Dưới thời nhà Lý (1009-1225), bên cạnh việc bảo vệ biên giới phía Bắc, Đại Cồ Việt, Đại Việt còn phải luôn đề phòng giữ vững phên dậu phía Nam. Trên thực tế, Chiêm Thành đã hơn một lần xâm lấn lãnh thổ của các vua nhà Lý. Trong trận chiến bảo vệ đất đai và vương pháp chống lại quân Chiêm Thành năm Ất Mão (1075), Lý Thường Kiệt nhờ vào một thám tử nhỏ tuổi đã thay đổi cục diện, chuyển khó khăn thành thuận lợi và giành được chiến thắng.
Từ đứa trẻ mồ côi trong thời loạn
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, cuối năm 1075, quân Chiêm Thành cậy sức mạnh, triều đình nhà Lý ở xa đã sử dụng vũ trang gây hấn ở vùng biên giới phía Nam Đại Việt. Trước tình hình cấp bách đó, vua Lý Nhân Tông đã xuống chiếu sai lão tướng Lý Thường Kiệt dẫn đại binh đi dẹp loạn.
Nhận trọng trách của triều đình, Lý Thường Kiệt nhanh chóng chỉnh đốn binh mã, tuyển binh ở khắp 13 trại quanh thành Thăng Long chuẩn bị bước vào chiến trận. Trước lời kêu gọi nghĩa dũng của dân tộc và họa xâm lăng rình rập phía Nam, từng đoàn trai hùng bỏ lại quê hương, gia đình tham gia quân đội. Theo Huỳnh Văn Tới và Bùi Quang Huy, có một chi tiết lạ lùng được lịch sử ghi lại đó là có một cô bé tầm 9 tuổi, tóc trái đào nhất định xin tòng quân giết giặc.
Sau Lý Thường Kiệt hỏi ra mới biết, đó là đứa bé họ Trần (không rõ tên), mồ côi cha mẹ từ nhỏ, quê ở trại Đại Yên (Hà Nội). Vì cảm thương cho thân phận đơn độc, bơ vơ, lão tướng Lý Thường Kiệt đã cho thu nhận (làm con nuôi) mà không có ý định dùng cho việc quân. Tuy nhiên hành động này đã mở màn cho một câu chuyện thú vị tiếp theo.
Đến nữ thám tử "tí hon"
Khi đại quân nhà Lý tiến vào địa phận của Chiêm Thành, mặc dù với ưu thế về số lượng cũng như chất lượng, song do đường sá xa xôi, đất lạ, không quen thủy thổ nên không giành được ưu thế trên chiến trường. Với thuận lợi thông thuộc địa hình, quân Chiêm Thành đã liên tục gây cho Lý Thường Kiệt thiệt hại về quân lực trong các trận chiến giáp lá cà. Để chắc chắn thắng khi tiến công, người đứng đầu quân đội đã hơn một lần cho người cải trang, làm gián điệp do thám tình hình tiền quân Chiêm Thành, song đều bị phát hiện.
Tranh minh họa Lý Thường Kiệt dẫn đại quân tấn công quân Chiêm Thành. (Nguồn: Internet).
Sau nhiều tháng đóng quân, không tiến được, ở lại lâu sẽ bớt lợi, Lý Thường Kiệt từng cân nhắc tới việc rút quân về Thăng Long, tuy nhiên đúng lúc này cô bé họ Trần ở Thăng Long đã chủ động xin được vào trại giặc để do thám tình hình. Ban đầu, phương án này không được đồng ý vì ông cho rằng trẻ thơ không thể làm được việc lớn, hơn nữa nếu bị phát hiện sẽ cực kỳ nguy hiểm. Về sau, xét thấy cô bé nhanh nhẹn, lanh lợi, rất cương quyết và có lợi thế là trẻ con có thể tránh được sự đề phòng của đối phương.
Tiếp đó, cô bé họ Trần nhận mật lệnh, giả làm người bán trầu cau, bánh trái để từng bước tiếp cận vào trong doanh trại Chiêm Thành. Nhờ có một vỏ bọc là một đứa trẻ mà cô bé có thể đi lại và quan sát, dò hỏi các bố trí, phòng bị của quân Chiêm Thành một cách tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Sau mỗi lần đó, cô đều tìm cách kể lại chi tiết cho chủ tướng.
Ca khúc khải hoàn về Thăng Long
Quân Chiêm đại bại do bị mật thám nắm tình hình (Nguồn: Internet).
Sau khi đã nắm được các phòng ngự, bố trí lực lượng cũng như sơ đồ căn cứ của đối phương, Lý Thường Kiệt huy động toàn bộ binh lực mở cuộc tấn công bất ngờ vào doanh trại quân Chiêm. Quân Chiêm bị tấn công bất ngời trở tay không kịp, nhanh chóng tan vỡ. Trong cuộc tấn công đó, cô bé họ Trần còn tiếp tục tham gia tẩm thuốc mê vào trầu cau, bánh trái để bán cho quân Chiêm Thành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tấn công. Quân Chiêm Thành nhanh chóng bị đẩy lùi, đất đai bị chiếm được thu về cho Đại Việt.
Trong không khí ca khúc khải hoàn trở về Thăng Long, đáng tiếc thay trong đoàn hồi cung không có cô bé họ Trần. Trong vòng tên bay, đao lạc, có lẽ bé đã mãi nằm xuống. Trong buổi chầu khi trở về, Lý Thường Kiệt đã thưa chuyện này cho vua Lý Nhân Tông. Vua cũng xúc động và xuống chiếu sắc phong cho cô bé họ Trần thần hiệu là Ngọc Hoa, truyền cho dân làng Đại Yên lập đền thờ, đời đời hương khói.