Dân Việt

Cần bảo tồn Vườn quốc gia Tam Đảo đi đôi với phát triển

Nguyễn Tố (thực hiện) 03/10/2019 10:50 GMT+7
Theo GS-TSKH Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, người đã gắn bó gần 60 năm với rừng cho rằng, Vườn quốc gia (VQG) Tam Đảo có ý nghĩa rất quan trọng đối với môi trường.

img

GS-TSKH Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.

Thưa ông, dư luận hiện đang quan tâm đến VQG Tam Đảo, vậy VQG Tam Đảo có ý nghĩa quan trọng như thế nào với môi trường sinh thái của khu vực?

- Chúng ta cần phải tư duy: Đã là rừng thì rừng nào cũng quan trọng, bất kể phải là VQG hay không? Với tỉnh Vĩnh Phúc, VQG Tam Đảo ngoài quan trọng, nó còn nhiều mang nhiều ý nghĩa lớn lao hơn thế. Đây chính là môi trường sinh sống của 1.436 loài thực vật thuộc 741 chi của 219 họ, thuộc 5 ngành.

Trong đó, có 42 loài đặc hữu và 83 loài quý hiếm đang bị đe doạ được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Với nhiều loại động vật quý hiếm, Vườn Quốc gia Tam Đảo không những nhiều về số lượng, đa dạng về thành phần loài mà còn có nhiều loại đặc hữu, quý hiếm cần được bảo tồn như: Vượn đen Đông Bắc, voọc má trắng, báo hoa mai, cá cóc...

img

Chưa kể môi trường cộng sinh của thảm thực vật nơi đây, trên cây có cây, hơn nữa phủ lên thân cây, rễ, đất và đá là một lớp rêu phong dày đặc. Nhờ thế rừng Tam Đảo là nơi tích tụ và dự trữ nước vô cùng quan trọng cho vùng hạ lưu, đặc biệt là 17 xã thuộc 2 tỉnh Thái Nguyên và Vĩnh Phúc đang sinh sống xung quang đưới chân núi.

Một điều không thể bàn cãi, đó là rừng Tam Đảo giúp cân bằng hệ sinh thái, cung cấp nguồn oxi cho vùng đồng bằng xung quanh nó, đặc biệt trong bối cảnh không khí đang ngày càng ô nhiễm từ khí thải của các khu công nghiệp, từ các phương tiện giao thông thì rừng Tam Đảo như là một cứu cánh quan trọng.

Chính sự phong phú của hệ động thực vật của nơi này mà VQG Tam Đảo trở thành mục tiêu chính của nạn săn bắt trộm, khai thác gỗ từ nhiều năm nay. Nếu không bảo vệ được vườn Quốc gia Tam Đảo chúng ta không chỉ mất đi một cánh rừng nguyên sinh vô giá, mà chúng ta còn phải đối mặt với thảm cảnh của biến đổi khí hậu, đối mặt với thiên tai, sạt lở và hạn hán.

Không chỉ Tam Đảo mà nhiều khu rừng khác cũng đứng trước nguy cơ bị xâm phạm, chẳng nhẽ chúng ta chỉ có thể “khoanh tay đứng nhìn” thôi sao, thưa ông?

- Tôi nhớ đã có lần UBND tỉnh Vĩnh Phúc có đề án xây dựng nghĩa trang và xin lấy đất từ rừng đặc dụng của VQG Tam Đảo, chúng tôi đã lên tiếng phản đối rất quyết liệt. Rất may là đề án đó không được thông qua nhưng không có nghĩa VQG Tam Đảo “an toàn” từ ngày đó hoặc trong thời gian tới.

img

Làm thủy điện tất nhiên phải chọn nơi đất dốc, cao, những nơi đó chỉ có thể là rừng. Nhưng chúng ta cũng đã thấy bài học rất đau xót từ của nước bạn Lào khi phát triển nóng thủy điện mà không tính toán quy hoạch hợp lý tài nguyên rừng.

Dù chúng ta đã có Luật quy định rất nghiêm về việc lấy đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng… nhưng điều tôi lo ngại nhất là người ta đang lấy rừng, mỗi lần lấy 1 ít, dưới mức phải xin phép. Và dần dần chúng ta mất rừng ngay trước mắt mà không làm gì được, đấy chính là nỗi đau vô cùng lớn lao.

Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường, rừng bền vững?

- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng khẳng định: Chúng ta không phát triển kinh tế bằng mọi giá, đặc biệt là không đánh đổi môi trường. Là chuyên gia trong lĩnh vực này, tôi cho rằng, nên cân nhắc giữa các lợi ích.

Về phía nhà đầu tư, cũng có thể họ có lý khi cho rằng, công trình sẽ mang lại lợi ích lớn lao, sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người, sẽ phát triển du lịch, sẽ mang về tỷ đô cho đất nước… nhưng khi mất rừng cũng có nghĩa sẽ ảnh hưởng đến môi trường sau này.

Rừng là cuộc sống, là tương lai, không thể vì bất cứ lợi ích nào để đánh đổi.

Xin cảm ơn ông!

Vườn Quốc gia Tam Đảo trải dài từ 21 độ 21 đến 21 độ 42 vĩ độ Bắc và 105 độ 23 đến 105 độ 44 kinh Đông, nằm trên địa phận 3 tỉnh: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Đây là một dãy núi lớn dài 80km, chạy theo hướng Tây Bắc- Đông Nam, từ huyện Sơn Dương(Tuyên Quang) đến huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc).

Ngày 12/11/2002 Thủ tướng chính phủ có Quyết định số:155/2002/TTg về việc điều chỉnh lại ranh giới Vườn quốc gia Tam Đảo và diện tích xuống còn: 34.995ha. Ranh giới Vườn quốc gia Tam Đảo được xác định từ độ cao 100m trở nên (so với mực nước biển).

Hiện nay, VQG Tam Đảo được giao cho Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý. Theo quy định, đối với những VQG nằm trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên sẽ giao Bộ NN-PTNT quản lý.

Và được chia làm 3 phân khu chính

- Phân khu bảo vệ nghiêm nghặt

- Phân khu phục hồi sinh thái

- Phân khu hành chính và dịch vụ du lịch