Những câu chuyện đau lòng như vậy ngày càng nhiều ở vùng đất chết Afghanistan, nơi số phận người phụ nữ bị xem nhẹ như...cỏ cây.
“Tội” sinh con gái
Dư luận thế giới lại rùng mình bởi thêm một câu chuyện đau lòng về phận mỏng của người phụ nữ Afghanistan, khi ngoài việc họ bị bạo hành, bị dùng làm lá chắn sống cho phiến quân Taliban, những phụ nữ này còn bị khép vào tội không biết sinh con trai và nhận những hậu quả đau đớn từ việc này. Cuối tháng 1 vừa qua, người phụ nữ trẻ Storay sống ở ngôi làng Mahfalay, quận Khanabad, phía đông bắc tỉnh Kunduz, là nạn nhân mới nhất của vấn nạn “giết vợ vì không sinh được con trai” ở Afghanistan.
Có đến 87% số phụ nữ Afghanistan từng bị bạo hành hoặc ép buộc kết hôn. |
Storay chỉ mới 22 tuổi, sau 4 năm lấy chồng, tháng 12 năm 2011, cô đã sinh hạ đứa con gái thứ ba. Từ ngày con dâu không sinh được cháu trai nối dõi, người mẹ chồng có tên là Wali Hazrata đã cùng con trai là Sher Mohamed âm mưu lên kế hoạch giết hại Storay. Bà Wali đã trói chân con dâu Storay để chồng của cô ra tay bóp cổ vợ cho đến chết. Người chồng máu lạnh sau đó đã bỏ trốn, còn bà mẹ chồng Wali thì đang bị cảnh sát bắt giam vì tội đồng lõa giết người.
Cảnh sát Afghanistan tin rằng, Storay đã bị giết vì “lại sinh con gái”, điều đồng nghĩa với gánh nặng theo quan niệm của xã hội Afghanistan. Chồng của Storay là một tay súng của lực lượng phiến quân Taliban và cô đã nhiều lần phải khuyên chồng từ bỏ vũ khí. Hàng xóm của Storay kể lại rằng, trong ngôi nhà đó, Storay sống không khác gì địa ngục, cô thường xuyên bị chồng đánh đập vì chưa sinh được con trai và nhiều lần cô khuyên nhủ chồng rút khỏi đội quân Taliban hung hãn.
Những ngày sau đó trong trại giam, bà mẹ chồng độc ác Wali một mực đổ tội rằng, Storay đã tự sát vì cảm thấy “ân hận” và “tội lỗi” vì đã không sinh được con trai. Vụ việc này đã gây chú ý đặc biệt đối với các nhà hoạt động nhân quyền Afghanistan.
Giám đốc Cơ quan các vấn đề về phụ nữ tỉnh Kunduz, bà Nadira Gya nhận xét, đây là tội ác dã man đối với một phụ nữ vô tội. Chính quyền địa phương và các lãnh đạo bộ lạc cũng lên án vụ giết người, gọi đây là một hành động không thể dung thứ chống lại Hồi giáo, nhân đạo và phụ nữ. Và những hành động bạo lực như vậy chưa có dấu hiệu dừng lại ở Afghanistan.
Không lối thoát
Horia Mosadiq - một nhà nghiên cứu làm việc cho các Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết, câu chuyện đau lòng của Storay không phải là trường hợp cá biệt ở Afghanistan. Bà Horia nói với Hãng tin CNN rằng, tình hình nhân quyền, đặc biệt là quyền phụ nữ đang diễn ra rất tệ ở Afghanistan. Bà Horia cho biết, bà thường xuyên liên lạc với các phụ nữ của các tổ chức nhân quyền trên khắp đất nước và họ nói rằng, bạo lực phụ nữ đang gia tăng ở Afghanistan.
Trong một trường hợp khác, một cô gái 21 tuổi được biết đến dưới cái tên là Gulnazs, đã bị kết án đến 12 năm tù giam sau khi cô báo án rằng chồng của người cô đã hãm hiếp mình. Hoàn cảnh khó khăn của cô thu hút sự chú ý của quốc tế khi cô buộc phải đồng ý kết hôn với kẻ đã hãm hiếp mình để được tự do và hợp pháp hóa một đứa con gái sau khi có thai với hắn. Cuối cùng cô đã được trả tự do, sau can thiệp của Tổng thống Karrzai.
Một trường hợp đau lòng khác xảy ra trong tháng 12.2011, các tay súng tấn công và phun axit vào một gia đình Afghanistan sau khi người cha từ chối cho phép một người đàn ông kết hôn với cô con gái chưa đủ tuổi thành niên của mình.
Theo văn hóa Afghanistan, nếu cuộc hôn nhân ép buộc không có hạnh phúc, người đàn ông có thể cưới người phụ nữ mà anh ta yêu về làm vợ hai. Nhưng các cô gái thì lại không có lối thoát. Họ phải cam chịu số phận đắng cay đến hết đời mình. Một số muốn thoát khỏi bi kịch cuộc đời đã tìm đến cái chết. Một số khác bỏ trốn, có người bị rơi vào động mại dâm hoặc vòng vây của nghiện ngập. Nghèo đói là nguyên nhân thúc đẩy nhiều cuộc hôn nhân trẻ em ở Afghanistan.
Hành vi mà ở hầu hết các nước sẽ bị coi là phạm tội thì ở nhiều khu vực tại Afghanistan chỉ xem đó là một tục lệ công khai - điều mà Chính phủ nước này hoặc không thể hoặc không sẵn sàng đương đầu với nó. Những hy vọng mình sẽ được bảo vệ của các em gái ở đây dường như là điều quá xa xôi và các em đành phải tiếp tục đánh cuộc với rủi may số phận hay phải làm mẹ khi còn đang ở tuổi chơi đùa.
Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), từ năm 2000-2008, những cô dâu trong 43% cuộc hôn nhân ở Afghanistan là dưới 18 tuổi.
Hạ Anh (tổng hợp)