Dân Việt

Chống “tham nhũng” ở dự án cao tốc Bắc-Nam: Tránh “vỏ dưa” lo gặp... “vỏ dừa”?

Thế Anh (thực hiện) 03/10/2019 05:58 GMT+7
Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) hủy sơ tuyển nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đấu thầu quốc tế mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) trong nước. Tuy nhiên, người dân vẫn lo lắng việc đầu tư sẽ phải thực hiện theo cách nào để ngăn chặn nhà đầu tư nước ngoài đứng sau DN nội tham gia dự án để tránh tình trạng tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa “núp bóng”.

Để làm rõ hơn về cơ hội của các nhà thầu trong nước tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam, trao đổi với PV Báo NTNN, kỹ sư giao thông Lê Văn Hào (ảnh) - Giám đốc Công ty CP XD Thịnh Phát khẳng định: “Một số đoạn cao tốc sẽ không đáp ứng được phương án thu hồi vốn, và chắc chắn sẽ bị lỗ khi nhà đầu tư tham gia đầu tư”.

Thưa ông, việc huỷ bỏ đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc - Nam để chuyển sang đấu thầu trong nước có phát huy được hiệu quả kinh tế và chọn được nhà đầu tư đủ năng lực không?

img

img

Tuyến cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan. Ảnh: Thế Anh 

"Nếu khi sử dụng các hình thức đầu tư BT, BOT, PPP để đầu tư làm mới một công trình như đường cao tốc Bắc - Nam, sau đó thu phí để hoàn trả lại thì không khả thi. Nguyên nhân là do người dân sẽ có quyền lựa chọn các cung đường Quốc lộ 1 cũ và đường Cao tốc để di chuyển để giảm chi phí đi lại”.

Ông Lê Văn Hào

- Nếu dùng ngân sách để thực hiện theo Luật Đầu tư công (dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam) thì ngân sách không đủ. Để đưa ra các phương án tốt nhất, tôi đã có văn bản kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ về một số ý tưởng, giải pháp đầu tư cao tốc Bắc - Nam và mong muốn được Thủ tướng xem xét.

Trước đây, hình thức BT, BOT đã triển khai và đem lại kết quả tốt nhưng cũng kèm theo nhiều hệ lụy cho xã hội như đã thấy ở một số trạm BOT, còn hình thức đầu tư PPP là khá mới mẻ ở Việt Nam. Với quy trình: Lựa chọn nhà đầu tư, khảo sát thiết kế, thi công, nghiệm thu đưa vào khai thác vận hành thu phí sử dụng dịch vụ.

Nếu khi sử dụng các hình thức đầu tư BT, BOT, PPP để đầu tư làm mới một công trình như đường cao tốc Bắc - Nam, sau đó thu phí để hoàn trả lại thì không khả thi. Nguyên nhân là do người dân sẽ có quyền lựa chọn các cung đường Quốc lộ 1 cũ và đường cao tốc để di chuyển để giảm chi phí đi lại.

Đặc biệt, một số đoạn cao tốc sẽ không đáp ứng được thu hồi vốn, và chắc chắn sẽ bị lỗ khi tham gia đầu tư. Do đó, sẽ không thu hút được các nhà đầu tư, Nếu trường hợp này mà Nhà nước dùng chính sách can thiệp để buộc người dân sử dụng dịch vụ đường cao tốc thì sẽ xảy ra phản ứng trong dư luận.

Theo ông hủy đấu thầu quốc tế thì nên thực hiện theo phương án nào vừa có lợi cho đất nước, vừa có lợi cho người dân và các DN tham gia đầu tư xây dựng đường cao tốc?

- Hầu hết lâu nay quy trình đầu tư chúng ta chỉ thực hiện theo quy trình một chiều, thiếu tính phản biện và luôn thực hiện kiểu hậu kiểm. Điều này làm thất thoát chi phí, giảm chất lượng công trình, tăng tham nhũng, lợi ích nhóm… Do đó, để hài hòa lợi ích giữa các bên chúng ta cần phải thực hiện theo hình thức 4 bên: Cá nhân, tổ chức cho vay - Nhà nước trung gian vay, cho vay - Nhà thầu thi công - Đơn vị vận hành sử dụng thu phí. Bằng hình thức này, Nhà nước bằng tín chấp của mình đứng ra huy động vốn cho các dự án thành phần đường cao tốc, hoặc nhà nước đứng ra làm trung gian bảo lãnh cho DN tham gia làm đường vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng, các Quỹ Bảo hiểm xã hội… Trong nước với lãi suất nhất định (sẽ có thỏa thuận giữa DN với bên cho vay về cách thức vay - trả, thời hạn vay, lãi suất cho vay). Sau đó tổ chức đấu thầu thi công đường cao tốc.

