Dân Việt

Eximbank là trường hợp “hiếm” trong ngành ngân hàng Việt Nam, vì sao?

Huyền Anh 01/10/2019 07:12 GMT+7
Báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) là một trường hợp hiếm trong ngành ngân hàng Việt Nam với cổ đông biến động trong 9 năm qua. EIB không phải là một cổ phiếu an toàn đối với các nhà đầu tư tổ chức cho đến khi các vấn đề thanh khoản và cổ đông được ổn thỏa

Theo báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – Mã: EIB) là một trường hợp hiếm trong ngành ngân hàng Việt Nam với cổ đông biến động trong 9 năm qua.

Không phải là cổ phiếu an toàn?

Theo VCSC đánh giá, các yếu tố khiến EIB trở nên hấp dẫn với Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã: ACB) trước năm 2012 đã không còn nữa vì hệ thống ngân hàng chuyển dịch khỏi mảng kinh doanh vàng và liên tục phát triển.

Trong khi đó, EIB đã thụt lùi nhiều năm. Hiện tình trạng không có cổ đông kiểm soát rõ ràng tiếp tục là điểm thu hút đối với các nhà đầu tư trong nước mong muốn có nền tảng của ngân hàng nằm giữa TPB và VPB về mạng lưới.

img

Nhân sự cấp cao là vấn đề "nổi cộm" nhất tại Eximbank

Cũng theo VCSC, giao dịch cổ phiếu EIB có đặc điểm là khối lượng thấp thông qua khớp lệnh nhưng khối lượng giao dịch thỏa thuận trong 6 tháng đầu năm 2019 lên đến 47,7% cổ phiếu lưu hành.

Ngoài ra, vì cổ đông mâu thuẫn nên Đại hội đồng cổ đông 2019 đã bất thành bất chấp nhiều nỗ lực. “Vì vậy, EIB không phải là một cổ phiếu an toàn đối với các nhà đầu tư tổ chức cho đến khi các vấn đề thanh khoản và cổ đông được ổn thỏa”, VCSC nhấn mạnh.

Cũng phải nói thêm rằng, nhân sự cấp cao là vấn đề nổi cộm của Eximbank từ đầu năm đến nay khi nhiều lần có thông tin thay đổi ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị. Thành phần Hội đồng quản trị phản ánh mâu thuẫn giữa các cổ đông và vị trí Chủ tịch trong 9 tháng qua vẫn chưa được đồng thuận. Sự mâu thuẫn gia tăng giữa các nhóm cổ đông ảnh hưởng lớn tới kế hoạch phát triển của ngân hàng này.

Đến nay, do chưa tổ chức thành công đại hội cổ đông thường niên, kế hoạch của ngân hàng vẫn chưa được thông qua. Theo kế hoạch mà ban lãnh đạo đề ra, mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 1.077 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2018.

Vẫn còn dư địa cải thiện

Về tình hình hoạt động, thu nhập lãi của EIB bị ảnh hưởng do NIM thấp và thu nhập phí gặp khó khăn do môi trường cạnh tranh đối với dịch vụ thanh toán quốc tế và không có yếu tố nào khác kích thích tăng trưởng.

Hiện, Eximbank có tăng trưởng tín dụng thấp với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2015-2018 là 7,1%. NIM trong năm 2017 và 2018 đều dưới 2,5%, thấp hơn ít nhất 1 điểm % so với các ngân hàng tư nhân thông thường do chi phí huy động tương đối cao.

Trong khi Sacombank có dư địa để tăng tỷ lệ cho vay/tiền gửi theo quy định từ mức 70% hiện nay để cải thiện NIM, tỷ lệ cho vay/tiền gửi theo quy định của Eximbank là 76% trong 6 tháng đầu năm 2019 so với mức trần là 80%.

“Tuy nhiên, Eximbank vẫn còn dư địa cải thiện lợi suất tài sản sinh lời bằng cách tối ưu hóa danh mục chứng khoán đầu tư”, VCSC nhấn định.

img

Về thu nhập phí, dịch vụ thanh toán của Eximbank chiếm 82% thu nhập phí ròng năm 2018 và 84% cho 6 tháng đầu năm 2019.

Tuy nhiên, khối lượng thanh toán quốc tế chỉ tăng trưởng kép hàng năm là 3,6% giai đoạn 2013-2018 trong khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt tăng trưởng kép hàng năm là 12,7% trong giai đoạn này, cho thấy cạnh tranh gia tăng và thị phần giảm.

EIB cũng đã ký hợp đồng bancassurance độc quyền kỳ hạn 5 năm với Generali năm 2016 nhưng thị phần vẫn nhỏ, chỉ đạt 1,3% trong 6 tháng đầu năm 2019 và đà tăng trưởng không có không nổi trội hơn so với các ngân hàng khác.

Ngoài ra, mạng lưới chi nhánh của EIB không thay đổi trong 3 năm qua, một tín hiệu cho thấy việc mở rộng còn chậm.