Dân Việt

Kiên Giang: Nuôi vịt, ba ba để né dịch tả lợn châu Phi

Chúc Ly - Ngọc Quyên 03/10/2019 05:00 GMT+7
Tại tỉnh Kiên Giang, đến nay dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 15/15 huyện, thành phố, gây thiệt hại nặng về kinh tế, với tổng số lợn đã tiêu hủy hơn 42.200 con. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, vốn liếng cạn kiệt, nhưng ở nhiều nơi, người dân đã bắt đầu chuyển sang các vật nuôi khác để khôi phục sản xuất.

Dịch tả lợn bùng phát diện rộng

Theo Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, đến nay dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện 3.227 ổ dịch, số lượng lợn phải tiêu hủy tương đương hơn 2.700 tấn (chiếm 13% tổng đàn lợn của tỉnh).

Tại tỉnh này, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ giữa tháng 5/2019; cao điểm tháng 8 có tổng số 1.622 ổ dịch, phải tiêu hủy hơn 23.400 con lợn, tăng gấp 2,4 lần so tháng 7, ước ngân sách phải chi ra khoảng 75 tỷ đồng để hỗ trợ thiệt hại cho chủ chăn nuôi theo quy định.

img

Sau khi đàn lợn bị dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy, gia đình chị Nguyễn Sol Pha (ở ấp Tân Hòa A, xã Tân Hiệp B, Tân Hiệp) đã chuyển qua nuôi vịt thịt.  Ảnh: N.Q

"Huyện Tân Hiệp khuyến cáo người dân nuôi gà, lươn, cá... để “né” dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, huyện Tân Hiệp đang thực hiện việc rà soát nhu cầu của các hộ bị thiệt hại do dịch bệnh và phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội dành khoảng 500 triệu đồng cho các hộ dân vay tái sản xuất”.

Bà Phan Kim Loan -
Trưởng Phòng NNPTNT
huyện Tân Hiệp

Theo Sở NNPTNT tỉnh, hiện ở các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Gò Quao, An Biên, U Minh Thượng, dịch tả lợn châu Phi chưa có dấu hiệu giảm. Riêng huyện Hòn Đất, sau thời gian dài khống chế, dịch bệnh lại đang có dấu hiệu bùng phát.

Ông Đào Xuân Nha - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòn Đất, cho biết do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều kéo dài, cộng với địa bàn nhiều kênh, rạch là điều kiện lý tưởng để virus dịch bệnh lây nhiễm trên diện rộng.

Phân tích nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế, nhiều ý kiến cho rằng một phần do dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có vaccine phòng ngừa và có thuốc trị, trong khi đó trên 90% số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cơ sở vật chất chưa đảm bảo biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Bên cạnh đó, có trường hợp thuốc sát trùng được cấp nhưng một số hộ không sử dụng hoặc dùng không đúng phương pháp, liều lượng; tình trạng giết mổ lậu, lén lút vận chuyển lợn giống, lợn choai giá rẻ từ vùng dịch về tái đàn còn diễn ra.

Tăng cường chuyển đổi vật nuôi

Để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, thời gian tới, lãnh đạo Sở NNPTNT đề nghị tạm dừng việc tái đàn lợn ở các hộ nhỏ lẻ; các địa phương giám sát chặt chẽ việc tái đàn trong các hộ nuôi gia công cho Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Chi nhánh Kiên Giang…

Tại hội nghị triển khai các giải pháp ứng phó dịch tả lợn châu Phi tổ chức trên địa bàn tỉnh mới đây, ông Mai Anh Nhịn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho rằng: “Dịch tả lợn châu Phi là dịch bệnh chưa có vaccine phòng ngừa, khi phát bệnh không có thuốc điều trị, vì vậy phải lấy việc phòng ngừa là chính bằng cách vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, thực hiện tổng hợp các biện pháp kỹ thuật an toàn sinh học trong chăn nuôi. Đề nghị các ngành, địa phương làm hết trách nhiệm, chỉ đạo quyết liệt để tiến tới dập tắt dịch trong thời gian sớm nhất”.

img

 Anh Lê Minh Sơn, ngụ khu phố Kinh B, thị trấn Tân Hiệp (Tân Hiệp) tận dụng trại lợn bỏ trống lót bạt nuôi ba ba.  Ảnh: N.Q

Chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, ông Mai Anh Nhịn đề nghị Sở NNPTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổng kết, đánh giá kết quả mô hình thí điểm phòng, chống dịch tả lợn châu Phi cấp xã. Từ đó tập huấn cho tổ kinh tế kỹ thuật, hướng dẫn từng hộ dân thực hiện tiêu độc, khử trùng đúng quy trình, cách nhận biết dấu hiệu lợn bệnh.

Về vấn đề tái đàn, ông Nhịn giao Sở NNPTNT trao đổi với Bộ NNPTNT có giải pháp tái đàn ở những nơi đảm bảo an toàn nhằm đảm bảo nguồn lợn thịt phục vụ tiêu dùng, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2020.

Hiện toàn tỉnh có 12 huyện và 70 xã, thị trấn có dịch tả lợn châu Phi công bố dịch bệnh. Chủ trương của tỉnh hiện nay là tạm dừng tái đàn lợn đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Mặc dù lâm cảnh khó khăn, vốn liếng cạn kiệt khi đàn lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên, ở nhiều nơi, người dân bắt đầu chuyển qua các vật nuôi khác để khôi phục sản xuất. Tại ấp Tân Hòa A, xã Tân Hiệp B (Tân Hiệp), nơi xảy ra ổ dịch đầu tiên của tỉnh, gia đình chị Nguyễn Sol Pha đã chuyển qua nuôi vịt thịt với tổng đàn hơn 100 con. Chị Pha chia sẻ: “Thấy dịch tả lợn châu Phi vẫn đang bùng phát nên vợ chồng tôi chưa dám tái đàn lớn. Không thể nhìn chuồng trại trống không, tôi đã vay tiền đầu tư nuôi vịt lấy thịt, giờ chuẩn bị xuất bán”.

Còn tại khu phố Kinh B, thị trấn Tân Hiệp, hộ ông Lê Minh Sơn chuyển qua nuôi ba ba và cá chạch lấu trên một phần trang trại bỏ trống sau khi 439 con lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy. “Từ số tiền được huyện hỗ trợ tiêu hủy, tôi trả một phần nợ ngân hàng và dành 150 triệu đồng để nuôi 60kg lươn sinh sản, 6.000 con ba ba và 15.000 con cá chạch lấu, hi vọng hướng đi này sẽ đem lại hiệu quả hơn so với chăn nuôi lợn” - ông Sơn bộc bạch.