Theo đó, các hộ nông dân trồng trà là thành viên trong Tổ hợp tác trồng và kinh doanh trà Phú Hội sẽ được hỗ trợ về vốn vay để mua giống, kéo điện, khoan giếng lấy nước tưới; được cán bộ Trạm khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc trà theo hướng hữu cơ, hướng dẫn kinh nghiệm ướp và bảo quản trà khô; liên kết với các tiểu thương kinh doanh.
Ông Trà Văn Pháp (còn gọi là ông Tư Nô, trú ấp Đất Mới) - một lão nông trồng trà nức tiếng ở Phú Hội cho biết, sở dĩ trà nơi đây trồng ngon hơn nhiều hộ khác bởi diện tích trà được trồng trên gò cao, nơi có một “mạch bà” chảy vắt qua nên búp lên đều, ngọn mập, lá không bị héo kể cả mùa khô.
Lão nông Tư Nô đang hái trà Phú Hội. Ảnh: T.Đ
“Để trà thơm, ngon, sáng sớm khi sương còn chưa tan hết, phải ra vườn hái những búp trà non, sau đó đem phơi búp chừng 1 - 2 giờ. Khi búp trà vừa teo thì vò để búp trà xoăn lại, càng xoăn nhiều trà càng giữ được lâu. Vò xong đem trà phơi nắng đến khi khô hẳn” - ông Pháp chia sẻ. Tất cả các công đoạn đều làm bằng tay. Cứ khoảng 4,5kg búp xanh thì được 1kg trà thành phẩm.
Ông Pháp cam kết, trà ông làm là trà sạch. Ông không bón phân hóa học mà dùng phân chuồng, không tẩm trà bằng hóa chất… “Mấy năm nay, trà tôi làm một nửa là bán ra nước ngoài. Việt kiều Úc, Mỹ về mua nhiều lắm” - ông Pháp bộc bạch.
Trà Phú Hội được chọn để thực hiện đề án mỗi xã một sản phẩm của tỉnh. Hiện, Phú Hội có khoảng 7ha trà, trong đó ấp Đất Mới nhiều nhất với khoảng 3ha. Đầu năm 2019, địa phương thành lập Tổ hợp tác trồng và kinh doanh trà với 32 thành viên. Nhờ chất lượng và hương vị đặc trưng, mỗi kg trà khô Phú Hội có giá từ 500.000 - 700.000 đồng.
Ông Huỳnh Văn Chiến - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nhơn Trạch cho biết, hiện, Hội Nông dân đang vận động bà con nông dân tham gia tổ liên kết sản xuất trà Phú Hội.