Quan điểm của ông như thế nào về hình thức đầu tư PPP đối với dự án cao tốc Bắc - Nam?

- Việc chuyển sang đấu thầu trong nước, chắc chắn sẽ có 100% doanh nghiệp trong nước tham gia thi công. Tuy nhiên, nếu vẫn áp dụng hình thức đầu tư theo hình thức PPP, khi mà chúng ta áp dụng chưa nhiều thì sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy điển hình như các hình thức đầu tư đã từng xẩy ra: BT, BOT…, khi chúng ta không thể kiểm soát được hoạt động, không thể minh bạch được quá trình thi công cũng như vận hành dự án. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các nhà thầu đó trục lợi bằng mọi giá một cách hợp pháp.

Để tránh được việc đó cần triển khai tiến hành thuê tư vấn khảo sát thiết kế trong hoặc ngoài nước tiến hành khảo sát thiết kế, minh bạch thông tin dự án. Thành lập các ban chuyên đề thẩm định hồ sơ thiết kế, đồng thời tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kiểm tra thuế.

Nhà nước bằng tín chấp của mình đứng ra huy động vốn cho các dự án thành phần đường cao tốc, hoặc nhà nước đứng ra làm trung gian bảo lãnh cho DN tham gia làm đường vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng, các quỹ BHXH… trong nước với lãi suất nhất định (sẽ có thỏa thuận giữa DN với bên cho vay vè cách thức vay - trả, thời hạn vay, lãi suất cho vay).

Sau khi Nhà nước huy động được vốn thì tổ chức đấu thầu. Khi có kết quả đấu thầu sẽ tiến hành thi công, trong quá trình thi công thì bộ phận giám sát, thanh kiểm tra, kiểm toán sẽ tham gia luôn ngay trên hiện trường, chiết tính khối lượng hoàn thành thực tế, nghiệm thu theo số liệu thực tế trên công trường, rồi mới được thanh toán khối lượng thi công theo thực tế.

Sau khi hoàn thành nghiệm thu, các bên tiến hành chốt số liệu ngay tại công trường, chấp nhận kết quả quyết toán và thành toán đầy đủ cho nhà thầu. Nhà thầu sẽ không phải chịu kiểm tra hoặc thanh tra bất kỳ đợt nào khác thêm nữa. Vận hành thu phí để trả lại tiền vay và một phần lãi suất vay.

Phải minh bạch số tiền thu phí khi một phương tiện bắt đầu tham gia giao thông trên tuyến đó trên bảng điện tử tại trạm thu phí để nhân dân được quyền giám sát. Đồng thời số liệu đó được lưu lại theo thời gian trên hệ thống máy chủ có phần mềm bảo mật, nhân viên thu phí không thể tự tiện can thiệp. Nhà nước có chính sách để khuyến khích, bắt buộc một số phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc, tăng thêm nguồn thu và giam thời gian khấu hao.

Xin cảm ơn ông!

Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt

 “Việc huỷ đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc - Nam tạo ra rất nhiều cơ hội cho các DN trong nước có mong muốn được tham gia vào dự án. Tôi được biết, nguyên nhân huỷ đầu thầu quốc tế là do tính cạnh tranh của đấu thầu quốc tế trong dự án này không cao. Đối với dự án giao thông trọng điểm sẽ còn có thêm tiêu chí về công nghệ, tính khoa học và môi trường. Do đó, việc không có nhà thầu quốc tế tham gia cũng là một cơ hội và là thách thức đối với DN nội của chúng ta...”.

GS-TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT

Tháng 10 phát hành hồ sơ mời thầu

“Việc huỷ bỏ đầu thầu quốc tế không làm ảnh hưởng lớn tới việc đầu thầu chọn nhà đầu tư trong nước vì hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đều giống nhau. Để lựa chọn được những nhà đầu tư đủ năng lực, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam. Dự kiến đầu tháng 10 này, Bộ GTVT sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển cho các nhà đầu tư và sẽ hoàn thành công tác sơ tuyển trong tháng 1/2020. Đến tháng 2/2020, Bộ GTVT bắt đầu tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”.

Ông Nguyễn Viết Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP, Bộ GTVT)

Thế Anh (ghi)