Thê thảm...
Khi tiếng két của cánh cổng sắt NM thép DaNa - Ý mở ra giữa trưa nắng, cũng là lúc khung cảnh hoang tàn, vắng lặng như tờ đập vào mắt chúng tôi. Hơn 1 năm trước, không khí hoạt động sản xuất nhộn nhịp biết bao nhiêu thì giờ đây, những trụ cẩu, dây chuyền, sắt thép... ngổn ngang, im lìm khiến người xem có cảm giác như lạc vào "nhà máy ma".
Không còn cảnh rầm rậm cán thép, không còn những dòng thép đỏ rực tuôn chảy từ hệ thống dây chuyền, thay vào đó là sự im lặng đến đáng sợ. Những máy móc linh kiện nằm chỏng chơ, hệ thống dây chuyền hàng tỷ đồng đắp chiếu cả năm nay. Ăn vội bữa trưa, 2 thợ cơ khí bão dưỡng máy móc buồn bã: Mỗi tháng mấy ngày lên làm sạch máy móc, để lâu ngày rỉ sét, hỏng hóc mất.
Dây chuyền, máy móc im lìm, ngổn ngang (ảnh: Nam Cường)
Cả nhà xưởng rộng mênh mông, la liệt máy móc, chỉ 2 bóng người cần mẫn lau chùi. "Đông người làm lãnh đạo nhà máy tiền đâu mà trả lương. Chúng tôi là những người cuối cùng còn bám trụ lại, thứ nhất là cũng còn công việc bảo trì, thứ hai là cũng không nỡ bỏ nhà máy trong cảnh khốn cùng này. Nhưng cũng không biết còn trụ lại đến bao nhiêu" - thợ cơ khí Hoàng Bá Linh bày tỏ. Linh quê Hà Tĩnh, xa xứ vào làm ăn, gắn bó từ ngày NM thép DaNa - Ý khởi đầu.
Máy hóc hàng tỷ đồng phải bảo dưỡng thường xuyên (ảnh: Nam Cường)
Công xưởng thê thảm, không khí văn phòng càng buồn hơn. Gần chục con người trong những căn phòng rộng thênh thang. Khu hành chính với hàng chục căn phòng lãnh đạo, phòng họp... giờ im ỉm khóa. Bà Trần Mai Liệu - Phó TGĐ công ty giải thích: Gần chục con người làm việc ở văn phòng để duy trì hoạt động trên giấy tờ, giải quyết các công việc với đối tác... nhưng tương lai cũng bấp bênh lắm. Nói thật, nhà máy giờ không còn tiền trả lương".
Nhà máy hoang vu, phân xưởng đóng cửa (ảnh: Nam Cường)
Bà Liệu liệt kê một dãy số nợ thay cho thực trạng tài chính bết bát hiện nay: Nợ BIDV chi nhánh Hải Vân tầm gần 600 tỷ, Agribank gần 300 tỷ, chưa kể nợ các nhà đầu tư, đối tác.
Khẩn cầu vô vọng
Liên tiếp gặp khó bởi những quyết định dừng, tạm dừng, đóng cửa sản xuất của UBND thành phố Đà Nẵng, NM thép DaNa-Ý đã quyết định khởi kiện một số QĐ của thành phố ra tòa, với mức đòi bồi thường 400 tỷ. Theo ông Huỳnh Văn Tân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP thép Dana Ý (gọi tắt là Dana Ý) đơn khởi kiện của công ty được ông ký và gửi tới TAND TP Đà Nẵng từ đầu năm 2019, tuy nhiên sau một thời gian chờ động thái hợp tác của chính quyền Đà Nẵng không thành, công ty mới chính thức kiện các quyết định của chính quyền ra tòa. "Để đến nông nỗi hôm nay là cả một quá trình Dana Ý bị o ép, kêu cứu mà không ai nghe" - ông Tân bày tỏ.
Dây chuyền sản xuất, linh kiển chỏng chơ (ảnh: Nam Cường)
Bà Trần Mai Liệu, trong khi trình bày với PV về thực trạng nhà máy, không quên "thòng" thêm một câu cậy nhờ: "Nhà báo viết gì cho khéo một tí, chuyện đến nước này ai cũng có cái sai. Giờ nhà máy đang nỗ lực một lần nữa để chính quyền tạo điều kiện làm sao đó khôi phục sản xuất, trả nợ, cứu nhà máy, cứu hàng trăm công nhân đang thất nghiệp".
