. Theo ông Thìn, với những đối tượng như vậy là bất thường và cần phải cảnh giác.

Các lái xe ôm công nghệ cũng cần có số điện thoại của các đồng nghiệp để gọi khi trợ giúp, hoặc trước khi chở khách đến địa điểm cần thông báo cho đồng nghiệp biết đang chở khách đến vị trí này, vị trí kia và sẽ thường xuyên liên lạc với đồng nghiệp. Hoặc phát livestream facebook để đánh động đối tượng có ý định cướp.

Trường hợp khách yêu cầu, đề nghị chở đi lòng vòng, hoặc đi vào những con hẻm tối, những địa điểm vắng người qua lại… thì từ chối không phục vụ để đảm bảo an toàn cho tính mạng và sức khỏe bằng cách đi vào chỗ đông người, nhà dân mở cửa và yêu cầu khách xuống xe.

Còn trường hợp khi bị cướp, nếu có thể lái xe rút chìa khóa ném đi rồi bỏ chạy và khi vừa chạy vừa phải hô hoán cướp. Trường hợp lái xe bị cướp khống chế thì phải thỏa hiệp với đối tượng cướp, để cho họ lấy xe cộ, tiền bạc… để không ảnh hưởng tới tính mạng của bản thân. Sau đó, về báo ngay cho cơ quan công an, chính quyền địa phương gần nhất.

Còn trường hợp chở đối tượng ngáo đá, trong quá trình di chuyển mới phát hiện ra phải chạy vào chỗ đông người dừng lại và không chở nữa. Về phía đơn vị chủ quản cũng phải có các chính sách, biện pháp quản lý, giám sát hành trình của phương tiện, để kịp thời phát hiện, hỗ trợ các lái xe khi cần thiết.

Xác định danh tính 2 nghi phạm sát hại nam sinh chạy GrabBike tại Hà Nội

Công an địa phương cho hay, đang phối hợp với Công an TP Hà Nội khoanh vùng, xác định nơi hai đối tượng đang lẩn trốn.