Dân Việt

Nghệ An : Bướm "quái" tấn công, cam rụng hàng loạt, tiền "trôi sông"

Mỹ Hà 03/10/2019 06:29 GMT+7
Do xuất hiện của mộ số côn trùng gây hại như bướm lâm nghiệp, ruồi vàng dẫn đến hàng chục tấn cam của người dân ở xã Yên Khê, huyện Con Cuông ( Nghệ An) trong thời kỳ thu hoạch đã bị rụng, thiệt hại đến hàng trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Đức Long- thôn Trung Yên, xã Yên Khê, huyện Con Cuông ( Nghệ An) có gần1 ha cam với 200 gốc đang trong thời kỳ thu hoạch. Ước tính vụ cam năm nay gia đình ông thu hoạch khoảng 15 tấn. Thế nhưng, thời điểm này do xuất hiện một số côn trùng gây hại như bướm lâm nghiệp, ruồi vàng chích hút , vườn cam của ông đã rụng mất 5 tấn quả, với giá bán hiện tại 20.000 đồng/kg, thiệt hại 100 triệu đồng.

img

Theo bà Vang Thị Hường- thôn Trung Yên, xã Yên Khê, huyện Con Cuông( Nghệ An)  năm nay do côn trùng gây hại nên quả rụng nhiều, phần khác giá bán thấp hơn nên người trồng cam gặp khó khăn. Ảnh: Mỹ Hà

Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, ông Nguyễn Đức Long- thôn Trung Yên xã Yên Khê,Con Cuông nói : “Vườn cam của gia đình tôi sắp tới kỳ thu hoạch, nhưng thời gian gần đây xuất hiện bướm lâm nghiệp và ruồi vàng chích đốt khiến cam rụng vàng gốc, vô cùng xót xa, năm nay gia đình tôi coi như mất trắng.”

 Bên cạnh đó, gia đình chị Trần Thị Hồng Giáp- thôn Trung Yên, xã Yên Khê, huyện Con Cuông ( Nghệ An) cũng có hơn 1ha trồng cam. Trên diện tích này chị đầu tư trồng 300 gốc cam, hiện nay đang vào thời điểm thu hoạch nhưng vườn cam của gia đình chị đã bị rụng gần hết. Nguyên nhân cam rụng do bướm lâm nghiệp cứ trời tối thì bay về vườn cam để chích hút.

img

Một lượng lớn cam của bà Hường đã phải đưa đi đổ vì bị bướm công nghiệp chích hút. Ảnh: Mỹ Hà

Nhìn vườn cam chị Giáp xót xa nói: “Loài bướm này cứ 5 năm xuất hiện lần, do diện tích cam của gia đình tôi gần lèn đá nên bướm xuất hiện nhiều hơn. Gia đình chăng bóng điện, soi đèn bắt bướm nhưng không xuể vì số lượng quá nhiều và diện tích vườn rộng, thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng, công sức gia đình coi như đổ sông đổ bể.”

Gia đình chị Hà Thị Bình-thôn Trung Yên, xã yên Khê nói: “Gia đình tôi có tới 600 gốc cam mới trồng được 5 năm, năm nay mới bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu thì lại bị loại bướm lạ tấn công khiến quả rụng hàng loạt. Để hạn chế loài bướm này gia đình đã mắc bóng điện để xua đuổi, đồng thời buổi tối đi bắt thủ công nhưng xem ra không ăn thua.”

img

Sau hai ngày từ khi bị chích hút thì quả cam sẽ thối và rụng. Ảnh: Mỹ Hà

Ông Vi Văn Đậu-chủ tịch UBND xã Yên Khê, huyện Con Cuông ( Nghệ An) nói: Toàn xã có 67 ha cam đã cho thu hoạch, ước tính năng suất, sản lượng cam của xã đạt 110-120 tấn/ha. Theo thống kê ban đầu đã có khoảng 1/3 sản lượng cam trên địa bàn bị rụng, tổng thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Toàn huyện Con Cuông có khoảng 30 ha cam bị rụng hàng chục tấn quả do côn trùng tấn công. Diện tích cam bị ảnh hưởng sẽ còn tăng trong thời gian tới. Lượng côn trùng quá nhiều trong khi biện pháp phòng trừ còn thủ công nên rất khó khăn cho người trồng cam.

"Chúng tôi tuyên truyền vận động bà con căng bóng đèn để xua đuổi bướm và ruồi vàng. Những vườn nào đã thu hoạch được thì cố gắng thu hoạch sớm hơn dự kiến một chút để đỡ tổn thất....", ông Vi Văn Đậu cho hay.

img

Một góc vườn cam bị rụng quả do côn trùng đốt. Ảnh: Mỹ Hà

Theo người dân, loại bướm này thường 5 năm xuất hiện một lần, trước đây số lượng còn ít nhưng mùa cam năm nay chúng bỗng dưng xuất hiện nhiều. Đặc biệt, chúng chỉ xuất hiện từ lúc chập tối đến khuya, kéo cả đàn đến chích cam, nhất là những quả cam mọng nước, sắp đến kỳ thu hoạch. Sáng hôm sau đàn bướm quái ác này lại hoàn toàn biến mất.

Côn trùng ở đây là loại bướm sản sinh ở các lèn đá vôi, sải cánh khoảng 5-7 cm, chuyên chích hút cam vào lúc trời tối, sau hai ngày từ khi bị chích hút thì quả cam sẽ thối và rụng. Theo chu kỳ 4 -5 năm thì xuất hiện một lần loại bướm này với số lượng lớn. Các biện pháp phòng trừ chủ yếu căng bóng đèn vào ban đêm để xua đuổi, hoặc dùng vợt bắt, dùng túi nylon bọc quả cam để bảo vệ. 

img

Người dân tranh thủ thu hoạch cam sớm so với dự kiến để tránh bị côn trùng đốt gây thiệt hại lớn. Ảnh: Mỹ Hà

Hiện tại, Con Cuông có 310 ha cam,  có 97 ha đã cho thu hoạch. Trong đó xã Yên Khê là địa phương có diện tích cam lớn nhất huyện với 259,5ha, có 67 ha cam đã cho thu hoạch.