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, thiện chí muốn chính quyền "tạo điều kiện" của DaNa-Ý có vẻ như đã rơi vào vô vọng. Sau nhiều phương án trình lên không được giải quyết, dẫn đến kiện ra tòa, mới đây DaNa-Ý lại tiếp tục có công văn gửi chính quyền, muốn được thuê đất trong KCN để di dời phân xưởng cán thép (không luyện). Một phần đất (6,2 hécta) xin chuyển đổi mục đích sử dụng. "Tất cả vẫn chưa được hồi đáp" - bà Liệu cho hay.
Nới tập trung phế liệu ùn ứ (ảnh: Nam Cường)
Được biết, UBND TP Đà Nẵng có công văn (5428/UBND-KTTC) vào ngày 12/8/2019 gửi các Sở ngành như TNMT, Xây dựng, BQL khu công nghệ cao yêu cầu nghiên cứu thực tế để báo cáo trước ngày 16/8/2019. "Hiện mới chỉ có BQL khu công nghệ cao và các KCN đến làm việc với nhà máy, các Sở ngành còn lại chưa thấy tới thì lấy gì mà báo cáo cho UBND thành phố chỉ sau 4 ngày?" - bà Liệu băn khoăn.
Cảnh báo thua cuộc khi "đáo tụng đình"
Được biết, sau kết luận (336-TB/TU, ngày 2/3/2018) của Thành ủy Đà Nẵng về việc hủy chủ trương giải tỏa di dời các hộ dân lân cận khu vực 2 NM thép đồng thời không để 2 NM này tiếp tục hoạt động ở tại thôn Vân Dương (Hòa Liên), UBND TP Đà Nẵng đã có báo cáo (1753/UBND-STP, ngày 14/3/2018 do Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh ký) về vấn đề này và nêu rõ, các phương án thu hồi đất, di dời nhà máy hoặc chấm dứt hoạt động của nhà máy đều dẫn đến việc phải đối mặt với kiện tụng hoặc phải đến đền bù số tiền rất lớn.
Nhà máy hoang phế, thiết bị "trùm mền" (ảnh: Nam Cường)
Cụ thể, theo phân tích của các bộ phận tham mưu cho UBND thành phố như Sở TNMT, Sở Tư pháp, Xây dựng... thì không có cơ sở pháp lý để ngưng hoạt động của 2 NM thép.
Theo đó, theo quy định tại điều 48 Luật Đầu tư năm 2014 thì muốn trong 8 yếu tố có thể chấm dứt hoạt động của một dự án, nếu đối chiếu với trường hợp của 2 NM thép là DaNa-Ý và DaNa-Úc thì không có điểm nào có thể áp dụng. "Thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố đã thông báo tạm dừng hoạt động đối với 2 nhà máy. Tuy nhiên, việc thông báo tạm dừng là chưa đúng với quy định của pháp luật... Với thông báo tạm dừng, DN có thể khởi kiện UBND thành phố để yêu cầu bồi thường" - công văn của UBND TP Đà Nẵng nêu rõ.
Từ một NM có hàng ngàn công nhân, giờ đây chỉ lèo tèo vài lao động thời vụ (ảnh: Nam Cường)
Vì những cơ sở trên, báo cáo của UBND TP Đà Nẵng cho rằng 3 trường hợp có thể chấm dứt hoạt động của 2 NM thép, gồm: Thỏa thuận với DN về phương án chuyển đổi công năng và chấm dứt; UBND TP ban hành quyết định hành chính thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, buộc dừng hoạt động; Thu hồi đất và di dời nhà máy. Trong 3 phương án này, phương án thư nhất DN không đồng ý; phương án 2 thì DN chắc chắn kiện ra toàn. Vì vậy UBND TP đề nghị phương án 3 là khả thi nhất.
Thép DaNa-Ý: một thương hiệu đang "giãy chết" (ảnh: Nam Cường)
Cụ thể, sẽ có những đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra thực tế, sau đó tham mưu cho lãnh đạo Đà Nẵng đưa ra phương án thuyết phục nhất. Tuy nhiên, đến tháng 11/2018, Thường trực Thành ủy đã quyết định chấm dứt hoạt động đối với 2 NM thép DaNa-Ý và DaNa-Úc như đã nêu.
"Chúng tôi bỏ hơn 400 tỷ ra lo khu tái định cư cho dân, đồng thời cam kết tự di dời, chấm dứt hoạt động sau thời gian giải quyết xong các thủ tục nhưng vẫn không được chấp nhận. DN đã chịu thiệt đủ đường, đành chờ kết quả của tòa thôi" - ông Huỳnh Văn Tân nói.