Dân Việt

Kiểm tra việc khai thác thủy sản: Thấm thía nỗi khổ “thẻ vàng”?

Anh Thơ 02/10/2019 14:35 GMT+7
Sau 2 năm bị Ủy ban châu Âu (EC) rút thẻ vàng do khai thác bất hợp pháp, không báo cáo (IUU), ngành thủy sản Việt Nam đã hứng chịu hậu quả nặng nề, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường châu Âu giảm sâu. Đoàn của EC sắp sang Việt Nam kiểm tra (đầu tháng 11 tới), nếu không nỗ lực hơn, rất có thể chúng ta phải nhận “thẻ đỏ”.

Sụt giảm về kim ngạch

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau 2 năm EC cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản khai thác của Việt Nam, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường EU đã bị tác động rõ rệt, giảm 6,5%, còn gần 390 triệu USD trong năm 2018 và tiếp tục chững lại trong 8 tháng đầu năm  2019, chỉ đạt 251 triệu USD.

img

 Lực lượng chức năng TP.Đà Nẵng tuyên truyền về cấm khai thác bất hợp pháp cho ngư dân tại cảng cá Thọ Quang. Ảnh: THANH HOA 

"Điều mong mỏi nhất lúc này là cố gắng giữ trạng thái thẻ vàng để các địa phương, doanh nghiệp củng cố, hoàn chỉnh lại hệ thống nghề cá theo hướng hiện đại, bền vững”.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc -
Phó Chủ tịch VASEP

Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, sau thẻ vàng, EU đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỷ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13%.

Những tác động này có thể nhận thấy rất rõ với sản phẩm cá ngừ. Theo VASEP, trong tháng 8/2019, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng chậm lại. Giá trị xuất khẩu cá ngừ trong tháng này chỉ đạt gần 65 triệu USD, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2018, nâng tổng giá trị xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm lên 494 triệu USD. Điều đáng nói, trong khi xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ rất khả quan với tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2019 tăng 56% so với cùng kỳ năm 2018, thì xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU vẫn chưa được cải thiện. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang khối thị trường này vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ, chỉ đạt gần 96 triệu USD, giảm 6,3%. Chỉ từ con cá ngừ cũng có thể thấy, thẻ vàng IUU đã có tác động như thế nào đến kim ngạch xuất khẩu.

Trên thực tế, tấm thẻ vàng của EC đã khiến hoạt động xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp Việt sang thị trường EU vốn đã khó nay càng thêm gian nan bởi những quy định kiểm tra ngày càng ngặt nghèo. Chia sẻ tại hội nghị tổng kết 2 năm thực hiện cam kết “Nói không với thủy sản khai thác IUU” do VASEP tổ chức mới đây, bà Cao Thị Kim Lan - Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định cho biết, sau khi thủy sản Việt Nam nhận thẻ vàng, các đơn hàng đi châu Âu của công ty bị kiểm tra tới 70 - 80% khiến hàng thường bị tắc lại 10 - 15 ngày, chi phí đội lên tới 15 - 20%; từ mức 40 - 60 triệu USD/năm, giờ doanh số xuất khẩu sang EU của công ty chỉ đạt 20 - 30USD/năm.

Tình trạng khó khăn trong khâu kiểm tra cũng xảy ra với hàng của Công ty Hải Vương (Khánh Hòa), thay vì được thông quan tự động, hiện mỗi lô hàng của Hải Vương mất thêm 7 - 10 ngày để kiểm tra. Thậm chí, có những doanh nghiệp phải chấp nhận mất hẳn thị trường này.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu hải sản đều cam kết và quyết tâm cao chống khai thác IUU, nhưng khi thực thi gặp khó vì thiếu thông tin, dữ liệu về tàu thuyền đánh bắt hợp pháp hay bất hợp pháp, rất mất thời gian để chờ xác nhận nguyên liệu được đánh bắt hợp pháp hay không, cũng không có quy định là trong bao lâu sẽ có thông tin để quyết định mua hay không. Khó khăn lớn thứ hai là nhận thức và thái độ hợp tác của ngư dân. Ngư dân cần được tuyên truyền, hướng dẫn nhiều hơn, đồng thời phải có phần mềm tự động hóa đơn giản để ngư dân có thể thực hiện ghi nhật ký khai thác.

