Trưởng Ban KTTƯ Nguyễn Văn Bình.
Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về công nghệ 4.0 năm 2019, Trưởng Ban KTTƯ Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện tại, đã có trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả các quốc gia đang phát triển ban hành các chiến lược, chương trình hành động liên quan đến cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 với nhiều tên gọi khác nhau. Bên cạnh đó, nhiều nước cũng xây dựng và triển khai Chiến lược chuyển đổi số quốc gia - một trong những nội dung cốt lõi của Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Đối với Việt Nam, nhiều kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế đã dự báo việc tham gia Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Song vẫn còn đó nỗi trăn trở lớn đối với một số tư duy chưa đúng đắn về Cách mạng Công nghiệp 4.0 được ông Nguyễn Văn Bình nêu ra. Đó là Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ xử lý tất cả mọi việc mà không tính đến những mặt trái, hệ lụy, tác động tiêu cực mà cuộc các mạng này có thể mang đến trật tự xã hội, an ninh quốc phòng, công bằng xã hội cũng như tính bền vững của nền kinh tế.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Bình còn chỉ ra một số vấn đề tồn tại khác như thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo chưa được hình thành đồng bộ; chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các sản phẩm, mô hình kinh doanh dịch vụ mới của CMCN 4.0; chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho ứng dụng và phát triển các công nghệ nền tảng của CMCN 4.0 trong sản xuất và đời sống; còn thiếu các quy định về bảo vệ cơ sở dữ liệu, thông tin dữ liệu cá nhân.
Thêm vào đó, thực tế cũng chỉ ra cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế xã hội, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả; quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, chưa chủ động, nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ số còn thấp; kinh tế số có quy mô còn nhỏ; việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức phức tạp.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, phần lớn các chuyên gia hàng đầu thế giới đánh giá rằng cách mạng 4.0 về bản chất là cách mạng về thể chế. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số đã tạo ra lực lượng sản xuất bùng nổ.
“Cái bùng nổ đó làm cho khuôn khổ thể chế bấy lâu nay không còn phù hợp nữa. Tiếp tục duy trì khuôn khổ này sẽ kìm hãm sự phát triển”, ông Bình nhận xét.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng: “Từ trước đến nay, chúng ta vẫn có tư duy quản lý theo lối mòn, cái gì chưa quản lý được hoặc không quản lý được thì chúng ta cấm thì làm gì còn đổi mới sáng tạo? Nói đến cùng thì không thể có cách mạng công nghiệp 4.0 nếu chúng ta tiếp tục tư duy như thế để quản lý kinh tế xã hội”.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nếu có chính sách phù hợp, Việt Nam sẽ vượt lên thành nước phát triển. Bởi quá trình chuyển đổi số của Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng chính sách và thể chế nhiều hơn cách mạng về công nghệ. Đây sẽ càng là lợi thế của Việt Nam khi có Đảng lãnh đạo có thể đưa ra quyết sách lớn, nhanh và tập trung.
"Các nước như Việt Nam chúng ta có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, doanh nghiệp, đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Bộ trưởng Hùng, năm nay, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia, các yếu tố nền tảng sẽ được nhấn mạnh đi trước giúp Việt Nam nằm trong top 50 quốc gia đứng đầu về chuyển đổi số vào 2025, top 30 vào 2030. Trong đó nhấn mạnh tới thể chế, hạ tầng, an ninh mạng...
"Việt Nam muốn phát triển số, Việt Nam trước hết phải là quốc gia đảm bảo an toàn an ninh mạng. Cũng như chuyển đổi số là chặng đường dài, kéo dài hàng thập kỷ, liên quan tới hàng vạn người", ông Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số quốc gia muốn đi nhanh thì Chính phủ phải đi đầu, phải đi tiên phong trong chuyển đổi số. Việt Nam có thể đẩy nhanh số hóa trong các lĩnh vực, cạnh tranh trong từng lĩnh vực, hướng tới các nền công nghiệp mới.