Giữ rừng nhưng… bất lực?!
Liên quan đến đến vụ việc người dân phản ánh có khoảng 140ha rừng dương lâu năm ở 2 xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) và Cát Chánh (huyện Phù Cát) bị kẻ xấu tàn phá, ông Trương Văn Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP phong điện Phương Mai xác nhận, năm 2011 doanh nghiệp đã được tỉnh Bình Định giao trên 140ha đất cho đơn vị này quản lý để làm dự án phong điện Phương Mai 1.
Việc quản lý nhưng để “mất” rừng, ông Phúc cho rằng "đã làm tròn trách nhiệm bảo vệ rừng nhưng do những kẻ xấu phá rừng quá hung hãn nên công ty đành bất lực". Sau khi sự việc xảy ra, doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị đơn vị chức năng, công an sớm vào cuộc điều tra, làm rõ thủ phạm đốt, phá rừng.
“Khu vực rừng giao cho doanh nghiệp quản lý đã chuyển đổi thành đất cây xanh, diện tích bị tàn phá cụ thể vẫn đang được kiểm tra, thống kê. Các đối tượng tàn phá mạnh nhất vào khoảng tháng 4/2019, huy động phương tiện, xe cộ hoạt động công khai.
Họ còn chặt đứt hàng rào thép của chúng tôi để đưa máy vào phá rừng cây, có những đối tượng rất hung hãn, nhiều lần mang kiếm, gậy, đá… tấn công, đuổi đánh các bảo vệ rừng. Ngay đến tôi, trực tiếp ra ngăn chặn phá rừng và cũng đã nhiều lần bị họ tấn công sưng hết mặt, có thời điểm họ huy động hàng chục người đánh chúng tôi”, ông Phúc kể.
Dự án phong điện Phương Mai 1 chưa hoàn thành nhưng nhiều diện tích rừng "biến mất".
Theo ông Trương Văn Phúc, doanh nghiệp không phá đốt rừng, cũng không có chuyện “bật đèn xanh” cho kẻ xấu vào khu vực này để tàn phá rừng.
“Sự việc trên khiến doanh nghiệp vừa thiệt hại lại vừa mang tiếng, chúng tôi làm dự án điện gió đến 1.400 tỷ đồng, mong muốn bảo vệ lại rừng để tạo cảnh quan môi trường khai thác nguồn năng lượng tái tạo, kèm theo đó là khai thác du lịch, hà cớ gì lại đi phá rừng, để làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp, bị công an truy cứu”, ông này phân trần.
Khi phóng viên đặt câu hỏi: “Ở đây, rõ ràng phạm vi được giao quản lý, bảo vệ rừng Công ty CP phong điện Phương Mai phải có trách nhiệm khi để mất rừng?”.
Ông Phúc nói rằng: “Về trách nhiệm bảo vệ rừng, chúng tôi đã làm hết khả năng rồi, bảo vệ ra ngăn cản thì nhiều lần bị đánh, giờ chỉ nhờ cơ quan công an giúp điều tra, làm rõ xử lý thôi. Hiện, đơn vị đang phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Bình Định và các đơn vị giống cây trồng để kiểm kê lại diện tích, sắp tới sẽ trồng lại rừng”.
Diện tích rừng bị phá, đốt tràn lan.
Chủ tịch tỉnh yêu cầu điều tra, xử lý
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng vừa giao cho Công an tỉnh, Ban Quản lý khu kinh tế, UBND huyện Phù Cát, huyện Tuy Phước khẩn trương vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân cháy, chặt phá rừng cây phi lao tại dự án Nhà máy phong điện Phương Mai 1, xử lý nghiêm theo quy định và báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trước ngày 15/10.
Phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định Phan Viết Hùng - đơn vị quản lý nhà nước, được giao quản lý Dự án phong điện Phương Mai 1 cho hay, đã có công văn đề nghị Công an tỉnh Bình Định vào cuộc điều tra nguyên nhân rừng bị phá, cháy. Diện tích ở đây chủ yếu được quy hoạch để làm phong điện, phục vụ du lịch và khai thác năng lượng tái tạo. Theo quy hoạch, ở đây chỉ cho phép chặt, hạ 1 số diện tích rừng đủ để trồng trụ điện gió lên thôi, không được phá trắng.
Những gốc cây lớn bị cưa sát gốc.
Hiện trường vụ việc cho thấy, cả khu rừng rộng bạt ngàn giờ bị đốt cháy, những vệt đen hoang tàn trải dài, ước tính có đến hàng trăm ngàn cây dương cổ thụ, đường kính từ 10cm – 50cm, có thể từ 5 đến 40 năm tuổi bị cưa phẳng sát gốc. Một nguồn tin cho biết, số lượng cây rừng bị cưa hạ khoảng 100.000 cây, ước tính bán gỗ cũng khoảng 6 tỷ đồng, con số không hề nhỏ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm đối tượng đốt, phá rừng.
Trước đó, theo phản ánh của người dân ở xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), lâu nay rừng dương khoảng 250ha có vai trò che chắn thiên tai, bão cát cho trên 500 hộ dân với 2.000 nhân khẩu, hiện đã bị phá trắng gần 60%. Diện tích bị phá lên đến khoảng 140ha, nằm ở khu vực đã được chính quyền tỉnh Bình Định giao cho Công ty CP Phong điện Phương Mai đầu tư dự án phong điện Phương Mai 1.