Tăng tuyên truyền cho ngư dân

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Phó Chủ tịch VASEP, qua 2 năm kiên định với mục tiêu tháo gỡ thẻ vàng và sự phát triển bền vững của ngành khai thác và chế biến xuất khẩu hải sản Việt Nam, các doanh nghiệp đã rất tích cực với các hoạt động của chương trình: Đồng loạt treo biển Cam kết chống khai thác IUU, thực hiện nghiêm túc cam kết chống khai thác IUU, chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng; chỉ nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc khai thác hợp pháp.

Tuy nhiên, có một thực tế là, ban quản lý các cảng cá đang gặp khó về nguồn nhân lực, sự phối hợp, hợp tác giữa ban quản lý cảng cá, ngư dân, nậu vựa và doanh nghiệp chưa tốt, thông tư, văn bản hướng dẫn không rõ ràng... nên gây ách tắc trong quá trình xác nhận nguyên liệu khai thác.

Chính vì vậy, theo ông Huỳnh Thanh Lĩnh - Giám đốc Công ty Hải Vương, để khắc phục được thẻ vàng, cần đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân tuân thủ nghiêm túc các quy định chống khai thác IUU bởi thực tế hiện nay, nhận thức của ngư dân vẫn còn chuyển biến chậm.

Đồng quan điểm, bà Thu Sắc cho rằng, để gỡ bỏ được thẻ vàng trong thời gian tới phải chấm dứt ngay tình trạng đánh bắt vi phạm IUU, đầu tư các máy định vị trên tàu cá, cải tiến hệ thống phần mềm lấy thông tin của tàu, bên cạnh đó tiếp tục nâng cấp hệ thống cảng cá.

“Doanh nghiệp rất muốn được tiếp cận, chia sẻ thông tin về những tàu khai thác bất hợp pháp để từ chối không mua nguyên liệu, vì vậy mong muốn các cơ quan quản lý cảng, chi cục thủy sản tạo điều kiện cùng doanh nghiệp chống khai thác IUU hiệu quả hơn” - ông Nam nói.

Điều bà Sắc và nhiều doanh nghiệp lo ngại là EC có thể rút “thẻ đỏ” với thủy sản Việt Nam. Trong 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp đã thấm thía những tác động của chiếc thẻ vàng, nếu để xảy ra thẻ đỏ thì thiệt hại sẽ vô cùng khủng khiếp.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến:

Dù khó khăn vẫn phải nỗ lực gỡ thẻ

Ngay sau khi EC rút thẻ vàng, Việt Nam đã triển khai nhiều nhóm giải pháp để phát triển thủy sản bền vững, thực hiện các khuyến nghị của EC. Đặc biệt, ở cấp trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Luật Thủy sản 2017 được thông qua cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn được triển khai đồng bộ. 28 tỉnh, thành phố ven biển cũng thành lập các văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại các cảng cá; triển khai các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp...
Thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện việc lắp đặt thiết bị hành trình cho tàu cá nhằm quản lý tàu cá, hạn chế tối đa việc tàu cá vi phạm. Dù còn một số khó khăn cho ngư dân và địa phương, nhưng đây là việc phải làm không chỉ để gỡ thẻ vàng IUU mà còn để phát triển ngành thủy sản Việt Nam bền vững cho tương lai.
 
Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT):

Cơ hội tổ chức lại khai thác hải sản

Theo dự kiến, từ ngày 4 - 12/11/2019, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thuỷ sản của EC sẽ sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các nhóm khuyến nghị của EC đối với ngành khai thác hải sản Việt Nam về khai thác IUU.
Trong gần 2 năm qua, Việt Nam đã hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý bền vững ngành thủy sản, chống khai thác IUU qua Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản dưới luật đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ. Tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác trái phép tại một số quốc đảo đã chấm dứt. Việc đầu tư nguồn lực phục vụ giám sát tàu cá, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác... đã và đang được quan tâm. Tuy nhiên, còn một số khuyến nghị của EC mà chúng ta cần có thêm thời gian, cần đầu tư bổ sung nguồn lực để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn; thời điểm EC gỡ thẻ vàng cho Việt Nam phụ thuộc nhiều vào hiệu quả, hiệu lực tổ chức thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các nhóm nội dung khuyến nghị của EC tại trung ương và chính quyền 28 tỉnh ven biển.

Khánh Nguyên (ghi)