Dân Việt

Cổ phiếu thủy sản “đón sóng” nhờ dịch tả lợn châu Phi và EVFTA?

Quốc Hải 05/10/2019 18:30 GMT+7
Theo dự báo của giới chuyên gia, dịch tả lợn Châu Phi (ASF) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được dự báo sẽ là những cơ hội cho cá tra Việt Nam tăng trưởng sản lượng vào hai thị trường Trung Quốc và EU trong những tháng cuối năm 2019 và trong năm 2020…

img

Xuất khẩu cá tra được dự báo sẽ tăng mạnh dịp cuối năm (Ảnh: IT)

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, cổ phiếu VHC của Thuỷ sản Vĩnh Hoàn sụt giảm 1.400 đồng/CP, tương ứng 1,7% còn 81.500 đồng mỗi cổ phiếu.

Theo một số chuyên viên phân tích, mã cổ phiếu VHC đang trong giai đoạn lên xuống thất thường về giá, bởi nếu so với thời điểm đầu năm 2019, VHC đã giảm 8% giá trị. Tuy nhiên nếu so với “đỉnh” đạt được hồi cuối tháng 11/2018 (đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/11/2018 ở mức 110.080 đồng/cổ phiếu - giá đã điều chỉnh), thì VHC đã mất gần 26% giá trị trong vòng chưa đến 1 năm.

Còn nếu so sánh với đỉnh đạt được trong năm 2019, vào khoảng 99.300 đồng/cổ phiếu, thì VHC cũng đã giảm gần 18% giá.

Nguyên nhân khiến cổ phiếu VHC giảm mạnh được đưa ra rất nhiều như: Cổ phiếu đã tăng trưởng quá đà, thị trường chứng khoán giảm nhiệt, rủi ro chiến tranh thương mại nói chung cũng như ngành thủy sản nói riêng, đặc biệt tâm lý chờ đợi kỳ POR14 khiến nhà đầu tư liên tục "chốt lời" cổ phiếu VHC… dù kết quả kinh doanh của VHC được đánh giá là khá tích cực trong nhóm các cổ phiếu ngành thủy sản.

Cổ phiếu ANV của Công ty cổ phần Nam Việt cũng giảm giá mạnh so với thời điểm đầu năm. Chốt phiên giao dịch ngày 4/10, cổ phiếu ANV hiện đang ở mức giá 25.700 đồng/CP. Nếu so với đỉnh 32.500 đồng thiết lập vào ngày 28/5, cổ phiếu ANV đang giảm hơn 21%.

Trong khi đó, cổ phiếu HVG của “vua cá tra” Hùng Vương kết thúc phiên giao dịch ngày 4/10 đạt mức giá…2.810 đồng/CP. So với mức “đáy” 2.500 đồng thiết lập gần 2 tháng trước (phiên 16/8/2019), cổ phiếu HVG của “vua cá tra” Dương Ngọc Minh đã có sự phục hồi đáng kể nhưng tựu chung vẫn chỉ ở mức giá ly trà đá.

Tuy nhiên, có một mã cổ phiếu thủy sản gây "sốc" thời gian qua là CMX của Công ty CP Camimex Group. Nếu tính từ đầu năm 2019 đến nay, CMX đã tăng gần gấp đôi, từ vùng giá 15.200 đồng/cổ phiếu lên mức giá 23.500 đồng/CP ở thời điểm hiện tại, có giai đoạn lên “đỉnh” CMX đạt tới mức giá 33.300 đồng/cổ phiếu. Đáng nói, với CMX, cần xét đến giai đoạn trước đó, từ trước tháng 9/2018, CMX đã duy trì giao dịch dưới 5.500 đồng/cổ phiếu một thời gian rất dài trước khi tăng mạnh.

Nguyên nhân khiến cổ phiếu CMX tăng mạnh là nhờ kết quả kinh doanh khả quan. Cụ thể, doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 của CNX đạt 511 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 10% so với cùng kỳ nhưng lãi ròng lên tới 71 tỷ đồng tăng cao gấp hơn 4 lần nửa đầu năm 2018.

Nhìn chung, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp thuỷ sản Việt giảm mạnh thời gian qua diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu ngành thủy sản vừa trải qua con sóng tăng giá bắt đầu từ giữa năm 2018 với nhiều mã vượt đỉnh lịch sử và hiện đang rơi vào giai đoạn điều chỉnh.

Tuy nhiên, hiện các mã thủy sản đang có dấu hiệu phụ hồi trở lại và có thể sẽ đón “sóng” trong những tháng cuối năm 2019 vì xuất khẩu cá tra nói riêng và thủy sản nói chung thường sẽ phục hồi và tăng trưởng mạnh vào những tháng cuối năm, khi các nhà nhập khẩu chủ động trữ hàng cho các kỳ nghỉ lễ lớn.

Trong khi đó, đánh giá về tiềm năng xuất khẩu của ngành thủy sản những tháng cuối năm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện nay, thủy sản Việt Nam có bốn thị trường lớn là EU, Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc, mỗi thị trường chiếm 15 - 17% nên sẽ không phụ thuộc vào thị trường nào quá lớn. Riêng ở thị trường Trung Quốc, dù đồng nhân dân tệ mất giá, nhưng không ảnh hưởng quá nhiều, bởi Việt Nam cơ bản xuất khẩu tính theo USD.

Còn với thị trường Mỹ, trong 2 năm qua, các doanh nghiệp Việt phải chịu mức thuế chống bán phá giá tôm 5%, nhưng nay không phải chịu thuế này, nên Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với Ấn Độ và Indonesia trong thời gian tới.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích của Chứng khoán SSI thì dự báo, dịch tả lợn Châu Phi (ASF) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được dự báo sẽ là những cơ hội cho cá tra Việt Nam tăng trưởng sản lượng vào hai thị trường Trung Quốc và EU trong những tháng cuối năm 2019 và trong năm 2020.

Theo một báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, trong quý 3/2019, ngành thủy sản cũng giảm tốc xuống +5,53% (quý 2 còn tăng +7,03%). Thị trường xuất khẩu vẫn không thuận lợi với Thủy sản là nguyên nhân chính khiến ngành Thủy sản tăng trưởng chậm lại. Xuất khẩu thủy sản tháng 9 giảm -2,9% so với cùng kỳ và tính chung quý 3, xuất khẩu thủy sản giảm -2% (6 tháng đầu năm giảm -1,8%).